Giao dịch ký quỹ: 2/3 CTCK có thể phải đứng ngoài!
Từ ngày 1/8, hoạt động margin sẽ được phép thực hiện, tuy nhiên, nhiều khả năng chỉ có khoảng 33 CTCK thực hiện được nghiệp vụ này do quy trình được dự báo là rất chặt chẽ được đưa ra từ UBCK.
Theo Thông tư 74/2011/TT-BTC, từ ngày 1/8, giao dịch ký quỹ chứng khoán sẽ có hiệu lực. Vấn đề quan trọng nhất mà thị trường đang chờ đợi là quy định chi tiết mà UBCK sẽ ban hành để các CTCK có thể sớm đưa vào triển khai. Làm thế nào để vừa có thể tạo điều kiện cho CTCK, NĐT thông thoáng trong việc sử dụng đòn bẩy, lại vừa đảm bảo yếu tố kiểm soát rủi ro?
Tin từ UBCK, cơ quan này sẽ ban hành Quy trình hướng dẫn giao dịch ký quỹ (margin) chứng khoán trước ngày 1/8 để kịp thời gian Thông tư 74 về giao dịch chứng khoán có hiệu lực. Ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, UBCK cho biết: “Do margin là một nghiệp vụ mới nên quan điểm của UBCK là ban hành một quy trình chặt chẽ, chi tiết để đảm bảo nghiệp vụ mới được triển khai một cách thuận lợi, an toàn cho sự phát triển bền vững của TTCK”.
Nội dung của quy trình này, về cơ bản, UBCK giữ nguyên tinh thần của dự thảo đã được xin ý kiến trước đó (là dạng Thông tư, lấy ý kiến từ năm 2010), nhưng trên cơ sở có điều chỉnh cho phù hợp với ý kiến đóng góp của các thành viên thị trường và cân nhắc sự phù hợp với thực trạng TTCK Việt Nam và yếu tố an toàn hệ thống. Dự kiến, trong tuần tới, dự thảo quy trình sẽ được đưa ra lấy ý kiến từ các thành viên trước khi ban hành chính thức.
Theo nội dung dự thảo quy trình đã được lấy ý kiến lần trước, có 3 điểm nổi bật liên quan đến việc CTCK cho khách hàng giao dịch ký quỹ, ngoài những quy định đã được thể hiện tại Thông tư 74.
Thứ nhất, CTCK muốn được triển khai margin phải có nghiệp vụ môi giới và tự doanh; thời gian hoạt động và là thành viên của Sở GDCK ít nhất 1 năm, vốn chủ sở hữu không thấp hơn vốn pháp định; không bị cảnh báo hoặc tạm ngừng hoạt động trong 3 tháng gần nhất; không bị xử phạt vi phạm hành chính trong vòng 1 năm; có tỷ lệ an toàn tài chính trong 6 tháng liên tục trước thời điểm đăng ký.
Đối chiếu quy định này, chưa nói đến tỷ lệ an toàn vốn khả dụng, chỉ xem xét yếu tố vốn chủ sở hữu thì sẽ có nhiều công ty không đáp ứng được quy định để triển khai nghiệp vụ margin, do vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn điều lệ.
Thống kê của ĐTCK theo dữ liệu trong BCTC quý I/2011 cho thấy, chỉ có 33 CTCK có khả năng triển khai nghiệp vụ này. Như vậy, về cơ bản, giao dịch ký quỹ ra đời sẽ là một động lực quan trọng để thúc đẩy các CTCK trong việc tuân thủ các quy định của TTCK và nâng cao tiềm lực tài chính. Đây là điều kiện quan trọng để thanh lọc CTCK và tạo điều kiện giúp TTCK phát triển bền vững.
Thứ hai, về chứng khoán được phép giao dịch ký quỹ, dự thảo quy định cũ yêu cầu phải đáp ứng điều kiện thời gian niêm yết tối thiểu 6 tháng, giá trị sổ sách lớn hơn mệnh giá, không thuộc diện kiểm soát hoặc cảnh báo, DN phát hành có vốn điều lệ tối thiểu 20 tỷ đồng, ROE từ 3% trở lên, tổng khối lượng giao dịch trên tháng không dưới 50% tổng khối lượng niêm yết, có lãi và không có lỗ lũy kế, giá chứng khoán không được dưới mệnh giá trong vòng 3 tháng liên tiếp.
Thứ ba, về tỷ lệ cho vay, dự thảo quy định cũ yêu cầu tổng số chứng khoán của một mã không được phép giao dịch margin quá 25% khối lượng niêm yết và hai Sở GDCK sẽ đóng vai trò cảnh báo trên cơ sở báo cáo của CTCK. CTCK không được cho phép vay quá 5% khối lượng cổ phiếu của một đơn vị phát hành, không được cho 1 NĐT vay quá 1% vốn điều lệ, tổng khối lượng cho vay không quá 100% vốn chủ sở hữu.
Thống kê của ĐTCK cho thấy, theo các quy định trên, với dữ liệu quá khứ tính đến ngày 1/6/2011, có 329 mã chứng khoán đáp ứng yêu cầu được giao dịch margin, tổng giá trị vốn hóa tối đa của số này được phép giao dịch ký qũy là gần 124.000 tỷ đồng. Với tỷ lệ cho vay khoảng 30% giá trị giao dịch theo dự kiến của UBCK, thì tổng số tiền mà các CTCK có thể cung cấp cho thị trường khoảng 31.000 tỷ đồng (con số này sẽ thay đổi theo tương quan giá chứng khoán).
Hiện tại, thị trường đang kỳ vọng việc sớm ban hành và triển khai quy định liên quan đến giao dịch ký quỹ, một phần giúp khơi thông dòng tín dụng trên TTCK, giúp tăng lượng tiền vào TTCK. Với các quy định như trong dự thảo cũ, ưu điểm lớn là tính thận trọng cao, khả năng rủi ro của các CTCK trong các hợp đồng tín dụng thấp hơn, trong khi khả năng cầu tín dụng so với năng lực cung cấp tín dụng thực tế của CTCK vẫn lớn.
Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, quy định như vậy là quá chặt chẽ, nhất là khi theo thời gian, năng lực tài chính CTCK được kỳ vọng sẽ tăng lên. Tỷ lệ cầm cố bị cố định lên tới 70% khoản đầu tư là mức quá an toàn, nhất là trong giai đoạn TTCK suy giảm mạnh. Nên để tỷ lệ cho vay tối đa là 70% (tương ứng với tỷ lệ cầm cố tối thiểu là 30%) giá trị chứng khoán và việc thay đổi tỷ lệ này tùy thuộc vào từng giai đoạn thị trường, loại chứng khoán. Nếu quy định tỷ lệ cho vay quá an toàn, về lâu dài, sức ép cạnh tranh trong bối cảnh CTCK cải thiện năng lực tài chính có thể làm bùng phát “tín dụng đen”.
Ngoài ra, quy định về thanh khoản của chứng khoán được giao dịch ký quỹ được ủng hộ, nhưng yêu cầu giá chứng khoán không được giảm về mức dưới 10.000 đồng/CP trong thời gian 3 tháng liên tiếp thì nhiều NĐT cho là hơi khắt khe. Lấy ví dụ trường hợp của REE, với quy định như dự thảo, cổ phiếu REE sẽ không đủ điều kiện để được giao dịch margin, vì đã có lúc giảm về 9.600 đồng/CP, trong khi quan điểm của không ít NĐT cả tổ chức và cá nhân, đầu tư cổ phiếu REE khi đó rất an toàn.
Ngày 1/8 đang đến gần. Thị trường đang nóng lòng chờ lời giải cho bài toán khó về việc đưa ra một quy trình hướng dẫn giao dịch ký quỹ từ phía cơ quan quản lý…
Bùi Sưởng
đầu tư chứng khoán
|