Thị trường cà phê: Kỳ hạn chao đảo, nội địa lặng im
Giá cà phê tại thị trường nội địa cuối tuần đã quay lên mức chừng 50.500 đồng/kg tại các tỉnh Tây Nguyên, sau khi xuống dưới 50.000 đồng vào sáng ngày thứ sáu (03/06/2011) tiếp theo đợt chỉnh giá xuống mạnh trên thi trường kỳ hạn robusta Liffe London vào ngày trước đó.
Do lượng tồn kho có chứng nhận chất lượng (certified stocks) tăng mạnh từ 340.000 tấn (của 15/05) lên 409.000 tấn (31/05) theo báo cáo của Liffe, con số cao kỷ lục từ trước tới nay.
Giá kỳ hạn xuống, giới cung ứng cà phê trong nước chấp nhận đợi vì hàng tồn kho không còn nhiều sau khi đã xuất 1,1 triệu tấn trong 8 tháng đầu niên vụ 2010/2011 (theo con số của Tổng Cục Thống Kê) và hàng tồn trong tay nông dân chỉ còn rải rác, chủ yếu nằm trong tay của các nhà nhập khẩu, xuất khẩu lớn và kho ngoại quan chừng trên dưới 200.000 tấn.
Giá đóng cửa ngày cuối tuần cơ sở giao dịch tháng 07 trên 2 thị trường kỳ hạn robusta Liffe London và arabica Ice New York có giá đều dương: robusta Liffe tăng 18 đô la, chốt mức 2.489 đô la/tấn; arabica Ice tăng 9,70 cts tức chừng 214 đô la/tấn chốt mức 270,95 cts/lb hay 5.973 đô la/tấn.
Như vậy, so với giá đóng cửa cuối tuần trước, giá cuối tuần này ta có robusta Liffe giảm 105 đô la/tấn và arabica Ice tăng 160 đô la/tấn.
Lại chuyện trừ lùi
Đối với thị trường cà phê robusta lẫn arabica, có một cách tính giá mua bán dựa trên mức chuẩn của các thị trường kỳ hạn (tạm dịch của từ “futures”) và tùy theo chất lượng do 2 bên người mua và bán quy định để định giá cho các hợp đồng theo chất lượng riêng và ngày giao hàng theo thỏa thuận của họ được gọi là hợp đồng giao sau (tạm dịch cho từ “forward”).
Chính trên cơ sở giá này, các hãng kinh doanh và rang xay quốc tế mua bán. Khi nhìn vào giá này, họ có thể hiểu được cung - cầu, trị giá của mặt hàng này trong một thời điểm khá dài, đôi khi cả tuần hay cả tháng, thậm chí cả năm, đồng thời loại đi các yếu tố rủi ro về giá cho các bên trong các hợp đồng có giá tiền trao cháo múc.
Đó là thang giá trừ lùi (“differential” hay “price to be fixed”). Giá trừ lùi không hẳn luôn luôn trừ (discount) nhưng cũng có thể là giá cộng thêm (premium).
Khái niệm “trừ lùi” ở đây nên được hiểu như là giá tính trên mức chênh lệch đối với giá một thị trường kỳ hạn hàng hóa chuẩn nào đó (tôi nghĩ các thị trường hàng hóa khác như ca cao, bắp, dầu thô, thép, vàng…cũng có hình thức này).
Một cách tính giá khác là giá mua ngay bán ngay (outright), qua đó mà 2 bên định một giá để trao đổi cho hợp đồng của mình. Thí dụ hôm nay ta nói giá loại 2, 5% đen bể bán mức 50.500 đồng/kg tức có giá đã được chốt đúng trị giá mà cả 2 bên mua bán thống nhất hay giá FOB công ty A xuất bán cho ông ty B giá loại 2, 5% đen bể mức 2.500 đô la/tấn.
Nếu như một người muốn bán giá loại 2, 5% đen bể trừ dưới Liffe mức tháng 07 trừ 70 đô la/tấn, tùy theo thỏa thuận, một trong hai bên đối tượng hợp đồng có quyền dựa trên giá Liffe để chốt giá. Cũng hợp đồng ấy, người mua hay bán có quyền chốt trong khi Liffe giao dịch nên có lúc sẽ được giá mua ngay bán ngay cao, có khi lại thấp, hoàn toàn tùy theo quyết định của bên nắm quyền chốt giá trên Liffe.
Thí dụ, ta có giá ngày thứ sáu 04/06 trên tháng 07 Liffe mức cao nhất 2.531 và thấp nhất 2.450 đô la/tấn. Nếu trong ngày ấy, anh ta quyết định chốt mức 2.470 (một mức thấp), sẽ có giá thực của hợp đồng là 2.400 đô la/tấn; cũng hợp đồng ấy anh ta quyết định chốt giá bán mức 2.520 đô la, sẽ có giá cao hơn là 2520 - 70.=.2.450 đô la/tấn.
Giá mua ngay bán ngay rất giao động và thiên hình vạn trạng, nên dân kinh doanh chọn cách tính theo hướng giá trừ lùi để đỡ rủi ro và hiểu được cung - cầu của thị trường.
Và sau đây là giá trừ lùi (tham khảo) của hàng robusta/conillon (Brazil) trong những ngày đầu tháng 06/2011 tại kho các nước tiêu thụ như sau: Việt Nam loại 2, 5% = +220 đô la/tấn trên Liffe so với đầu tháng 05/2011 là 140 đô la. Indonesia loại 4/80 lỗi (tương đương loại 2 Việt Nam) = +220 đô la/tấn so với đầu tháng 05/2011 là 160 đô la.
Conillon 5/6s (tương đương loại 2 VN) = +70 đô la/tấn so với đầu tháng 05/2011 là +90 đô la.
Như thế, giá trị của hàng robusta của ta đang được nâng lên so với đầu tháng 05/2011 và có trị giá bằng hàng cùng loại Indonesia nhưng cao hơn rất nhiều so với conillon (Brazil), có lẽ do nhu cầu tiêu thụ nhiều hơn và xuất khẩu hiện từ 2 nước Đông Nam Á đang chững lại.
Nguyễn Quang Bình
tbktsg
|