Giá gạo xuất khẩu sẽ hạ nhiệt?
Dù không thuận lợi như cùng kỳ năm 2010, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của nước ta đã đạt được thắng lợi “kép” rất đáng khích lệ trong những tháng qua. Kết quả đó đương nhiên có phần do công tác điều hành xuất khẩu đã có những tiến bộ.
Thắng lợi “kép” trong khó khăn
Trước hết, các số liệu thống kê của Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) cho thấy, về cơ bản mô hình giá gạo thế giới quí cuối năm 2009, bốn tháng đầu năm 2010, và cùng kỳ vừa qua đều thuộc dạng “cầu vồng”. Đó là bắt đầu tăng từ tháng 10 hoặc tháng 11 và lên đến đỉnh điểm vào tháng 12 hoặc tháng 1, còn sau đó thì bắt đầu giảm.
Trong điều kiện như vậy, sớm ký được càng nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo, đương nhiên thắng lợi càng lớn. Ở góc độ này, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta đã bước vào năm 2011 khó khăn gấp bội so với cùng kỳ 2010.
Ngay từ cuối năm 2009, với việc thắng thầu ngoạn mục trên 1,4 triệu tấn gạo cung ứng cho thị trường Philippines với giá cao, các doanh nghiệp nước ta đã có số “vốn giắt lưng” kỷ lục từ trước đến nay. Và tính đến hết tháng 4-2010, chỉ riêng khối lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này đã đạt trên 1 triệu tấn, chiếm tới 51% tổng khối lượng xuất khẩu, còn kim ngạch xuất khẩu thì đạt 641 triệu đô la Mỹ với giá xuất khẩu cao đến 633 đô la Mỹ/tấn. Trong khi trên 960.000 tấn gạo còn lại xuất khẩu sang các thị trường khác chỉ đạt giá “bèo” 293 đô la Mỹ/tấn.
Ngược lại, bước vào năm 2011, bạn hàng lớn nhất của nước ta trong những năm gần đây lại tuyên bố không chỉ giảm mạnh khối lượng nhập khẩu xuống còn 860.000 tấn, mà đến cuối tháng 3 vừa qua vẫn còn “đủng đỉnh” với thủ tục đấu thầu nhập khẩu 600.000 tấn của các doanh nghiệp tư nhân.
Trong bối cảnh như vậy, việc xuất khẩu được 2,556 triệu tấn gạo trong bốn tháng qua, tăng 26,2% so với cùng kỳ, còn kim ngạch xuất khẩu tăng vọt tới 31,3%, tức là giá xuất khẩu bình quân cũng tăng 1,6% đương nhiên là một thắng lợi “kép” rất đáng khích lệ. Trong đó, khối lượng gạo của nước ta xuất khẩu sang thị trường Philippines trong ba tháng đầu năm nay chỉ vỏn vẹn 47.000 tấn, tức là chỉ chiếm chưa tới 2,6% tổng khối lượng xuất khẩu trong cùng kỳ ra thị trường thế giới nói chung.
Nhìn từ góc độ khác, càng có thể thấy rõ hơn bước tiến rất đáng khích lệ của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ta so với Thái Lan. Với 2,477 triệu tấn gạo trắng xuất khẩu (chỉ tính riêng gạo tẻ và gạo nếp, không tính gạo thơm Thai Hom Mali) ra thị trường thế giới trong ba tháng đầu năm nay, tuy tăng nhảy vọt 59,9% so với cùng kỳ, nhưng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Thái Lan chỉ tăng 51,6%, tức là giá xuất khẩu bình quân đã giảm 5,2%.
Những điều nói trên có nghĩa là, khoảng cách giá gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ta so với của các doanh nghiệp Thái Lan tại thời điểm này đã được thu hẹp chỉ còn 35 đô la Mỹ/tấn, thay vì 75 đô la Mỹ/tấn năm 2010, thậm chí còn quá “mênh mông” tới 98 đô la Mỹ/tấn trong năm 2009.
Như vậy, tuy có không ít khó khăn về thị trường, các doanh nghiệp của nước ta đã bám sát được giá cả thế giới, cho nên không chỉ xuất khẩu được một khối lượng gạo kỷ lục chưa từng có, mà điều quan trọng không kém là xuất khẩu rất được giá.
Giá gạo xuất khẩu sẽ hạ nhiệt?
Tuy nhiên, vấn đề đặc biệt đáng quan tâm hiện nay là, giá gạo thế giới trong những tháng tới sẽ sớm tăng trở lại ngay từ tháng 6 giống như năm 2010, hay quá trình hạ nhiệt hiện nay còn kéo dài đến hết tháng 10 như kịch bản năm 2009? Câu trả lời có nhiều khả năng sẽ là phương án thứ hai, bởi hai lẽ chủ yếu sau đây: Thứ nhất, theo dự báo đầu tháng này của Bộ Nông nghiệp Hoa kỳ (USDA), cán cân cung - cầu gạo thế giới trong niên vụ này sẽ cân bằng hơn.
Cụ thể, tuy sản lượng gạo niên vụ này chỉ tăng 6,3 triệu tấn và đạt 457,9 triệu tấn, tương ứng với tỷ lệ tăng 1,4%, nhưng đây sẽ là niên vụ thứ hai thế giới được mùa lúa gạo (niên vụ 2010-2011 tăng 11,5 triệu tấn và 2,6%) nên giá gạo thế giới không tăng phi mã như giá lúa mì và bắp. Trong khi đó, tuy nhu cầu tiêu dùng gạo niên vụ này sẽ tăng 11,3 triệu tấn khiến dự trữ gạo thế giới giảm 0,9 triệu tấn, nhưng tiêu dùng lại tăng chủ yếu ở Ấn Độ và Trung Quốc là những quốc gia có dự trữ gạo rất lớn và ở một số quốc gia xuất khẩu gạo khác như Thái Lan, Campuchia...
Bên cạnh đó, cũng theo dự báo này của USDA, thương mại gạo trong niên vụ này của thế giới sẽ lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 32 triệu tấn, tăng 1,14 triệu tấn so với niên vụ vừa qua. Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất hiện nay trong dự báo này là, mức tăng này là do Philippines sẽ tăng vọt khối lượng nhập khẩu gạo lên 2,2 triệu tấn sau khi đã giảm rất mạnh khối lượng gạo nhập khẩu chỉ còn 1 triệu tấn trong niên vụ vừa qua, cho nên sẽ khôi phục vị trí là quốc đảo nhập khẩu nhiều gạo nhất thế giới từ hơn nửa thập kỷ qua.
Thế nhưng, ngược lại, do ở đây dường như vẫn có “uẩn khúc” gì đó, cho nên phía Philippines đã không ít lần khẳng định năm nay sẽ chỉ nhập khẩu 860.000 tấn gạo, bởi dự trữ gạo ở thời điểm hiện tại của quốc đảo này vẫn đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong 90 ngày, chứ không phải chỉ là 43 ngày như tính toán từ các số liệu thống kê của USDA. Do vậy, đây rất có thể là một “ẩn số” lớn của thị trường gạo thế giới trong những tháng sắp tới.
Thứ hai, điều có lẽ còn quan trọng hơn nữa là, cán cân cung - cầu của lúa mì và bắp thay đổi lớn do niên vụ này được mùa sau khi “rủ nhau” cùng mất mùa kỷ lục trong nhiều năm qua.
Cụ thể, theo số liệu thống kê và dự báo của USDA, sau niên vụ vừa qua mất mùa 36 triệu tấn, niên vụ này lúa mỳ sẽ được mùa 21,4 triệu tấn trong khi tiêu dùng chỉ tăng 8,4 triệu tấn. Đặc biệt, đối với bắp, niên vụ trước mất mùa 25 triệu tấn, thì niên vụ này sẽ được mùa trên 62 triệu tấn. Trong khi đó, do tiêu dùng bắp sẽ chỉ tăng 19,7 triệu tấn, cho nên dự trữ bắp của thế giới sẽ được cải thiện.
Do cán cân cung - cầu hai loại lương thực chủ yếu này chiếm tới gần 80% trong tổng sản lượng ba loại lương thực chủ yếu của thế giới (gồm lúa gạo, lúa mì và bắp), cho nên chắc chắn giá lúa mì và bắp thế giới trong những tháng tới sẽ hạ nhiệt và xu thế này đã manh nha ngay từ những ngày đầu tháng 5 này.
Rõ ràng, do ba mặt hàng lương thực này có khả năng sử dụng thay thế lẫn nhau, cho nên khi sức ép tăng giá của hai mặt hàng này giảm xuống, thậm chí không còn, thì sức ép tăng giá gạo cũng sẽ không còn, mặc dù khả năng giảm giá sâu có thể loại trừ do dự trữ của cả ba loại lương thực này vẫn chưa được cải thiện đáng kể.
Trong điều kiện giá gạo thế giới có nhiều khả năng sẽ tiếp tục hạ nhiệt như vậy, đương nhiên hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta trong những tháng tới sẽ còn khó khăn. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể hy vọng rằng, hoạt động điều hành sẽ tiếp tục bắt nhịp được xu thế biến động của giá thế giới như trong bốn tháng đầu năm để năm 2011 sẽ là năm xuất khẩu gạo được giá.
Nguyễn Đình Bích
tbktsg
|