Bảo hộ ngành mía đường thất bại
Hiệp hội Mía đường cho biết vừa có đề nghị Chính phủ xem xét giảm thuế suất giá trị gia tăng ngành đường xuống mức 0% thay cho mức 5% như hiện nay.
Bởi lẽ mỗi năm có 250.000 tấn đường nhập lậu, chiếm 1/4 lượng đường tiêu thụ của cả nước. Điều này khiến các nhà máy đường trong nước luôn thua lỗ, đồng thời sẽ tác động xấu đến hàng triệu nông dân trồng mía trong cả nước.
Nhìn dưới góc độ bảo hộ sản xuất trong nước xem ra với ngành đường là không hiệu quả khi vài năm trở lại đây ngành đường luôn kêu lỗ và sản phẩm không thể cạnh tranh với đường ngoại. Các doanh nghiệp ngành đường cần phải xem lại mình khi đường nhập lậu có giá rẻ hơn đường sản xuất trong nước đến 4.000-5.000 đồng/kg.
Với đề xuất trên, một chuyên gia ngành thuế cho rằng hỗ trợ qua thuế là không hiệu quả, không mang ý nghĩa kinh tế. Vấn đề đối với ngành đường hiện cần xem xét cách thức phân phối, đầu tư khoa học công nghệ, quản trị doanh nghiệp…
Mặt khác, việc đảm bảo quyền lợi nông dân trồng mía cũng hết sức khó khăn. Chuyên gia này cho rằng ở một số nước châu Âu, có một số mặt hàng, nhất là sữa đang được bảo hộ. Vì các nước này họ tính toán một con bò sữa có mức ô nhiễm tương đương như một ôtô. Do vậy, nhà nước ra hạn ngạch cho nông dân nuôi bò. Nếu hộ nuôi bò có 10 ha cỏ thì chỉ nên nuôi 5 ha vì số diện tích đồng cỏ còn lại để tái tạo đất. Với 5 ha còn lại, đáng lẽ nuôi 100 con thì nông dân chỉ nên nuôi 50 con. Vì nuôi càng nhiều bò thì mức ô nhiễm ra môi trường càng lớn, hơn nữa khi lượng sữa dồi dào thì giá sữa sẽ giảm. Đối với số bò sữa khuyến nghị không nên nuôi, nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp tiền cho nông dân. Đây là kinh nghiệm cho chúng ta làm thế nào để đảm bảo quyền lợi của nông dân và nguồn nguyên liệu được bền vững, khai thác hiệu quả. Qua đó cho thấy người dân trồng mía cần được bảo hộ trực tiếp từ Nhà nước như giống cây, vốn…
Lê Thanh
Pháp luật
|