Tăng vốn và tăng quản trị
Sau một thời kỳ tăng vốn khá dễ dàng, hiện vấn đề này đang là một thách thức lớn với các doanh nghiệp Việt Nam.
Nếu như 3 năm về trước, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tăng vốn khá dễ và với tốc độ tăng chóng mặt, thì giờ đây, hầu hết các DN phải đối mặt với tình trạng không thể tăng vốn bằng phát hành thêm cổ phiếu.
Nếu đối chiếu với các nguyên tắc về tăng vốn - tăng quản trị, có thể nhận thấy một số sai lầm hay hạn chế đáng quan tâm dưới đây.
Thứ nhất, lấy vốn thay cho quản trị tốt. Nguyên tắc chỉ ra rằng, không được lấy vốn để thay cho quản trị, quản lý yếu kém. Kết quả khảo sát không chính thức tại nhiều đại hội cổ đông mấy năm gần đây cho thấy, hầu như các quá trình tăng vốn đều khá dễ và đều với mục tiêu làm tăng quy mô hơn là tăng tiềm lực và sức mạnh tài chính của DN.
Năm 2010 đã chứng kiến nhiều ngân hàng thương mại tăng vốn để đầu tư vào bất động sản (dưới dạng xây trụ sở, mở chi nhánh) hoặc lại góp vốn vào DN khác (đầu tư tài chính).
Thứ hai, chiến lược ngân sách mềm. Thực tế tại Việt Nam cho thấy, tiền vốn của DN là có hạn (ngân sách hạn hẹp) và không còn tình trạng ngân sách hết, lại có (ngân sách mềm).
Tuy nhiên, cơ chế ngân sách mềm thường tồn tại phổ biến trong các DN Nhà nước ở Việt Nam. Theo kết quả khảo sát trong đề tài khoa học của Ngân hàng Nhà nước về các DN nhà nước ở Việt Nam, DN càng lớn và sử dụng vốn vay càng nhiều, thì hiệu quả sử dụng vốn lại càng thấp.
Tư tưởng ngân sách mềm và vấn đề quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại các DN cổ phần hóa cũng là vấn đề đáng quan ngại, nhất là hiện tượng DN nhà nước có vốn lớn thường tham gia góp vốn thoải mái vào nhiều DN khác (Vinashin là một điển hình về DN theo mô hình tập đoàn với hàng chục công ty con, công ty cháu).
Riêng khu vực ngân hàng, theo số liệu giám sát của cơ quan chức năng, năm 2009, dù không đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu, nhưng nhiều ngân hàng thương mại vẫn gia tăng tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần ở tổ chức khác, mà coi nhẹ việc duy trì mức đủ vốn.
Dễ nhận thấy rằng, hiện nay, vai trò quản trị, định hướng chiến lược từ người đại diện quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại DN cổ phần là vô cùng quan trọng đối với các công ty cổ phần, do Nhà nước nắm cổ phần chi phối. Trên thực tế, nhiều tập đoàn, kể cả các ngân hàng thương mại mới được cổ phần hóa, phần nào có tình trạng tăng vốn không đi đôi với tăng cường quản lý, quản trị phù hợp.
Việc các DN mua cổ phần của các DN khác, nhưng mức độ cam kết với DN đó thấp và mang nặng tính đầu cơ cổ phiếu, thì cũng khó làm thay đổi quản trị của DN.
Trong bối cảnh như trên, việc tăng vốn, bơm thêm vốn vào các tập đoàn kinh tế lớn, nếu không có những tiêu chí ràng buộc, giám sát chặt chẽ, sẽ không hiệu quả, thậm chí làm tăng rủi ro cho DN.
Thứ ba, tăng vốn theo mô hình “bẫy bánh vẽ”. Hiện tại, dường như đang có trào lưu xây dựng các DN thật to, kinh doanh đa ngành, nghề với quy mô chi nhánh và đất đai rộng lớn. Các nhà kinh tế gọi đây là mô hình “bẫy bánh vẽ” nhằm gây hiệu ứng tốt đối với xã hội và qua đó để huy động vốn lớn.
Thực ra, để tăng vốn, các DN cần có chiến lược đánh tan mọi sự hoài nghi của các nhà đầu tư và chứng minh rằng, việc tăng vốn của DN không vận hành theo cơ chế “bẫy bánh vẽ”. Việc duy trì quan hệ cổ đông tốt, chế độ thông tin tài chính và thực hiện công bố thông tin đại chúng thật tốt và nghiêm ngặt có thể coi là cách thức và định hướng tốt cho DN nào cần chứng minh sự cam kết của mình với cộng đồng. Các mối quan hệ tài chính giữa công ty mẹ và công ty con cũng phải thật minh bạch và rõ ràng…
Kinh nghiệm và khuynh hướng đầu tư gần đây ở Việt Nam cho thấy, nếu DN nào chứng minh được sự cam kết cao (chiến lược kinh doanh rõ ràng, lâu dài…), minh bạch (chế độ thông tin báo cáo tốt…), quản trị được cải thiện liên tục (nhất là quản trị được cải thiện cùng với tăng vốn, mở rộng sản xuất…), thì DN đó sẽ chiếm được lòng tin của các nhà đầu tư.
Ths. Lê Văn Hinh
ĐẦU TƯ
|