Thứ Tư, 08/06/2011 13:46

Doanh nghiệp lo bị thâu tóm

Những doanh nghiệp có tiềm năng phát triển nhưng giá cổ phiếu đang ở mức thấp sẽ dễ dàng trở thành mục tiêu bị thâu tóm.

Gần đây, hàng loạt lãnh đạo chủ chốt của các doanh nghiệp niêm yết đã đua nhau mua vào cổ phiếu công ty mình với số lượng lớn. Mục đích là đầu tư dài hạn do giá đã quá rẻ, hoặc bình ổn giá cổ phiếu với tư cách doanh nghiệp. Tuy nhiên, có thể còn một lý do khác: họ lo ngại doanh nghiệp mình sẽ bị các tổ chức hoặc cá nhân thâu tóm bằng cách tích lũy cổ phiếu giá rẻ.

Đua nhau gom cổ phiếu

Từ đầu năm 2011 đến nay, thị trường chứng khoán vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, có chăng chỉ là sự bật dậy tạm thời khi giá cổ phiếu đã giảm quá sâu so với mệnh giá và giá trị sổ sách. Giá cổ phiếu rẻ nhất cũng chưa đến 3.000 đồng, trong khi có đến 299 trong số 685 mã cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá (tính đến ngày 25.5). Theo thống kê, từ ngày 1.4-25.5, giá trị giao dịch trung bình trên cả 2 sàn chưa tới 800 tỉ đồng/phiên, còn khối lượng chỉ đạt hơn 40 triệu đơn vị/phiên.

Do giá cổ phiếu giảm quá sâu, không ít doanh nghiệp buộc phải tự cứu mình trước khi quá muộn. Đầu tiên là làn sóng trả cổ tức bằng tiền mặt với tỉ lệ cao. Theo thống kê của StoxPlus, có đến 132 doanh nghiệp chịu bỏ tiền mặt để trấn an nhà đầu tư mặc dù đang chật vật về vốn do lãi suất ngân hàng cao và tín dụng bị hạn chế.

Có lẽ cảm thấy biện pháp này chưa đem lại hiệu quả, nhiều doanh nghiệp lại tiếp tục thực hiện việc mua vào cổ phiếu quỹ. Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) đã đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu quỹ từ ngày 1.6-31.12. Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (PTL) đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu quỹ từ 16.5-17.8. Công ty Cổ phần Kinh Đô (KDC) và Công ty Cổ phần Thép Tiến Lên (TLH) cũng đăng ký mua vào 5 triệu cổ phiếu.

Gần đây, thị trường cũng đón nhận thông tin nhiều nhà lãnh đạo nâng tỉ lệ sở hữu thông qua việc mua thêm cổ phiếu của doanh nghiệp mà họ điều hành. Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG), đã đăng ký mua thêm 3 triệu cổ phiếu HAG từ ngày 26.5-25.7 (trước ngày 26.5, ông nắm giữ hơn 47% cổ phần). Tính tại ngày đăng ký, ông Đức phải bỏ ra 98 tỉ đồng để mua lượng cổ phiếu đăng ký. Đáng chú ý đây là lần đầu tiên ông mua vào cổ phiếu HAG kể từ khi cổ phiếu này được niêm yết.

Mới đây nhất, 8 lãnh đạo cấp cao của Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) cùng đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu SBS. Tại ngày đăng ký (26.5), cổ phiếu SBS được giao dịch với giá chưa tới 9.000 đồng/cổ phiếu.

Theo ông Hồ Bá Tình, chuyên viên Phòng Nghiên cứu Vietstock, bên cạnh đầu tư dài hạn khi giá cổ phiếu đã rất thấp, việc các lãnh đạo chủ chốt mua vào cổ phiếu công ty mình với số lượng lớn còn là do họ lo ngại các tổ chức đầu tư và đối tác tích lũy cổ phiếu giá rẻ để nắm quyền kiểm soát doanh nghiệp.

Nỗi lo thâu tóm

Lo ngại trên là có cơ sở. Trên thực tế, một số vụ thâu tóm thông qua tích lũy cổ phiếu giá rẻ đã diễn ra. Ngày 25.5, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) thông báo tiến hành chào mua 1,5 triệu cổ phiếu COM (tương ứng 10,62% vốn) của Công ty Cổ phần Vật tư Xăng dầu (Comeco). Thời gian chào mua trong vòng 1 tháng và giá chào mua là 33.600 đồng/cổ phiếu, cao hơn 5% thị giá ngày 25.5. Trước khi chào mua, PV Oil đã nắm giữ hơn 24% vốn điều lệ của COM. Trong cơ cấu cổ đông của COM hiện giờ, PV Oil là cổ đông nắm tỉ lệ cổ phần cao nhất.

Do nắm giữ hơn 24% cổ phần, lại chào mua COM với tư cách cổ đông lớn nên PV Oil phải công khai thông tin. Tuy nhiên, việc một nhóm cổ đông dồn cổ phần lại để giành quyền biểu quyết và chi phối trong hội đồng quản trị như vụ thâu tóm Công ty Cổ phần Ngoại thương và Phát triển Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (FDC) vừa rồi thì lại khác.

Nhóm cổ đông trên đã làm mưa làm gió tại Đại hội cổ đông thường niên của FDC vừa qua. Cuối cùng, một nhà đầu tư đại diện cho nhóm này đã được bầu vào Hội đồng Quản trị. Theo xác nhận của ông Nguyễn Hữu Chinh, Tổng Giám đốc FDC, vị này là ông Nguyễn Khánh Linh, một lãnh đạo cấp cao của Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Đầu tư Chứng khoán Bản Việt - VIETCAPITAL. Điều đáng nói là ông Linh giành quyền lãnh đạo tại FDC khi chỉ sở hữu 6,4% số cổ phần FDC (1 triệu cổ phiếu).

Hai vụ thâu tóm trên có một số điểm chung. Thứ nhất, hoạt động thâu tóm diễn ra theo đúng quy định pháp luật. Thứ 2, hoạt động kinh doanh của đối tượng bị thâu tóm rất ì ạch nhưng sở hữu nhiều tài sản giá trị. Lợi nhuận năm 2010 của COM giảm gần 43% so với 2009, lợi nhuận mỗi cổ phiếu (EPS) chưa tới 1.000 đồng. Bên cạnh đó, thanh khoản cổ phiếu này rất kém, thường xuyên không có giao dịch. Hoạt động kinh doanh của FDC cũng không có gì nổi bật. Lợi nhuận quý I/2011 đã giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, COM và FDC đều có nhiều tài sản giá trị mà bên thâu tóm nhắm đến. Trong khi COM có được lợi thế lớn từ ngành xăng dầu thì FDC đang sở hữu khá nhiều bất động sản. Trong đó, 2 tài sản có giá nhất là tòa nhà Fideco Tower trên đường Hàm Nghi (quận 1, TP.HCM) và mảnh đất dự kiến xây cao ốc văn phòng tại số 26-28 Phùng Khắc Khoan (quận 1).

Những điều trên cho thấy có vẻ như các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển nhưng giá cổ phiếu đang ở mức thấp sẽ dễ dàng trở thành mục tiêu thâu tóm. Trong khi một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể lo sợ viễn cảnh này thì bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị REE, lại cho biết: “Nếu nhà đầu tư nào quan tâm đến lĩnh vực hoạt động của REE, muốn thâu tóm Công ty thì tôi sẵn sàng chấp nhận. Đây là thị trường tự do, việc thâu tóm lẫn nhau là bình thường. Khi người ta bỏ ra nhiều tiền, ắt hẳn sẽ có trách nhiệm với Công ty”.

Tiến sĩ Phạm Linh, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Quốc tế (VIS), dự báo làn sóng thâu tóm doanh nghiệp bằng cách mua vào cổ phiếu giá rẻ sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Khi giá cổ phiếu quá rẻ, thấp hơn nhiều lần so với giá trị thực của doanh nghiệp thì việc thâu tóm sẽ mang lại cơ hội lợi nhuận lớn cho những nhà đầu tư dài hạn.

Ngọc Dương

nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   VIC tăng vốn điều lệ lên 3,911 tỷ đồng (08/06/2011)

>   M&A 2011 tiếp tục tăng trưởng cao (08/06/2011)

>   THV: Phương án phát hành “gờn gợn”? (08/06/2011)

>   Quê hương Liberty lấy ý kiến chuyển đổi trái phiếu trước hạn (07/06/2011)

>   Bông Sen phát hành thêm CP tỷ lệ 5:1 và tạm ứng cổ tức 5% (06/06/2011)

>   Muôn nẻo dòng vốn ngoại (03/06/2011)

>   Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp: cơ hội trong tương lai (02/06/2011)

>   BSC chào bán 300,000 cp, giá 10,000 đồng/cp (01/06/2011)

>   GTH chào bán 255,708 cp, giá 10,000 đồng/cp (01/06/2011)

>   Ngân hàng tìm lại cổ đông ngoại (01/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật