Ngân hàng tìm lại cổ đông ngoại
Xu hướng tìm kiếm các đối tác chiến lược nước ngoài trong giới ngân hàng không còn rầm rộ như một - hai năm trước đây và thay vào đó là sự chậm rãi, thậm chí thận trọng. Song cuộc săn tìm các cổ đông nước ngoài đang nhộn nhịp trở lại, với sự tham gia của hàng loạt ông lớn.
Góp mặt ông lớn
Sau khi hoàn tất việc bán 10% cổ phần cho Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Vietinbank (CTG) ngày hôm 31.5 thông báo sẽ tiếp tục tiến hành việc phát hành 15% vốn điều lệ theo phương thức phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Đối tác chiến lược nước ngoài thứ hai được chọn lần này là The Bank of Novascotia (BNS), ngân hàng được đánh giá là lớn thứ hai tại Canada. Phương án tăng vốn này trên thực tế được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc tại công văn số 3223 ngày 20.5 của Văn phòng Chính phủ.
Trong lúc đó, Credit Suisse hiện cũng được chọn tư vấn cho Vietcombank (VCB) trong việc bán 20% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoại. Đối với VCB, Credit Suisse không quá xa lạ bởi đây cũng chính là tổ chức từng tư vấn cho ngân hàng này kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược từ năm 2007, song bất thành.
Kế hoạch của VCB cũng như CTG tạo được sự chú ý lớn bởi ngoài vị trí là hai trong số các ngân hàng lớn nhất nước, phương án bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài lại được tái khởi động sau một thời gian dài ngành ngân hàng phải chịu nhiều sóng gió từ khủng hoảng tài chính. Đặc biệt trong bối cảnh giá cổ phiếu ngành ngân hàng nói chung trên thị trường chứng khoán hiện nay vẫn đang bị trả ở mức thấp.
Cậu chuyện giá bán thế nào cho các nhà đầu tư chiến lược do đó được giới đầu tư quan tâm. Song mức giá bán cụ thể theo như lãnh đạo CTG, sẽ được ấn định trên cơ sở thỏa thuận, phù hợp với tính chất giao dịch đầu tư chiến lược và đảm bảo lợi ích của cả ngân hàng lẫn cổ đồng.
CTG chỉ thông báo, mức bán cho BNS sẽ là 3.570 tỉ đồng theo mệnh giá, tương đương 357 triệu cổ phiếu. Như vậy, nếu hoán tất theo đúng kế hoạch trong quý III hoặc quý IV.2011, đến cuối năm nay cơ cấu vốn do cổ đông nhà nước nắm giữ tại CTG, sẽ giảm từ mức 80,31% hiện nay (16.246 tỉ đồng) xuống còn 68,26%.
Thận trọng
Diễn biến trên đây trái ngược với thời điểm những năm 2007-2008, vốn từng chứng kiến cuộc đua rốt ráo tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài của hàng loạt các NHTM cổ phần. Vào thời điểm đó, việc có được các cổ đông chiến lược nước ngoài (thường là các ngân hàng lớn có tên tuổi) đồng nghĩa với việc có được sự hỗ trợ tốt về tài chính, công nghệ và đặc biệt là kinh nghiệm quản trị điều hành.
Các yếu tố được coi là rất quan trọng mang đến thành công trong kinh doanh. Mất nhiều thời gian và vượt qua không ít khó khăn, một vài ngân hàng cũng kịp hoàn thành kế hoạch tìm kiếm của mình trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu như ABBank bán cổ phần cho Maybank hay như Commonwealth Bank (Australia) hoàn tất việc trở thành cổ đông chiến lược của VIB.
Nhiều ý kiến cho rằng, xu hướng tìm kiếm các cổ đông nước ngoài của các ngân hàng hiện đang có nhiều thay đổi, không quá rốt ráo và có nhiều thận trọng hơn những năm trước đây. Chưa nói đến mặt bằng giá cổ phiếu ngân hàng trong nước không còn ở mức cao ngất ngưởng như 2 năm trước tác động đến mức giá mà các nhà đầu tư nước ngoài có thể đặt mua, bản thân các tập đoàn tài chính quốc tế cũng phải thu hẹp các khoản đầu tư ra nước ngoài do các tác động của khủng hoảng tài chính.
Điều này lý giải vì sao trong một loạt các đại hội cổ đông của ngân hàng năm nay, việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài không còn xuất hiện nhiều như một yêu cầu cấp thiết trong các tờ trình xin ý kiến cổ đông. Thay vào đó là các kế hoạch nâng tỉ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông nước ngoài hiện hữu lên hết “room” cho phép.
Các thông tin cho thấy, cả Mekong Bank, Southern Bank và Ngân hàng Phương Đông đều đang lên kế hoạch bán thêm cổ phần cho các cổ đông chiến lược nước ngoài hiện hữu để đạt mức 20%. Dĩ nhiên các kế hoạch này có thực hiện được nay không còn phải trông chờ vào quyết định của Chính phủ.
Văn Nguyễn
LAO ĐỘNG
|