Xác định rõ nhu cầu trước khi thực hiện M&A
Để có một thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) thành công, trước tiên, doanh nghiệp cần xác định rõ nhu cầu của mình. Đó là quan điểm của LS. Phùng Anh Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty luật VCI Legal, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính việt Nam (VAFI).
Từ kinh nghiệm thực tế tư vấn luật liên quan đến M&A, theo ông, đâu là những tiêu chí để lựa chọn đối tác thực hiện M&A?
Tôi nghĩ, không có tiêu chí chung cho việc lựa chọn đối tác thực hiện M&A đối với mọi doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có một loại tiêu chí riêng, tùy vào mục tiêu của mình, như huy động thêm vốn, mở rộng thị trường ở nước ngoài, nâng cao hiệu quả kinh doanh…
Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, nên cần rất nhiều thứ: vốn, nhân lực cấp cao, công nghệ… Do vậy, điều quan trọng là doanh nghiệp cần phải biết mình cần gì trong 2 – 5 năm tới để đưa ra tiêu chí cho hoạt động M&A phù hợp.
Đâu là nguyên nhân chính dẫn đến thương vụ M&A thất bại, thưa ông?
Không riêng gì Việt Nam, lý do chính khiến đa phần các vụ M&A thất bại trên toàn cầu là sự khác biệt mà không thể điều hòa được giữa các doanh nghiệp thực hiện M&A. Nếu như không có một cơ chế để điều hòa hai văn hóa của các công ty mới tiến hành M&A và không có một giám đốc điều hành mới đủ năng lực để hình thành và điều hành một bộ máy mới với cách làm mới, thì đa phần các vụ M&A thất bại.
Có thể thấy, vụ sáp nhập Daimler-Chrysler và thương vụ Indochina Capital mua cổ phần của công ty Vinamit là những kinh nghiệm M&A không thành công do mâu thuẫn sâu sắc về văn hóa.
Vậy doanh nghiệp cần lưu ý vấn đề gì hậu M&A?
Một trong những việc đầu tiên doanh nghiệp cần lưu ý về hậu M&A là thay đổi nhân sự, vì M&A sẽ có sự thay đổi lớn về nhân sự, thay đổi lớn về bộ máy. Đó cũng là một trong những lý do vì sao người ta ngại M&A. Doanh nghiệp cần tính toán việc này, tránh trường hợp nhân sự cao cấp bị sốc vì bộ máy mới, dẫn tới nghỉ việc hàng loạt.
Theo ông, vì sao ở Việt Nam, M&A chưa diễn ra mạnh?
Lý do thì muôn hình muôn vẻ, nhưng lý do lớn nhất là việc định giá. Đây là khâu rất quan trọng, nhưng ở Việt Nam chưa có nhiều nguồn thông tin để so sánh đánh giá. Chủ doanh nghiệp thường đánh giá quá cao doanh nghiệp, nên họ đòi giá rất cao, trong khi hiệu quả hoạt động đầu tư tính toán theo các tiêu chí tài chính và quản trị của doanh nghiệp Việt Nam đa phần còn thấp. Do vậy, các công ty đi mua, hay nhà đầu tư chuyên nghiệp rất khó chấp nhận mức giá mà doanh nghiệp đưa ra khi so sánh với các cơ hội đầu tư khác trên thế giới.
Mặt khác, người Việt hoặc người châu Á nói chung khi bị mua lại hoặc bị sáp nhập thường có tâm lý bị “mất mặt”, thua thiệt hay bị “nuốt chửng”, thành ra, thà chấp nhận chịu lỗ một thời gian, chứ không chấp nhận bị “mua đứt” hay “thôn tính” qua M&A. Trong khi đó, với các doanh nghiệp chuyên nghiệp nước ngoài, hễ có lợi nhất cho chiến lược phát triển hay đầu tư là họ quyết định bán hay sáp nhập.
Ngoài lý do định giá và tâm lý, còn lý do nào khác, thưa ông?
Lý do nữa là mức độ hấp dẫn của thị trường Việt Nam gần đây có dấu hiệu giảm.
Hiện tại, nguồn vốn nước ngoài còn ngại đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam qua M&A do đánh giá độ khả tín của Việt Nam không cao và hiệu quả đầu tư trực tiếp cũng như gián tiếp còn khá thấp.
Ngoài ra, các công ty dịch vụ tài chính, chứng khoán, ngân hàng đầu tư hay các công quản lý quỹ ở thị trường Việt Nam – một trong những nguồn huy động vốn quan trọng cho hoạt động M&A - cũng chưa tạo được uy tín tốt trên thế giới, nên vài năm qua, hầu như không có quỹ nước ngoài mới được thành lập. Do vậy, việc phân biệt tiềm năng và thực tế trong lĩnh vực M&A là điều quan trọng nhất cho cả các công ty tư vấn và khách hàng của họ khi chọn giải pháp M&A tốt.
Diễn đàn M&A Việt Nam 2011
Tổ chức ngày 9/6/2011, tại Trung tâm Hội nghị White Palace, TP.HCM.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ; Báo Đầu tư, Avalue Việt Nam tổ chức.
Thương vụ M&A tiêu biểu năm 2010-2011
Trao các danh hiệu thương vụ tiêu biểu 2010 - 2011 (Deal Award) vào ngày 9/6, trong khuôn khổ Diễn đàn M&A Việt Nam 2011.
Gồm: Thương vụ M&A tiêu biểu Việt Nam; Thương vụ phát hành riêng lẻ tiêu biểu của năm; Thương vụ chuyển nhượng dự án tiêu biểu; Đơn vị tư vấn của năm.
Do chính doanh nghiệp, nhà chuyên môn, nhà báo, nhà tư vấn đề cử, gửi về Ban tổ chức.
Đánh giá nghiêm túc qua 2 vòng của Hội đồng Thẩm định có chuyên môn và uy tín.
Xuất bản Đặc san "Toàn cảnh thị trường M&A Việt Nam".
Đây là ấn phẩm đầu tiên tại Việt Nam xuất bản bằng tiếng Việt - Anh,
Cập nhật đầy đủ kiến thức, khung pháp lý, các đặc trưng của hoạt động M&A tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế được phát hành rộng rãi trong và ngoài nước. |
Thanh Vũ
Đầu tư
|