Việt Nam - thị trường mới nổi của M&A
Trước thềm Diễn đàn M&A 2011 “Thời điểm để hành động”, ông Peter R.Ryder, Giám đốc điều hành Indochina Capital, chuyên gia có hơn 20 năm làm việc tại các quỹ đầu tư ở Việt Nam, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về hoạt động này tại Việt Nam.
Hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) tại Việt Nam thời gian qua diễn ra rất sôi động. Ông có thể cho biết nguyên nhân của xu thế này?
Hoạt động M&A gia tăng tại Việt Nam có thể được xem là kết quả của sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ tại khu vực châu Á từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, so với sự hồi phục yếu ớt hơn tại các thị trường phát triển.
Theo nghiên cứu của PricewaterhouseCoopers (PWC), số thương vụ M&A toàn cầu tăng 23% trong năm 2010, với tổng giá trị 2,4 tỷ USD. Trong khi đó, tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, giá trị giao dịch tăng 31%, cho thấy các tập đoàn muốn thâm nhập hơn nữa vào khu vực phát triển năng động nhất này.
Hoạt động M&A còn tăng nhờ tăng tính thanh khoản trên thị trường vốn toàn cầu, dẫn đến một làn sóng đầu tư vào các thị trường mới nổi từ cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, Việt Nam lại nằm ngoài làn sóng thanh khoản này và phần lớn hoạt động M&A trong năm qua là do các doanh nghiệp (DN) trong khu vực thực hiện, đặc biệt là các công ty Nhật Bản. Xu hướng này cho thấy mối quan tâm của các DN trong khu vực đối với một thị trường có nhiều yếu tố hấp dẫn đầu tư, như tăng trưởng kinh tế cao, kết cấu nhân khẩu học hấp dẫn, chi phí sản xuất thấp, xuất hiện tầng lớp người tiêu dùng mới nổi.
Vậy điểm đáng chú ý nhất của hoạt động M&A tại Việt Nam là gì, thưa ông?
Theo PWC, lượng giao dịch M&A được thống kê ở Việt Nam trong năm 2010 đạt tổng giá trị 1,75 tỷ USD, với 345 giao dịch, tăng 59% về giá trị và 17% về số lượng so với cùng kỳ năm trước đó. Chúng tôi tin rằng, xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2011. Tuy nhiên, động thái giao dịch sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi chính sách tiền tệ được thắt chặt và hạn chế về nguồn vốn.
Nét độc đáo của xu hướng M&A hiện nay là, làn sóng mới nhất tập trung vào nhu cầu ngày càng cao của các thị trường mới nổi trong lĩnh vực nguyên liệu và năng lượng. Theo thông tin của Hãng truyền thông Bloomberg, hơn 30% các giao dịch thực hiện trong năm 2010 liên quan đến thị trường mới nổi.
Ông đánh giá thế nào về xu hướng M&A từ nay đến cuối năm và hoạt động này sẽ diễn ra sôi động nhất trong những ngành nào?
Do tính thanh khoản trên thị trường giảm, các DN trong nước sẽ có xu hướng tìm kiếm các nhà đầu tư tài chính và chiến lược để hỗ trợ tài chính cho các hoạt động kinh doanh của mình, không phân biệt ngành hay khu vực kinh tế nào. Ngoài ra, sự kém hiệu quả của thị trường vốn của Việt Nam cũng tác động tới các công ty đi tìm nguồn tài chính thay thế, bằng việc phát hành trái phiếu DN hoặc thông qua các quan hệ đối tác chiến lược. Chúng tôi tin rằng, xu hướng này sẽ tiếp tục khi Việt Nam ngày càng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và các DN trong nước thể hiện được những thương vụ mua lại hấp dẫn và là đối tác cho các tập đoàn đa quốc gia và các nhà đầu tư tài chính.
Nhìn từ góc độ của chúng tôi, các đối tác bên mua tiếp tục quan tâm tìm cách thâm nhập thị trường và các tập đoàn đa quốc gia đang xem xét mua lại cổ phần các công ty Việt Nam có vị trí thống lĩnh thị trường như một cách để gia tăng sự thâm nhập của họ vào thị trường Việt Nam.
Xét về nhiều lĩnh vực, chúng tôi tin rằng, sức hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến đầu tư mang lại những cơ hội rất lớn và chúng tôi nhìn thấy tiềm năng phát triển trên một phạm vi rộng, bao gồm các ngành khác nhau, như bán lẻ, thực phẩm và đồ uống, y tế, cơ sở hạ tầng, bất động sản.
Hữu Tuấn thực hiện
đầu tư
|