M&A Công ty chứng khoán: Đầu tư cho tương lai
Hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, trong đó có các công ty chứng khoán được dự báo sẽ tiếp tục sôi động. Nhưng với tình hình thị trường hiện nay, đó là những quyết định đầu tư cho tương lai.
Theo thông tin được các công ty chứng khoán công bố, đến hết quý I/2011, đã có trên 20 công ty chứng khoán báo lỗ, với tổng mức lỗ lên đến hơn 500 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều cái tên đã từng “sống khỏe”, giờ cũng chịu cảnh thụt két, như Công ty
Chứng khoán Kim Long (KLS) lỗ hơn 100 tỷ đồng, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) lỗ hơn 100 tỷ đồng; Công ty Chứng khoán Vina (VNSC) lỗ hơn 35 tỷ đồng; Công ty Chứng khoán Hải Phòng (HPC) lỗ 48 tỷ đồng, cùng hàng loạt tên tuổi quen thuộc khác như Công ty Chứng khoán Hà Nội (HSSC), Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVS), Công ty Chứng khoán VNDIRECT, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), Công ty Chứng khoán Tràng An (TAS), Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS), Công ty Chứng khoán SME (SME)… cũng có lợi nhuận âm từ vài tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng.
Việc các công ty chứng khoán thua lỗ không phải là điều ngạc nhiên, bởi trong bối cảnh thị trường chứng khoán suy sụp kéo dài, thu nhập của công ty chứng khoán từ dịch vụ môi giới, tự doanh hay bảo lãnh phát hành hầu như không đủ cho chi phí duy trì bộ máy; trong khi đó, số tiền phải chi cho dự phòng giảm giá chứng khoán tăng mạnh (tại SSI, số tiền này lên tới hơn 180 tỷ đồng).
Năm 2010, theo báo cáo kiểm toán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, khoảng 70 công ty chứng khoán làm ăn có lãi và khoảng 20 công ty thua lỗ, thì năm 2011, nếu tình hình thị trường không được cải thiện, tương quan sẽ đảo ngược so với năm 2010.
Với thực trạng ấy, các công ty chứng khoán chắc chắn không thể nằm im chờ đổi vận, mà buộc phải vẫy vùng để tìm lối thoát. Hoạt động M&A trong lĩnh vực này, do đó, đã và sẽ tiếp tục sôi động.
Theo thống kê, đã có hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các công ty chứng khoán trong nước. Có thể kể đến thương vụ giữa Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) bán cổ phần cho Công ty Chứng khoán Nikko Cordial (NCS) của Nhật Bản; thương vụ đối tác Hàn Quốc mua 49% cổ phần của Công ty Chứng khoán Gia Quyền. Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) cũng bán 11 triệu cổ phiếu cho SBI Securities (Nhật Bản) với giá 45.000 đồng/cổ phiếu, nâng vốn điều lệ của FPTS sau khi phát hành lên 550 tỷ đồng, trong đó SBI Securites nắm giữ 20%.
Trước đó, đối tác nước ngoài cũng đã hoàn tất nhiều thương vụ mua cổ phần của công ty chứng khoán trong nước, như Công ty Chứng khoán Woori CBV, Golden Bridge Việt Nam, Kenaga Việt Nam.
Qua thực tế, có thể thấy, hai xu hướng M&A giữa các công ty chứng khoán.
Một là, các tổ chức tài chính nước ngoài tiến hành mua lại các công ty chứng khoán trong nước. Đây là cách thức phổ biến trong lĩnh vực M&A trên thị trường chứng khoán thời gian qua, điển hình như các thương vụ vừa nêu.
Hai là, các công ty chứng khoán tiến hành sáp nhập để tồn tại. Tuy nhiên, hình thức này tỏ ra không hiệu quả, bởi sáp nhập hai công ty chứng khoán yếu hầu như không cho kết quả của một phép cộng đơn thuần để thành một công ty chứng khoán mạnh. Trong khi đó, các công ty chứng khoán mạnh cũng không muốn nhận về một đối tác yếu.
Với hai phương thức ấy, có thể nhận ra rằng, tương quan giữa kẻ bán – người mua trong hoạt động M&A công ty chứng khoán. Kẻ bán, xem ra hầu hết là công ty chứng khoán có quy mô nhỏ, tiềm lực hạn chế, không có các tổ chức tài chính mạnh “chống lưng”. Và người mua, thực tế là có tiềm lực mạnh. Trước hết, họ sẵn tiền để hoàn tất thương vụ. Thứ đó, họ chấp nhận bài toán thu hồi vốn khi đầu tư vào các công ty chứng khoán nằm trong tương lai lâu dài. Bởi lẽ, chờ cho đến khi thị trường hồi phục, rồi công ty chứng khoán dần lành vết thương, cho đến lúc hoàn vốn, trước khi tính đến lợi nhuận... chắc chắn là một chặng đường dài, có thể tính bằng nhiều năm.
Thực tế một số thương vụ cho thấy, sau M&A, các công ty chứng khoán được đầu tư, được củng cố vẫn khá im hơi lặng tiếng. Chắc chắn phía sau sự im lặng đó là những chuyển động ngầm, các công ty này đang chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ hơn về tiềm lực tài chính, công nghệ, nhân lực cho sự phát triển mạnh mẽ hơn ở nhiều năm sau
Bá Thư
đầu tư
|