Muôn nẻo dòng vốn ngoại
Tránh áp lực mua thêm cổ phiếu cho NĐT trong bối cảnh thị trường suy giảm, nhiều DN đã chọn cách phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược. Tuy nhiên, đi cùng với đó là giá thấp hơn kỳ vọng hoặc kèm theo nhiều điều kiện ràng buộc. Yếu tố thị trường đang len lỏi và trở thành tác nhân chính trong các cuộc đàm phán.
|
PVI đang chào bán riêng lẻ cho đối tác chiến lược là Quỹ đầu tư Oman |
Tính từ đầu năm 2011, CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) đã phát hành tổng cộng 40 triệu USD trái phiếu chuyển đổi (TPCĐ) cho các nhà đầu tư do Goldman Sachs quản lý, với mức giá chuyển đổi 43.500 đồng/CP. TPCĐ này có lãi suất 4%/năm, kỳ hạn 5 năm. Bắt đầu từ năm thứ 2 trở đi, trái chủ có thể chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ TPCĐ thành cổ phiếu. Từ năm thứ 3 trở đi, trái chủ được quyền yêu cầu CII mua lại TPCĐ sau khi đã thông báo trước 6 tháng. Trong bối cảnh huy động vốn khó khăn, đây rõ ràng là một thương vụ tích cực.
Ông Lê Quốc Bình, Giám đốc Tài chính CII cho biết, để phát hành thành công TPCĐ, Công ty đã trải qua hơn một năm đàm phán. Ở thời điểm đó, điều kiện thị trường tốt hơn nên việc đàm phán gặp thuận lợi. "Về nguyên tắc, hết thời điểm đàm phán, thị trường xấu họ có thể từ chối mua, nhưng do nhà tư vấn là tên tuổi lớn, cùng với mục tiêu đầu tư dài hạn, nên TPCĐ của CII vẫn được bán hết", ông Bình nói. Tuy nhiên, để phát hành thành công 40 triệu TPCĐ, CII cũng phải chấp nhận một số điều kiện do phía đối tác đưa ra.
Thông tin Tổng CTCP Bảo hiểm Dầu khí (PVI) đang chào bán riêng lẻ cho đối tác chiến lược là Quỹ đầu tư Oman, với giá không thấp hơn giá trị sổ sách tại thời điểm 31/12/2010 (khoảng 22.000 đồng/CP) gây sự chú ý lớn cho NĐT, bởi giá cổ phiếu PVI đang giao dịch trên thị trường quanh mức 15.000 đồng/CP. Theo Nghị quyết của PVI, đến ngày 31/5, Ban lãnh đạo thực hiện báo cáo kết quả đàm phán lên HĐQT. Ngày 2/6, trả lời ĐTCK, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT PVI cho biết, việc mua bán vẫn đang trong quá trình đàm phán, chưa đi đến thống nhất cuối cùng.
Trên thực tế, việc phát hành riêng lẻ cho Quỹ đầu tư Oman là chủ trương của PVI từ năm 2010, nhưng đến nay chưa thực hiện được. Nếu thực hiện phát hành thành công thêm 8% (khoảng 128 tỷ đồng mệnh giá) cho đối tác này, với giá không thấp hơn 22.000 đồng/CP, PVI sẽ có một khoản thặng dư không nhỏ. Theo lộ trình tăng vốn của PVI nhằm có nguồn lực tài chính tái cấu trúc DN, mở rộng hoạt động kinh doanh, ĐHCĐ năm 2011 của PVI có chủ trương tăng vốn trong năm 2011 - 2012 từ 1.600 tỷ đồng lên 3.600 tỷ đồng. Năm 2013 đến 2015 thực hiện tăng vốn từ 3.600 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng và tiếp theo tăng lên 7.200 tỷ đồng dưới các hình thức phát hành riêng lẻ, phát hành cho cổ đông hiện hữu, phát hành TPCĐ. Trong trường hợp không phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược lần này, có thể PVI sẽ tính đến việc chào bán cho cổ đông hiện hữu hoặc phương án khác.
Theo một chuyên gia chứng khoán, việc đưa ra giá chào bán với mức cao là nguyện vọng của DN, còn mua hay không lại tùy thuộc vào NĐT, bởi điều kiện thị trường hiện nay đang thuộc về người mua. Nguyện vọng của Quỹ đầu tư Oman muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại PVI nên việc mua dưới hình thức phát hành riêng lẻ, số lượng lớn là cách thức tốt. Tuy nhiên, PVI đưa ra giá cao hơn giá thị trường có thể khiến quỹ đầu tư này chờ đợi mua dưới hình thức cổ đông hiện hữu với giá phát hành hợp lý hơn và chấp nhận quá trình nâng tỷ lệ sở hữu tại PVI chậm lại. Với việc Quỹ đầu tư Oman đưa người vào HĐQT (một thành viên HĐQT và một thành viên Ban kiểm soát) của PVI tại ĐHCĐ vừa qua có thể thấy, quỹ này khẳng định việc đầu tư lâu dài cũng như mong muốn ngày càng theo sát khoản đầu tư của mình.
Trước việc gọi vốn khó khăn, gần đây thị trường ghi nhận một số trường hợp chuyển nhượng dự án của các đối tác trong nước cho NĐT nước ngoài, với hình thức mua lại cổ phiếu. Dòng tiền ngoại đang tìm đến những dự án thực sự khả thi, nhưng đuối vốn. CapitaValue Homes Limited, một đơn vị thuộc Tập đoàn CapitaLand vừa mua 65% cổ phần của Công ty TNHH Quốc Cường Sài Gòn (QCSG) thuộc CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG), với mức giá là 121,2 tỷ đồng. Việc mua cổ phần này của CapitaLand nhằm nhắm đến mảnh đất rộng khoảng 9.000 m2 của QCSG tại huyện Bình Chánh, TP. HCM đã được các cấp có thẩm quyền cấp phép đầu tư. Theo tính toán, tài sản hữu hình ròng ghi trên số sách của QCSG ngày 24/5/2011 là 186,5 tỷ đồng, sau khi chuyển nhượng, QCG chỉ còn nắm 30% và Công ty TNHH Gạch Đỏ nắm 5%.
Cuối tháng 5 vừa qua, tại Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, Tập đoàn VinaCapital và Công ty liên doanh Vina CPK đã làm lễ khởi công xây dựng Khu công nghiệp Bá Thiện 2. Dự án này có tổng mức đầu tư 45,5 triệu USD, trong đó phía VinaCapital chiếm trên 90% vốn. Được cấp phép từ năm 2009, do khủng hoảng tài chính thế giới nên dự án trên đã bị gián đoạn.
Nguyên Thành
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|