Mua bán, sáp nhập để lớn hơn
Các thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đã diễn ra rầm rộ từ đầu năm đến nay. Khác với trước đây chỉ có phía nước ngoài tìm mua công ty trong nước, nay hiện tượng công ty nhỏ mua lại công ty lớn, doanh nghiệp (DN) trong nước mua DN nước ngoài xuất hiện nhiều hơn.
Các chuyên gia cho rằng điểm mới, đáng ghi nhận của năm nay là nhiều DN xác định bán là để lớn lên chứ không chỉ để giải quyết câu chuyện tài chính.
|
Sản xuất quạt tại Công ty Quạt Việt Nam |
Bắt tay hay thôn tính?
20 năm xây dựng Công ty cổ phần Quạt VN (thương hiệu quạt Asia Vina), giờ phải quyết định bán đi một phần lớn công ty là một quyết định vô cùng khó khăn đối với ông Vũ Đình Phương, người sáng lập công ty. “Tôi trăn trở, thao thức hơn một năm rưỡi không phải vì giá hay bán thế nào mà là chuyện “đứa con” mình nuôi nấng bấy lâu, nay sẽ ra sao? Bán là để DN mạnh lên chứ không phải như một món hàng, bán cho khách rồi là xong” - ông Phương tâm sự.
Mua bán, sáp nhập DN như thế nào để tránh thiệt thòi, tái cấu trúc DN sau thương vụ thế nào cho hiệu quả... là những chủ đề được chia sẻ tại Diễn đàn M&A 2011 do báo Đầu Tư tổ chức hôm nay 9-6, tại Trung tâm hội nghị White Palace, TP.HCM. |
Suy nghĩ cẩn trọng cũng phải bởi cách đây bốn năm ông Phương từng chia sẻ quyền sở hữu “đứa con” của mình cho quỹ đầu tư nhưng do chưa được tư vấn thấu đáo nên ông đánh giá đó là thương vụ mà công ty của ông chịu thiệt thòi. Ông Phương kể: “Năm năm trước khi thành công trong việc mở rộng thị phần, chúng tôi muốn phát triển mạnh hệ thống phân phối ở TP.HCM nhưng lực chưa đủ nên gọi thêm vốn từ quỹ đầu tư.
Các quỹ sẵn sàng nhảy vào nhưng lúc đó chúng tôi chưa nhận diện được đâu là nhà đầu tư tài chính, đâu là đối tác chiến lược có thể cùng mình đi một đoạn đường xa. Thật sự họ chỉ muốn nuôi mình béo tốt rồi bán lại kiếm lời. Vì thế các kế hoạch mở rộng hệ thống phân phối, thị phần của chúng tôi đều bị gạt, thay vào đó là mục tiêu tăng doanh thu, lợi nhuận”. Theo ông Phương, hành xử của các quỹ đầu tư kia không có gì sai bởi đó là mục tiêu của họ, đó là điều mà ông chưa có kinh nghiệm và cũng chẳng được tư vấn để có thể nhận diện rõ mục đích của đối tác ngay từ đầu.
Kinh nghiệm đó mách bảo ông quyết định bán 65% Công ty cổ phần Quạt VN cho Tập đoàn SEB (Pháp) với giá hợp lý, thay vì 80% cho một công ty của Trung Quốc với bất kỳ giá nào ông đưa ra. “Khi chúng tôi nói muốn bán 40% cổ phần công ty, họ (công ty Trung Quốc) nói không mua tỉ lệ đó mà phải là 80% với giá chúng tôi muốn. Lúc đó chúng tôi đã hiểu ra mục tiêu của họ là thôn tính chứ không phải cùng chúng tôi phát triển thương hiệu quạt Asia Vina ra thế giới, nên đã từ chối” - ông Phương kể.
Để lớn mạnh nhanh hơn
Sự kiện Công ty TNHH Mai Hạnh, một nhà phân phối gas cỡ trung bình ở TP.HCM, “mua đứt” Tân Hải Việt, một nhà phân phối gas khác có sản lượng gấp đôi, đã làm cả “làng” gas bất ngờ. Trước đó, Mai Hạnh cũng đã mua một nhà phân phối khác là Nguyễn Hiệp. Sáp nhập hai nhà phân phối này về mình, Mai Hạnh đang trở thành nhà phân phối lớn nhất nhì TP.HCM.
Ông Trần Thanh Trúc, chủ tịch HĐTV Công ty Mai Hạnh, khiêm tốn: “Cơ hội đến thì nắm bắt chứ không chủ động đi tìm”. Nhưng kinh nghiệm hơn một thập kỷ với ngành gas, ông Trúc thừa nhận không thể làm ăn nhỏ lẻ, manh mún mãi vì sự cạnh tranh ngày một khốc liệt, các quy định cho ngành kinh doanh đặc thù này càng bó buộc hơn. “Phải làm lớn mới có cơ hội tồn tại và phát triển. Hơn nữa, một khi mình có quy mô mới có thể chuyên nghiệp hóa lên, tuyển dụng được nhân tài về giúp...” - ông Trúc nói chân thành.
Chuyện bán, mua để lớn lên, mạnh hơn đang trở thành khuynh hướng của nhiều DN VN. Ông Phương chia sẻ: “Bắt tay với SEB vì chúng tôi và họ có cùng chí hướng. Chúng tôi muốn quạt Asia vươn ra thế giới, còn họ muốn tìm một DN đủ năng lực để phát triển thị trường châu Á. SEB có một mạng lưới bán hàng toàn cầu và kinh nghiệm xúc tiến thương mại phong phú mà chúng tôi thiếu. Ngược lại, quạt Asia của chúng tôi đủ sức cạnh tranh với hàng Thái Lan, Trung Quốc về mặt chất lượng...”.
Ông Cao Tiến Vị, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn, thừa nhận: “Đầu tư vào ngành giấy rất lớn, mỗi cái máy phải tính đến tiền triệu USD chưa kể những đầu tư khác. Nếu tự làm chúng tôi sẽ đi rất lâu nên phải tìm đối tác phù hợp với kỳ vọng của mình để dựa vào nhau đi trên một đoạn đường dài”.
Tránh bẫy
Để bước vào thị trường VN nhanh chóng, các công ty nước ngoài sẽ nhắm đến việc mua lại hay thâu tóm DN nội địa là điều không tránh khỏi. Ông Nguyễn Công Ái - phó tổng giám đốc Công ty KPMG, một công ty kiểm toán và tư vấn mua bán sáp nhập có kinh nghiệm - nhận xét hầu hết DN nhỏ của VN đều thiếu kinh nghiệm và kiến thức pháp luật về mua bán, sáp nhập DN, thậm chí để tiết kiệm có DN còn nhờ vả sự tư vấn luật sư của đối tác đang muốn mua công ty mình...
Đặc điểm của hoạt động này là làm càng nhanh càng tốt vì rất dễ phát sinh yếu tố mới trong quá trình đàm phán dẫn đến việc phải đàm phán lại, thậm chí đổ vỡ. Tuy nhiên, cũng không nên vì muốn đẩy nhanh tiến độ mà bỏ qua khâu chuẩn bị kỹ càng, cũng như lựa chọn tư vấn tài chính, tư vấn pháp lý chuyên nghiệp. “Phải xác định mục tiêu cho rõ ràng ngay từ đầu là muốn gọi thêm vốn để giải quyết vấn đề cấp bách hay đầu tư dài hạn cho việc tái cấu trúc DN” - ông Nguyễn Trung Kiên, tổng giám đốc Công ty TNK Capital Partners, nói.
Lê Nguyên Minh
tuổi trẻ
|