M&A lĩnh vực chứng khoán khó diễn ra trong thời gian tới
(Vietstock) – “Số lượng công ty chứng khoán đang khá nhiều nhưng việc mua bán - sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực này sẽ khó diễn ra trong thời gian tới”. Trên đây là ý kiến của ông Nguyễn Lâm Dũng, Tổng giám đốc Chứng khoán VPBank (VPBS) tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2011 diễn ra ở TPHCM ngày 09/06.
Nhiều yếu tố cản trở M&A công ty chứng khoán
Từ năm 2008 đến nay, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán gặp nhiều thăng trầm. Hơn 100 doanh nghiệp “chen chúc” trong thị trường còn quá nhỏ hẹp khiến cho quá trình cạnh tranh diễn ra hết sức gay gắt. Có thể thấy, nhiều công ty chứng khoán trở nên “đuối sức” khi lợi nhuận bình quân của các công ty trong ngành rất thấp, trong đó rất nhiều công ty rơi vào cảnh thua lỗ liên tục.
Trước hiện trạng đó, nhiều nhận định cho rằng M&A trong ngành chứng khoán sẽ diễn ra mạnh mẽ nhằm tái cấu trúc hoạt động của ngành này. Tuy nhiên, cho đến nay việc M&A công ty chứng khoán mới chỉ thực hiện được rất ít thương vụ và chỉ diễn ra bởi một số nhà đầu tư nước ngoài, hay các định chế tài chính muốn mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực chứng khoán.
Ông Dũng cho hay, trong số hơn 100 công ty chứng khoán trên thị trường hiện nay thì có 20 công ty dẫn đầu, chiếm hơn 50% thị phần. 80 công ty còn lại chỉ chiếm thị phần rất nhỏ bé. Do đó, sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu M&A diễn ra giữa công ty lớn và công ty nhỏ nhằm mở rộng thị phần hoạt động.
Đồng thời, các mục đích khác mà công ty chứng khoán lớn muốn M&A để tận dụng nguồn khách hàng, nhân sự cũng gặp phải nhiều khó khăn. Ngoài ra, do hệ thống công nghệ và quy trình quản lý giữa các công ty chứng khoán không đồng bộ với nhau cũng là một trở ngại lớn cho quá trình M&A.
Đặc biệt, nhân sự trong công ty chứng khoán thay đổi rất nhanh. Nếu hoạt động thâu tóm hoàn thành nhưng không giữ lại được nguồn nhân lực thì khó có thể duy trì sự phát triển. Không hiếm trường hợp nhân viên môi giới ra đi “mang theo” cả khách hàng của công ty.
Vì những lý do đó, việc M&A giữa những công ty chứng khoán độc lập với nhau là rất khó xảy ra. Hiện tượng này thời gian qua mới chỉ dừng lại theo hướng các ngân hàng, các tổ chức tài chính muốn mở rộng dịch vụ, hoặc tổ chức nước ngoài muốn thâm nhập vào thị trường Việt Nam.
Cụ thể hóa M&A trong Luật chứng khoán
Với ý kiến cho rằng thị trường chứng khoán trong nước và ngành ngân hàng đang trong tình trạng khá rối rắm, ông Gregory Crovo – Luật sư thành viên – Kelvin Chia Partership nhận định đến một lúc nào đó thì thì trường phải có sự tập trung kinh tế. Điều này phụ thuộc vào niềm tin giữa bên mua và bán. Nền kinh tế sẽ thu được giá trị lớn hơn khi môi trường vĩ mô ổn định để thúc đẩy sự tập trung kinh tế sớm diễn ra.
Cũng theo ông Gregory Crovo, các đối tác nước ngoài mong đợi nhất ở tính thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam, kèm theo đó là khả tăng trưởng và tiềm năng của doanh nghiệp.
Ông Lê Hải Trà – Thành viên HĐQT Sở GDCK TPHCM (HOSE) cũng cho biết, M&A trong ngành chứng khoán rất phức tạp, mặc dù số lượng công ty chứng khoán trong nước nhiều hơn các nước trong khu vực và nhu cầu M&A là rất lớn.
Theo ông, từ đầu năm đến giờ, công ty chứng khoán nhỏ gặp nhiều khó khăn. Nếu thị trường tiếp tục như hiện nay, sẽ có nhiều công ty dừng hoạt động. Ngoài ra, nếu cơ quan quản lý áp đặt một quy chuẩn như vốn điều lệ thì lúc đó vấn đề sáp nhập mới thực sự diễn ra.
Song ông Vũ Bá Phú – Phó Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương nhận định, mặc dù nền kinh tế khó khăn, số lượng có giảm nhưng giá trị các thương vụ M&A trong nước gia tăng. Đây là dấu hiệu tốt.
Tuy nhiên, hiện M&A tại Việt Nam mới xuất hiện và mức độ chuyên nghiệp còn hạn chế mặc dù có nhiều công ty tư vấn M&A được thành lập. Trong tương lai, hy vọng khi nhu cầu ngày càng tăng, số lượng và chất lượng M&A sẽ ngày càng được củng cố.
Nhìn chung, các chuyên gia đều cho rằng, hoạt động M&A là vấn đề bình thường trong thị trường và là một xu thế tất yếu. Tuy nhiên, ở lĩnh vực hoạt động chứng khoán, cần thiết phải có những quy định cụ thể hơn trong Luật Chứng khoán. Bởi các công ty kinh doanh trong lĩnh vực này là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, theo sự hướng dẫn của UBCK.
Xuân Anh
|