Thứ Ba, 28/06/2011 06:21

Rót vốn cho điện, ngân hàng không ‘khoái’

Các ngân hàng đã từng tài trợ dự án điện đều cho rằng, dù không muốn quay lưng với ngành điện song lĩnh vực này đòi hỏi vốn quá lớn, họ cần một khung chính sách thông thoáng hơn để có động lực mở hầu bao cho điện.

Giá điện tăng chỉ là chạy theo trượt giá

Ông Lê Tuấn Phong, Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Bộ Công Thương, cho biết, chương trình phát triển điện đòi hỏi có quy mô vốn rất lớn. Trong 20 năm tới, tổng vốn đầu tư cho hệ thống điện ở Việt Nam cần khoảng 124 tỷ USD. Bình quân hàng năm, Việt Nam cần khoảng 6,8 tỷ USD đầu tư cho cả nguồn, lưới và hệ thống phân phối điện. Trong đó, riêng giai đoạn 10 năm tới, mỗi năm Việt Nam cần ít nhất 5,5 tỷ USD cho phát triển điện. 67,4% phần vốn này là dành cho xây dựng các nhà máy mới.

Trước nhu cầu tài chính khổng lồ này, vấn đề vốn được đánh giá là khó khăn nhất cho mục tiêu đủ điện giai đoạn tới.

Một câu hỏi được đặt ra là, 4 năm qua, giá điện tăng liên tục liệu đã giúp cho EVN giảm bớt khó khăn về vốn? Chỉ biết rằng, sau 3 lần tăng giá điện, đến hết năm 2010, EVN lại bị lỗ tới hơn 8.000 tỷ đồng phần sản xuất kinh doanh điện.

Vị lãnh đạo vụ năng lượng này chia sẻ, thực ra, giá điện tăng một vài lần hầu như chỉ đủ chạy theo trượt giá và thực tế, vẫn đứng ở mức bình quân là 5,5 Uscent/kWh. "Người mua" luôn đòi hỏi phải được cấp đủ điện nhưng lại không sẵn sàng trả giá theo giá cả thị trường mà luôn muốn Nhà nước tiếp tục trợ giá điện. Trong khi đó, đa phần các yếu tố đầu vào của ngành điện đều theo giá thị trường khu vực và quốc tế.

Theo ông Lê Tuấn Phong, giá thành trung bình dài hạn cho sản xuất, truyền tải, phân phối điện sẽ tăng lên trên 8,8 US cent/kWh vào năm 2020, riêng giá thành sản xuất phát điện đã là khoảng 6,8 US cent/kWh. Thị trường điện đang hình thành theo lộ trình nhưng vẫn đầy những trở ngại rất khó giải quyết ngày một ngày hai.

Quy mô vay vốn vượt sức ngân hàng "nội"

Đánh giá về câu chuyện này, đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) bày tỏ, đáp ứng nhu cầu vốn của ngành điện và năng lượng nói chung là thách thức lớn của ngành ngân hàng.

Hiện nay, tổng dư nợ đối với 3 lĩnh vực điện, than, khí của Vietinbank là khoảng 33.000 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng đang đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng trái phiếu đối với các doanh nghiệp năng lượng. Ngân hàng BIDV có tổng dư nợ tới 23.000 tỷ đồng đối với các dự án năng lượng, trong đó điện chiếm tới 16.000 tỷ đồng, hóa dầu và dầu khí chiếm 4.000 tỷ đông và than chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng.

Có 6 đặc thù của ngành năng lượng đồng thời là 6 điểm trở ngại khi ngân hàng muốn bước chân vào lĩnh vực này. Đầu tiên chính là qui mô vốn. Nhiều dự án điện hay khí của Tập đoàn dầu khí quốc gia đều có quy mô trên 1,5 tỷ USD. Các dự án than mà Vietinbank tham gia tài trợ cũng có quy mô trung bình từ 2.000-3.000 tỷ đồng, riêng dự án than Hạ Long sắp triển khai có quy mô tới 12.000 tỷ đồng. Các dự án điện cũng tương tự, như nhiệt điện Nhơn Trạch 2 là 700 triệu USD, thủy điện Sêsan 4 là 5.800 tỷ đồng.

Vị chuyên gia này nói, cả ngân hàng và chủ đầu tư đều đã tính nhiều kế như chia 1 dự án lớn thành nhiều dự án nhỏ, hoặc nhiều ngân hàng cùng tài trợ 1 dự án, song tiềm lực trong nước vẫn không đủ đáp ứng.

Đặc biệt là năm nay, các chính sách thắt chặt tín dụng như Ngân hàng Nhà nước giới hạn mức tăng trưởng tín dụng dưới 20%, giới hạn cho vay 1 khách hàng không quá 15% và bảo lãnh không quá 25% vốn tự có cũng khiến cho nếu ngân hàng thu xếp được vốn cho các ngành năng lượng thì cũng khó mà thực thi được.

Kiến nghị cho phép vượt trần 15% vốn tự có

Một điểm khác là các dự án điện đều có nhu cầu ngoại tệ rất lớn để nhập khẩu máy móc thiết bị. Chỉ riêng thiết bị thủy công nhập khẩu ở dự án thủy điện Sêsan 4 đã cần tới 68 triệu USD, trong khi thâm hụt thương mại đang lớn, các ngân hàng đều thiếu ngoại tệ.

Theo phân tích của ngân hàng này, đầu tư cho ngành điện có thể coi là rủi ro và liều lĩnh khi mà giá đầu ra vẫn chưa được thị trường. Cùng đó, thời gian thực hiện dự án lại kéo dài, trung bình 2-3 năm cho giai đoạn xây dựng. Thời hạn cho vay một dự án thường cần tối thiểu là 5 năm. Đặc điểm này khiến dự án điện không thể lọt vào vị trí ưu tiến trong danh mục vay vốn năm nay của các tổ chức tín dụng.

Vì rằng, trong bối cảnh hiện nay, huy động vốn dài hạn không dễ, hầu hết các ngân hàng đều ưu tiên cho vay vốn ngắn hạn, giảm tỷ trọng cho vay dài hạn trên tổng dư nợ. Chưa kể, từ năm 2009, Ngân hàng Nhà nước đã giảm tỷ lệ nguồn vốn vay ngắn hạn được sử dụng cho vay dài hạn từ 40% xuống 30% nên các ngân hàng càng hạn chế việc đầu tư cho các dự án điện vốn cần vốn dài hạn.

Ngoài ra, bản thân lĩnh vực điện đều có công nghệ phức tạp, trình độ kỹ thuật cao, máy móc thiết bị là chuyên dụng. Bởi đặc thù này nên chính các ngân hàng khó mà đủ trình độ để thẩm định đánh giá dự án. Nếu sử dụng các thiết bị máy móc này là tài sản bảo đảm thì trong trường hợp giải chấp, tính thanh khoản của tài sản này không cao.

Hiện nay ở Việt Nam, hầu như chỉ có 3 Tập đoàn là EVN, PVN và TKV là chủ đầu tư phần lớn các dự án điện, năng lượng, một lúc thực hiện nhiều dự án... nên tính chất dự án thường phức tạp. Trong khi đó, quy định của ngân hàng không cho vay vượt 50% vốn tự có đối với nhóm hàng hàng liên quan.

Với tất cả những đặc thù trên, dự án điện hay than, khí trở thành là món xương xẩu nhất, thiếu hấp dẫn nhất đối với các ngân hàng.

Đồng tình với các phân tích trên, đồng loạt các ngân hàng đều cho rằng, Chính phủ cần có một cơ chế ưu tiên đặc thù về vay vốn cho điện và năng lượng nói chung. Đặc biệt là việc cởi trói các hạn mức về vốn vay.

Theo ý kiến của Ngân hàng BIDV, cụ thể như Ngân hàng Nhà nước cần sớm giải quyết cho các ngân hàng thương mại việc cho vay vượt 15% vốn tự có khi tham gia các dự án năng lượng trọng điểm. Đối với một số khách hàng, một số dự án có dư nợ vượt quy định về giới hạn cho vay trên vốn tự có của ngân hàng mà ngân hàng vẫn kiểm soát được rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng thì Chính phủ có thể xem xét linh hoạt hơn...

Ở cấp Chính phủ, các ngân hàng cần một cơ chế đặc thù khi tham gia lĩnh vực đầy rủi ro này như việc bảo lãnh các khoản vay trong và ngoài nước. Không phải các ngân hàng muốn quay lưng lại với ngành điện nhưng nếu không có sự hỗ trợ đồng bộ từ các Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước... thì ngân hàng cũng khó lòng giúp được ngành điện.

Phạm Huyền

diễn đàn kinh tế việt nam

Các tin tức khác

>   Nhập siêu chững lại nhưng vẫn đáng báo động (27/06/2011)

>   Tổng mức bán lẻ 6 tháng cả nước lên đến 914 nghìn tỷ đồng (27/06/2011)

>   Kim ngạch xuất nông, lâm, thủy sản đạt 12 tỷ USD (27/06/2011)

>   Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Thời thử lửa (27/06/2011)

>   Tổ máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ hoạt động vào 2020 (27/06/2011)

>   PV OIL xây khu bồn chứa, trạm xuất xăng dầu Quảng Ngãi (27/06/2011)

>   Tăng trưởng công nghiệp không đi kèm hiệu quả? (27/06/2011)

>   Bunge bắt đầu sản xuất tại nhà máy nghiền đậu nành trị giá 100 triệu USD (27/06/2011)

>   Xe ngoại tăng mạnh trước thời điểm siết thủ tục nhập khẩu (27/06/2011)

>   Cá tra thừa hay thiếu? (27/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật