Thứ Hai, 27/06/2011 23:08

Nhập siêu chững lại nhưng vẫn đáng báo động

Trong bối cảnh nhập siêu vẫn còn ở mức báo động; giá cả nguyên liệu tăng cao; chỉ số giá tiêu dùng vẫn tăng từng tháng... thì giá trị sản xuất công nghiệp vẫn tăng cao là điểm sáng trong bức tranh kinh tế vĩ mô không mấy khả quan trong sáu tháng đầu năm.

Theo ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ tổng họp kinh tế quốc dân của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giá trị sản xuất công nghiệp vẫn tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực ngoài quốc doanh và có vốn đầu tư nước ngoài cùng tăng hơn 17%. “Tăng trưởng như thế là đạt mức khá, cao hơn kế hoạch là 14%", ông Hà nói tại Hội nghị giao ban các bộ ngành và địa phương do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì sáng nay (27-6).

Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương đặt nghi vấn về mức tăng này: “Vì sao giá trị sản xuất công nghiệp vẫn tăng trong khi giá trị tư liệu sản xuất nhập khẩu giảm đi rõ ràng so với cùng kỳ năm ngoái?”. Tuy không cho biết số liệu cụ thể, vị quan chức này chứng minh rằng, hầu hết các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công Thương, vốn chiếm tới 20% tổng giá trị sản xuất của cả nước, đang phàn nàn về rất nhiều khó khăn.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhập siêu trong sáu tháng đầu năm nay chỉ gần 6,7 tỉ đô la Mỹ, chiếm 15,7% kim ngạch xuất khẩu. Con số này giảm đáng kể so với số liệu 7,5 tỉ đô la mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vào cuối tuần trước.

Tuy nhiên, vẫn vị quan chức thuộc Bộ Công Thương cho rằng, nhập siêu vẫn đang rất đáng báo động. Ông nói: “Nhập siêu có vẻ chững lại vì chúng ta đã xuất khẩu nhiều vàng trong tháng 6”. Theo ông, vẫn chưa thể yên tâm với nhập siêu và vì thế, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp giảm nhập siêu.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giá cả nguyên liệu đầu vào trong sáu tháng đầu năm nay đã tăng rất cao so với cùng kỳ. Giá xăng dầu tăng 44%, khí đốt hóa lỏng tăng 21%, thép tăng 27%, phân bón tăng 21%.

Trong khi đó, đại diện các bộ, ngành và địa phương cho rằng cần thêm nhiều vốn từ ngân sách nhà nước để hoàn thiện các dự án đầu tư công. Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, bộ này đã cắt giảm 68 dự án đầu tư công trị giá 1.200 tỉ đồng trong năm nay, nhưng vẫn cần thêm 8.000 tỉ đồng để có thể hoàn thành các dự án của năm 2011.

Ông Bùi Quang Vinh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói rằng, chính phủ vẫn cam kết thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ theo Nghị quyết 11. Ông cho biết, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 12,29% trong sáu tháng đầu năm đã gây khó khăn cho doanh nghiệp và tâm lý lo lắng trong nhân dân.

Tình hình kinh tế TPHCM 6 tháng đầu năm

Sáng nay (27-6), UBND TPHCM đã có cuộc họp “Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TPHCM sáu tháng đầu năm 2011 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho 6 tháng cuối năm”.

Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thành phố sáu tháng đầu năm ước đạt gần 200.000 tỉ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước - trong đó khu vực thương mại - dịch vụ là 105.000 tỉ đồng (chiếm 52,4% GDP), công nghiệp và xây dựng hơn 93.000 tỉ đồng (chiếm 46,6% GDP), còn nông nghiệp chỉ đạt 1.821 tỉ đồng, chiếm chưa đầy 1% GDP.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sáu tháng qua TPHCM đã cấp phép cho 151 dự án với tổng vốn đăng ký là 1,467 tỉ đô la Mỹ. So với cùng kỳ năm trước thì số dự án giảm 9% nhưng vốn đăng ký lại tăng 66%. Nếu tính cả khoản vốn bổ sung của 52 dự án đã hoạt động thì số vốn FDI mà thành phố thu hút được trong nửa đầu năm nay lên đến gần 1,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 73%.

Về vốn đầu tư phát triển, trong 6 tháng qua đã cắt giảm nhiều nhưng cũng còn xấp xỉ 51.000 tỉ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể là đã cắt giảm hơn 441.000 tỉ đồng vốn của 92 dự án.

Về vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA), hiện thành phố đang triển khai 20 dự án với tổng vốn đầu tư là 87.000 tỉ đồng - trong đó vốn ODA chiếm khoảng 68.324 tỉ đồng, tương đương với 4,27 tỉ đô la Mỹ. Sáu tháng đầu năm đã giải ngân được gần 2.000 tỉ đồng, trong đó riêng ODA chiếm 1.544 tỉ đồng.

Về lĩnh vực tín dụng – ngân hàng và thị trường chứng khoán, trong sáu tháng đầu năm theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, tổng số vốn mà các ngân hàng huy động được gần 820.000 tỉ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó ngoại tệ chiếm khoảng 26,6%. Tổng dư nợ tín dụng ước tính 756.400 tỉ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ, trong đó dư nợ tín dụng ngắn hạn chiếm 52,3%. Lượng kiều hối trên địa bàn thành phố đã vượt mức 2,47 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, trên sàn giao dịch chứng khoán có tất cả 284 cổ phiếu, 47 trái phiếu và 5 chứng chỉ quỹ với tổng giá trị niêm yết toàn thị trường là 240.548 tỉ đồng. Điều đáng lo ngại là 6 tháng đầu năm nay giá trị giao dịch giảm mạnh, đạt chưa tới 96.250 tỉ đồng, tức hơn 54,5% so với cùng kỳ.

Về xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu sáu tháng đầu năm đạt 12,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 14,7% so với cùng kỳ, và theo giải thích của các chuyên viên thì “trị giá xuất khẩu tăng là vì giá hàng hóa trên thế giới tăng, đồng thời đơn giá gia công hàng may mặc và giày dép cũng đã cao hơn”. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu lại lên đến mức xấp xỉ 12,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước.

Kinh Luân

Tư Giang

tbktsg

Các tin tức khác

>   Tổng mức bán lẻ 6 tháng cả nước lên đến 914 nghìn tỷ đồng (27/06/2011)

>   Kim ngạch xuất nông, lâm, thủy sản đạt 12 tỷ USD (27/06/2011)

>   Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Thời thử lửa (27/06/2011)

>   Tổ máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ hoạt động vào 2020 (27/06/2011)

>   PV OIL xây khu bồn chứa, trạm xuất xăng dầu Quảng Ngãi (27/06/2011)

>   Tăng trưởng công nghiệp không đi kèm hiệu quả? (27/06/2011)

>   Bunge bắt đầu sản xuất tại nhà máy nghiền đậu nành trị giá 100 triệu USD (27/06/2011)

>   Xe ngoại tăng mạnh trước thời điểm siết thủ tục nhập khẩu (27/06/2011)

>   Cá tra thừa hay thiếu? (27/06/2011)

>   Đề nghị TKV thoái vốn đầu tư ngoài ngành (27/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật