Thứ Hai, 20/06/2011 08:28

Nhập siêu: “Con ngựa” bất kham

Như một con ngựa bất kham, nhập siêu vẫn gia tăng, bất chấp những nỗ lực kiềm chế của Chính phủ. Bài toán khó này vẫn chưa được giải quyết hiệu quả.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Công Thương, nhập siêu 5 tháng đầu năm đã “vọt” lên đến 6,5 tỷ USD (trong khi 3 tháng đầu năm, con số này mới ở mức 3,03 tỷ USD). Với tốc độ này, mục tiêu kiềm chế nhập siêu của Chính phủ đặt ra cho năm 2011 (không quá 16%) được coi là rất khó thực hiện.

Lo

Nguyên nhân khá quen thuộc được đưa ra là do giá trên thị trường thế giới tăng. Yếu tố tăng giá đã khiến nhập siêu tăng thêm 1,5 tỷ USD. Không chỉ giá, mà lượng hàng hóa nhập khẩu cũng tăng, như xăng dầu tăng 41,5%, cao su các loại tăng 25,5%, bông tăng 110%... làm kim ngạch nhập khẩu tăng thêm 9,4 tỷ USD…

Tuy nhiên, còn những nguyên nhân đáng lo khác khiến con số nhập siêu tăng nhanh. Đó là việc nhiều mặt hàng thuộc diện không khuyến khích nhập khẩu vẫn tiếp tục tràn về, bất chấp những biện pháp thắt chặt của các cơ quan quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó là xu hướng các doanh nghiệp FDI đang tăng cường nhập khẩu hàng hóa không phục vụ sản xuất, nhất là những mặt hàng trước đây từng sản xuất nay chuyển sang nhập khẩu phân phối (điển hình là ôtô) cũng làm cho nhập siêu trong nước tăng lên.

Việc nhập khẩu và tiêu thụ xăng dầu trong nước thời gian qua cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc nhập siêu của cả nước. Trong cán cân thương mại nhiều năm gần đây, dòng tiền từ xuất khẩu dầu thô đã bù đắp được lượng nhập khẩu xăng dầu phục vụ trong nước. Nhưng 5 tháng qua, xuất khẩu dầu thô chỉ thu về 3 tỷ USD, trong khi nhập khẩu xăng dầu lại lên tới 4,6 tỷ USD, gây áp lực lớn lên cán cân thương mại. Mặt khác, giá xăng dầu thành phẩm tăng từ 32% đến 40% trong khi giá dầu thô chỉ tăng 25%, đồng nghĩa với việc kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh hơn xuất khẩu.

Quản không trúng?

Thời gian qua, bất chấp mọi giải pháp hạn chế, nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu vẫn tăng 13,8%. Đơn cử như mặt hàng đang bị “quản” rất chặt là ôtô chở người dưới 9 chỗ ngồi. Hàng loạt các quy định mang tính chất như “rào cản thương mại” đã được áp dụng, từ khâu nhập khẩu hàng hóa, thông quan cho đến vốn vay, tỷ giá, lãi suất… đều được đồng loạt đem ra áp dụng, song kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này không những không giảm mà còn tăng mạnh, tới 76,5% so với cùng kỳ năm trước.

Một câu hỏi được đặt ra là phải chăng các biện pháp kiềm chế nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế này không có nhiều tác dụng?

Bên cạnh đó, quan trọng hơn và như chính Bộ Công Thương thừa nhận, thời gian qua chúng ta đã dồn quá nhiều công sức vào nỗ lực kiềm chế nhập khẩu các nhóm hàng cần hạn chế và kiểm soát nhập khẩu trong khi tỷ trọng của 2 nhóm này chiếm rất thấp (chỉ khoảng 16,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu). Trong khi đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, kể cả sản xuất hàng xuất khẩu (chiếm tỷ trọng tới 83,1%) nhưng các biện pháp quản lý nhập khẩu đối với nhóm này chưa phát huy tác dụng.

Trong khi đó, các cơ quan quản lý chức năng vẫn tiếp tục ban hành hàng loạt chính sách nhằm “quản” nhóm hàng “nóng” thuộc diện không khuyến khích nhập khẩu.

Đơn cử như mới đây nhất, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 20/TT-BCT quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ôtô chở người loại dưới 9 chỗ ngồi trở xuống; Thông báo 197/TB-BCT của Bộ Công Thương chỉ cho nhập khẩu rượu ngoại, mỹ phẩm, điện thoại di động qua 3 cảng biển; tăng thuế nhập khẩu với khoảng 100 dòng thuế thuộc danh mục hàng hóa không khuyến khích nhập khẩu...

Điều đáng lo ngại là trong khi việc giảm nhập siêu từ nhóm hàng này không mang lại kết quả cao thì các biện pháp “cứng” này lập tức vấp phải sự phản ứng từ phía các doanh nghiệp và hiệp hội, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư và kinh doanh.

Trong 5 tháng đầu năm, nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI tăng 32,5%, trong khi khối doanh nghiệp trong nước chỉ tăng 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập siêu của doanh nghiệp FDI ước khoảng 1,6 tỷ USD, chiếm 25% tổng nhập siêu cả nước.

Ngay sau thông báo của Bộ Công Thương, Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã có văn bản phản ứng. Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham cho biết, văn bản quy định chi tiết nhằm hạn chế nhập khẩu mặt hàng rượu không chỉ sẽ ảnh hưởng tới xấu tới ngành rượu Việt Nam mà còn có thể vi phạm các quy định thương mại quốc tế. Biện pháp hạn chế cảng thông quan có thể trái với quy định hạn chế số lượng của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) 1994. Hạn chế này cũng có thể coi là rào cản kỹ thuật đối với thương mại và có thể vi phạm các hiệp định về hàng rào kỹ thuật đối với thương mại. Hoặc việc tăng thuế nhập khẩu lên mức tột khung của WTO, MFN có thể vi phạm các hiệp định song phương hiện hành…

Cũng tương tự như vậy, các quy định tại Thông tư 20 của Bộ Công Thương đang vấp phải sự phản đối quyết liệt của các doanh nghiệp kinh doanh ôtô trong nước. Kiến nghị lên Chính phủ, các doanh nghiệp này cho rằng, quy định này của Bộ Công Thương sẽ “giết chết” hàng trăm doanh nghiệp.

Làm sao đồng bộ?

Áp dụng hệ thống giải pháp đồng bộ là yêu cầu được đề cập đến nhiều lần, song làm thế nào để có thể thực hiện được lại không hề dễ dàng. Theo các chuyên gia, để giải quyết vấn đề nhập siêu thì phải dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế sang sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để giảm bớt việc phụ thuộc nhiều nhập khẩu đầu vào từ bên ngoài. Đây là một vấn đề lớn và lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và nỗ lực của cả nhà nước và doanh nghiệp, trong đó vai trò tư vấn hoạch định chính sách và điều hành thực tế của Bộ Công Thương là rất quan trọng.

Mặt khác, để giảm nhập siêu thì đồng thời phải giảm sự mất cân đối bên trong nền kinh tế, nghĩa là phải tăng tỷ lệ tiết kiệm hoặc giảm đầu tư. Giảm đầu tư mà không làm giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả đầu tư. Và đây được xem là nhiệm vụ của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư là chủ yếu. Tăng tỷ lệ tiết kiệm trong nền kinh tế thì cần sự phát triển của thị trường tài chính, giảm lạm phát nhằm ổn định nền kinh tế… Vấn đề này lại cần Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính thể hiện vai trò.

Như vậy, chỉ riêng các biện pháp của một ngành nào là chưa đủ mà cần phải có một chiến lược giảm nhập siêu toàn diện với sự tham gia của các bộ, ngành. Cần có một chiến lược bao hàm được cả việc nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế (nhằm tăng xuất khẩu), phát triển công nghiệp phụ trợ, phát triển thị trường tài chính, nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư từ ngân sách và đầu tư từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước, chứ không thể chỉ trông vào các chính sách hạn chế một số “nhóm hàng hóa cần hạn chế và kiểm soát nhập khẩu”. Thực tế chúng ta phải tuân thủ các cam kết hội nhập song phương, đa phương và khu vực, vì thế các hàng rào thuế quan hay phi thuế quan sẽ phải hạ thấp dần và tiến tới xóa bỏ. Do đó, việc hạn chế hay kiểm soát nhập khẩu một số mặt hàng cũng không thể mang tính lâu dài được.

Bất hợp lý nhưng vẫn thực hiện

Mặc dù cho rằng việc áp mức thuế xe nguyên chiếc cho bộ linh kiện khi mà chỉ có một hoặc một vài linh kiện không đáp ứng tiêu chuẩn là không phù hợp, ảnh hưởng lớn đến tình hình thực tế sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước, song Bộ Tài chính vẫn ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị hải quan thực hiện sự bất hợp lý này.

Theo đó Bộ Tài chính yêu cầu Cục hải quan các tỉnh, thành phố kiểm tra các trường hợp nhập khẩu bộ linh kiện để lắp ráp ôtô, nếu trong bộ linh kiện nhập khẩu có từ 1 linh kiện trở lên không đảm bảo mức độ rời rạc như quy định tại Quyết định số 05 thì phải nộp thuế nhập khẩu cho cả bộ linh kiện theo mức thuế suất của ôtô nguyên chiếc. Trường hợp doanh nghiệp đã kê khai tính nộp thuế chưa đúng với quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 184 thì cơ quan hải quan sẽ ấn định, thu đủ thuế và xử lý vi phạm, áp dụng thời hạn nộp thuế, cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Nguyễn Hà

Diễn đàn Doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Để “bàn tay” thị trường điều tiết giá cả (20/06/2011)

>   Hàng chục loại thuốc ngoại tăng giá 10% (20/06/2011)

>   Vì sao cá tra tụt giá? (19/06/2011)

>   Ngành thép: Dư cung vẫn "bội thực" dự án mới (19/06/2011)

>   Siết quản lý hóa đơn hàng nhập khẩu (19/06/2011)

>   Điện, than kêu bế tắc vế vốn (19/06/2011)

>   Ngành thép, áp lực nối tiếp áp lực (18/06/2011)

>   Việt Nam sẽ đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo? (18/06/2011)

>   EVN mua điện của nhà máy đường: “Bán thì bán, không bán thì thôi” (18/06/2011)

>   Thúc đẩy đầu tư ngành dệt (18/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật