Thứ Hai, 20/06/2011 07:32

Để “bàn tay” thị trường điều tiết giá cả

Sự can thiệp bằng các biện pháp hành chính vào giá thị trường thời gian qua rất phổ biến. Chính vì vậy, một trong những mục tiêu hàng đầu của dự thảo Luật Giá tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng dự thảo chưa thoả mãn điều này.

Điều đó đòi hỏi những quy định của Luật Giá phải minh bạch, phù hợp với kinh tế thị trường, với thông lệ quốc tế và điều kiện của VN.

Tách định giá và thẩm định giá

Trong cơ chế thị trường tồn tại hai hình thức định giá và thẩm định giá. Định giá là việc làm của nhà nước áp dụng với một số mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế. Còn lại là công việc của thẩm định giá. Cho tới nay, nước ta có trên 50 Cty thẩm định giá với hàng trăm văn phòng hoặc chi nhánh ở trên cả nước và tất cả hoạt động độc lập theo Luật DN. Ở VN đã có hàng chục Cty thẩm định giá nước ngoài hoạt động, trong đó có 4 Cty thẩm định giá nước ngoài đã tham gia Hội Thẩm định giá VN.

Theo TS Nguyễn Ngọc Tuấn – Chủ tịch Hội Thẩm định giá VN, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính, dự thảo luật vẫn hướng nhiều về các cơ chế hành chính. Theo ông Tuấn, những quy định về thẩm định giá phải được nhìn xa, trông rộng một cách khoa học, khách qua, phù hợp, không thể vì việc định giá ngày càng thu hẹp mà mở rộng thẩm định giá đối với quản lý nhà nước một cách khiên cưỡng, nhằm níu kéo, coi thẩm định giá là biến tướng của định giá.

Cùng quan điểm này, TS Vũ Đình Ánh – Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho rằng, việc thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động thẩm định giá phải bằng xây dựng cơ chế chính sách, luật pháp cho thẩm định giá, đặc biệt là phải đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với những vi phạm của hoạt động thẩm định giá. Ông Ánh đề nghị xoá bỏ quy định về tổ chức thẩm định giá. Vì có tổ chức thẩm định giá tức là Nhà nước lại làm công việc của DN. Theo ông Ánh, Nhà nước cần tạo điều kiện và chuyển giao dần những công việc mang tính nghiệp vụ mà Nhà nước trước mắt còn đang nắm cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp đảm nhận. Dự luật giá cần có những quy định rõ về những việc này, ví dụ giao cho Hội Thẩm định giá VN đảm nhiệm việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức mới hàng năm cho đội ngũ thẩm định viên về giá, tổ chức thi và cấp Thẻ thẩm định viên về giá...

Luật gia Vũ Xuân Tiền - Ủy viên BCH Hội Luật gia Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty tư vấn VFAM VN nhận xét, việc quy định có tổ chức thẩm định giá của Nhà nước là một bước lùi. Bởi lẽ, trước đây, các Trung tâm thẩm định giá - những đơn vị sự nghiệp có thu - đều thuộc Bộ Tài chính, sau đó, theo NĐ101/2005/ NĐ-CP, các trung tâm này đã chuyển thành DN. Đến nay lại “phục hồi” có phải là “lối cũ ta về” và đi ngược lại với chủ trương tăng cường xã hội hóa đối với những dịch vụ công được phép xã hội hóa ?

Phải kiên quyết chống những quy định mang tính bao cấp, xin cho, “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Tức là chúng ta phải kiên định, dứt khoát phát triển mạnh thẩm định giá độc lập, phải tiếp tục thực hiện xã hội hóa hoạt động thẩm định giá. Nhất thiết không được lập lại “thẩm định giá nhà nước”, vì như vậy trái với kinh tế thị trường, trái với xu thế hội nhập và mâu thuẫn với nhiều điều mà luật pháp đã và sẽ quy định - ông Tuấn nhấn mạnh.

Xã hội hoá quỹ bình ổn giá

Để bình ổn giá Nhà nước đang sử dụng ba nhóm công cụ chính. Nhóm thứ nhất là điều hoà cung cầu hàng hoá, dịch vụ sản xuất trong nước, hàng hoá xuất nhập khẩu, hàng hoá giữa các vùng miền. Trong đó bao gồm cả các biện pháp mua vào hoặc bán ra hàng dự trữ quốc gia, kiểm soát hàng tồn kho của DN khi thị trường có biến động bất thường. Thứ nữa là sử dụng các công cụ tài chính, tiền tệ để tác động vào giá. Trong các biện pháp về tài chính có bổ sung biện pháp sử dụng các quỹ bình ổn giá.

Phải kiên định, dứt khoát phát triển mạnh thẩm định giá độc lập, phải tiếp tục thực hiện xã hội hóa hoạt động thẩm định giá.

Nhóm biện pháp thứ ba là định giá trực tiếp khi giá thị trường có biến động bất thường đối với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá... Tuy nhiên, chỉ áp dụng khi cần thiết đối với hàng hoá, dịch vụ cần thiết và trong điều kiện thật sự cấp thiết. Khi tình hình thị trường đã bình thường, Nhà nước phải dỡ bỏ ngay.

Theo ông Cao Đăng Vinh - Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp, Điều 13 dự thảo luật quy định các biện pháp bình ổn giá như đăng ký giá, kê khai giá, công khai thông tin về giá, kiểm soát các yếu tố hình thành giá... Các biện pháp này được áp dụng khi giá hàng hóa, dịch vụ cụ thể hoặc khi toàn bộ mặt bằng giá có biến động bất thường. Trong khi đó, theo thiết kế của dự thảo luật thì các biện pháp này cũng được áp dụng trong điều kiện bình thường, không có biến động bất thường về giá. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu để làm rõ có gì khác nhau khi áp dụng các biện pháp này. Việc thành lập quỹ bình ổn giá chỉ nên thành lập hạn chế đối với một số hàng hoá, dịch vụ thiết yếu đối với sản xuất và tiêu dùng. Thực tế hiện nay tại các quốc gia phát triển, quỹ bình ổn giá thường do các DN, hiệp hội DN đóng góp, với mục tiêu hạn chế rủi ro cho DN, cho thị trường khi có biến động bất thường. Tuy nhiên theo ông Ánh, ở VN lại đang đứng trước thực trạng bùng phát các quỹ bình ổn. Và thực tế thì các quỹ bình ổn giá đều do các cơ quan nhà nước đứng ra quản lý, điều tiết.

Thiết nghĩ, mục tiêu hàng đầu của dự thảo luật giá là tạo hành lang pháp lý để thị trường tự điều tiết. Đó mới là điều Ban soạn thảo cần lưu tâm.

TS Nguyễn Minh Phong - Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội :

Các bên đều phải bình quyền về giá

Người tiêu dùng là người có liên quan quyền lợi quan trọng nhất và cuối cùng trong các hoạt động về giá. Vì vậy, trong dự thảo luật cần bổ sung những quy định cần thiết có liên quan đến quyền khiếu nại, tố cáo, cũng như quyền tiếp cận thông tin và đòi hỏi giải trình về giá của người tiêu dùng đối với các hoạt động hình thành, thẩm định và quản lý giá của những đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, quyền này phải được thực hiện đối với giá hàng hóa và dịch vụ thuộc diện nhà nước định giá, bình ổn hoặc có tính độc quyền. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo mới chỉ nhặt nhạnh những quy định về bình ổn của các văn bản pháp luật cũ mà chưa phát triển thành luật. Theo tôi, cần làm rõ nguyên tắc và cơ chế sử dụng từng biện pháp bình ổn giá, nhất là việc hình thành và sử dụng các quỹ bình ổn giá, biện pháp bình ổn giá. Những quy định về quỹ bình ổn giá cũng phải thật rõ ràng. Quỹ bình ổn giá được thành lập trên những nguyên tắc nào? Nguồn vốn được huy động ra sao?...

Mặt khác, trong cơ chế thị trường, thẩm định giá là một yêu cầu vô cùng cần thiết. Chúng ta cần mở rộng các hoạt động thẩm định giá với nhiều mặt hàng hơn nữa. Dự thảo luật cần làm rõ nguyên tắc tính giá cho từng nhóm hàng hóa, dịch vụ đặc thù, đặc biệt là nhóm bất động sản (bao gồm cả quyền sử dụng đất cho các loại dự án), cũng như hàng hóa có tính độc quyền khác. Đây sẽ là những căn cứ pháp lý cho Chính phủ quy định hướng dẫn cụ thể các phương pháp tính giá cụ thể, chứ không nên “khoán trắng” và “làm khó” cho Chính phủ trong hoạt động rất quan trọng và có tính nhạy cảm xã hội cao này.

Bá Tú

diễn đàn doanh nghiệp 

Các tin tức khác

>   Hàng chục loại thuốc ngoại tăng giá 10% (20/06/2011)

>   Vì sao cá tra tụt giá? (19/06/2011)

>   Ngành thép: Dư cung vẫn "bội thực" dự án mới (19/06/2011)

>   Siết quản lý hóa đơn hàng nhập khẩu (19/06/2011)

>   Điện, than kêu bế tắc vế vốn (19/06/2011)

>   Ngành thép, áp lực nối tiếp áp lực (18/06/2011)

>   Việt Nam sẽ đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo? (18/06/2011)

>   EVN mua điện của nhà máy đường: “Bán thì bán, không bán thì thôi” (18/06/2011)

>   Thúc đẩy đầu tư ngành dệt (18/06/2011)

>   Đổi mới mô hình xuất khẩu (18/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật