Thứ Tư, 15/06/2011 15:20

Lách room bằng cổ phiếu không có quyền biểu quyết: Không khả thi

Sau đề nghị nới "room" cổ phiếu ngân hàng, mới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) lại đề xuất với cơ quan quản lý xây dựng cơ chế cho phép NĐT nước ngoài được mua cổ phiếu phổ thông không có quyền biểu quyết (non voting shares- NVS). Tuy nhiên, đề xuất này đang được một số ý kiến cho là rất… không khả thi.

VAFI: NVS giải quyết vấn đề kỹ thuật về "room"

VAFI dẫn chứng trong số khoảng 100 DN mà NĐT nước ngoài thường xuyên giao dịch, đã có một số DN hết room, một bộ phận chuẩn bị hết "room". Trong số này có các mã như VNM (Vinamilk) là loại cổ phiếu được khối ngoại đặc biệt ưa chuộng, nhưng cơ hội mua thêm đã hết, do chạm ngưỡng giới hạn 49%. Mặt khác, qua nghiên cứu hoạt động của các NĐT gián tiếp nước ngoài, VAFI nhận thấy, đa phần các công ty quản lý quỹ nước ngoài, tổ chức môi giới chứng khoán toàn cầu, ngân hàng đầu tư chưa thiết lập văn phòng đại diện hay chi nhánh tại Việt Nam. Họ hầu như không tham dự ĐHCĐ tại các DN niêm yết.

Với các NĐT nước ngoài đang hiện diện tại Việt Nam, VAFI cho rằng, nhiều tổ chức trong số này cũng không coi trọng vấn đề phải tuyệt đối nắm giữ cổ phần phổ thông có quyền biểu quyết trong mọi trường hợp. Lý do, họ đầu tư vào nhiều công ty và tỷ trọng vốn trong từng DN là không nhiều.

Xuất phát từ tình hình thực tiễn cộng với tham khảo kinh nghiệm quốc tế, VAFI cho rằng, cần xây dựng cơ chế cho phép NĐT gián tiếp được mua cổ phần phổ thông không có quyền biểu quyết tại các DN đã hết "room", nhằm tăng tính thanh khoản cho các cổ phiếu này. Đồng thời, tạo điều kiện cho DN được dễ dàng huy động vốn thông qua phát hành NVS.

Những vấn đề phát sinh

Tính đến ngày 14/6, trong số hơn 670 mã niêm yết trên hai sàn, số cổ phiếu NĐT nước ngoài sở hữu kín "room" không nhiều. 98% số cổ phiếu đang hở "room" mà khối ngoại có thể lựa chọn mua trực tiếp trên sàn thay vì lựa chọn NVS.

Phần còn lại, hai mã nổi bật được khối ngoại khá quan tâm là VNM và ACB (NĐT nước ngoài sở hữu kín "room" 30%). Với cổ phiếu VNM, 10,7 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành riêng lẻ vừa qua đã được khối ngoại mua cao hơn giá thị trường 30% đủ nói lên sự yêu thích. Thế nhưng, hiện tại, Nhà nước đang sở hữu 47,6% cổ phần tại Vinamilk, cộng với sự sở hữu của khối ngoại, lượng cổ phiếu VNM trôi nổi trên thị trường chỉ vào khoảng 3,4%. Với một trong các DN niêm yết đang hoạt động hiệu quả nhất, khả năng Nhà nước thoái vốn là không lớn.

Về mặt giải pháp, các công ty hoạt động tốt như Vinamilk (VNM) đủ sức phát hành NVS cho NĐT nước ngoài qua các đợt phát hành riêng lẻ. Tuy nhiên, ở đây sẽ phát sinh một số vấn đề. Đầu tiên "room" mới cho NĐT nước ngoài bao nhiêu cho đủ? Thêm nữa, dù đôi khi bị nhìn nhận thiên về góc độ hành chính, nhưng thiết tưởng cũng nên nhắc lại "room" hiện nay là một cơ chế phòng vệ giúp DN và các cổ đông khỏi sự lũng đoạn, thôn tính từ bên ngoài. Với một thị trường còn sơ khai như TTCK Việt Nam, liệu ai dám chắc dù không có quyền biểu quyết, nhưng bằng cách này hay cách khác, các cổ đông đặc biệt này không gây áp lực lên DN hay thông qua các cổ đông khác? Và nếu thị trường sữa trong nước mất đi "đối trọng" Vinamilk, liệu thị trường Việt Nam có bị các hãng sữa nước ngoài lũng đoạn giá? Tương tự câu hỏi này với khối ngân hàng thương mại niêm yết. Cùng với viễn thông, đây là 2 lĩnh vực Việt Nam đấu tranh bền bỉ nhất khi đàm phán gia nhập WTO để giữ được tỷ lệ room 30%, bởi đây là những ngành liên quan đến vấn đề an ninh và huyết mạch của cả nền kinh tế.

Ông Richard Huỳnh Minh, Phó tổng giám đốc CTCK Bản Việt (VCSC) cho rằng, TTCK Việt Nam nên nghiên cứu và đưa vào sử dụng có chọn lọc các sản phẩm tài chính mới. Theo ông Minh, NVS thực chất là một loại cổ phiếu dù không có quyền biểu quyết, nhưng nhận ưu đãi về cổ tức so với cổ phiếu phổ thông. Các DN đầu ngành mới có thể phát hành NVS và muốn thành công cũng phải "đánh đổi" như dành cho người mua ưu đãi về cổ tức.

Còn ông Marc Djandji, Trưởng bộ phận phân tích VCSC bình luận rằng, sau khi chuyền tải thành công câu chuyện về sự tăng trưởng ra bên ngoài, Việt Nam đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, từ năm 2008 tới nay, tình hình đã xoay chuyển. Trên bề nổi, xét về mặt định giá, các chỉ số P/E, P/B cho thấy, hiện tại cổ phiếu Việt đang khá hấp dẫn. Tuy nhiên, với NĐT nước ngoài, nếu chiết khấu cả biến động tỷ giá dự báo trong tương lai, thì cổ phiếu chưa đến mức rất rẻ. Theo ông Marc, trong một thị trường ưu thế thuộc về người mua, phần lớn các DN Việt Nam hiện tại không có nhiều ưu thế để ra điều kiện.

Giang Thanh

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Sửa Nghị định 85: Lách luật sẽ bị phạt nặng (13/06/2011)

>   Dự thảo quy chế về ký quỹ: Chặt và thoáng (13/06/2011)

>   Bước ngoặt mới trên TTCK từ tháng 7 (13/06/2011)

>   Tăng mức phạt đối với vi phạm trên thị trường chứng khoán (12/06/2011)

>   Hỗ trợ TTCK: Cần giải pháp hỗ trợ căn cơ hơn (13/06/2011)

>   Ông Nguyễn Sơn: Quy định chặt điều kiện mua bán cùng phiên để tránh thao túng giá (13/06/2011)

>   Phó Chủ tịch UBCK: Sẽ thực hiện margin thận trọng (11/06/2011)

>   Margin: Không nên bó chặt vào một tỷ lệ (11/06/2011)

>   HOSE: Điều chỉnh giá trần-sàn của cổ phiếu và chứng chỉ quỹ (10/06/2011)

>   Thu thuế CTCK: Giơ cao nhưng nên đánh khẽ! (10/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật