Thứ Tư, 22/06/2011 08:11

Doanh nghiệp xuất khẩu chấp nhận giảm lợi nhuận

Doanh số tăng, nhưng lợi nhuận giảm đang diễn ra phổ biến ở các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may.

“Năm 2010, lãi chia cho cổ đông được 15%, nhưng với tình hình hiện nay, dù doanh thu vẫn đạt mức tăng trưởng 20% thì lợi nhuận cũng chỉ còn bằng một nửa so với năm ngoái nên các cổ đông chắc phải chịu mức chia lãi giảm còn chừng 7 – 8%,” ông Ngô Trung Kiên, chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần may Sài Gòn 2 chia sẻ.

Ông Phạm Xuân Hồng, phó chủ tịch hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) tại khu vực TP.HCM cho biết: “Từ thực tiễn kinh doanh ở các doanh nghiệp, nếu loại bỏ yếu tố giá tăng khoảng 15 – 20%, lợi nhuận của nhà sản xuất vốn đã thấp, chỉ ở mức 5 – 7% năm trước, nay chỉ còn khoảng 3 – 4%, có nơi chỉ hơn 1% do chi phí nhân công và lãi vay”.

Cố xoay trở, lợi nhuận vẫn giảm

Ông Phạm Xuân Hồng đưa ra ví dụ cụ thể, may một chiếc quần jeans bán (tức FOB) giá 200.000 đồng, năm ngoái lãi được 10.000 đồng đã thuộc vào mức lợi nhuận thấp trên thế giới, năm nay chỉ còn lãi được 5.000 đồng. Những doanh nghiệp cố gắng xoay xở thì còn giữ được chút “lãi còm”, đơn vị nào vẫn theo cách cũ thì đang bị đẩy đến bờ vực nguy hiểm, có thể phải đóng cửa.

Mức lãi cụ thể, theo ông Phan Văn Kiệt (may Việt Tiến), lãi làm hàng FOB vẫn chỉ khoảng 3 – 5%/giá bán, lãi làm gia công chỉ khoảng 5 – 7%/giá gia công. Ông Kiệt nói: “Phần lãi này đem bù vào chi phí tăng lương và sản xuất thì nhà kinh doanh chỉ còn được phần lãi rất nhỏ”.

Với may gia công, ông Lê Quang Hùng, chủ tịch hội đồng quản trị công ty may Garmex Sài Gòn cho biết, lãi ít hay nhiều phụ thuộc vào phụ liệu từ làm hàng FOB. Theo ông Hùng, trường hợp bị chỉ định mua nguyên phụ liệu từ các nhà cung cấp khác, doanh nghiệp khéo tiết kiệm, mới lãi được 5% nguyên phụ liệu dôi dư. Nếu biết thương lượng để được quyền tự tìm nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, phần lãi có thể đến 10%.

Ông Hùng cho biết thêm, ở Garmex Sài Gòn, có thể tăng doanh thu nhờ dịch vụ phát triển mẫu. Khi khách mua gửi mẫu phác thảo qua mail, công ty sẽ triển khai chi tiết cho sản phẩm với các kích cỡ, phối màu, chất liệu vải, nguyên liệu… Là doanh nghiệp có 3.000 công nhân, có kinh nghiệm, nên doanh nghiệp của ông Hùng có thể cung cấp dịch vụ tư vấn phát triển năng suất, hệ thống quản lý sản xuất, hệ thống trách nhiệm xã hội… cho các đơn vị khác cùng ngành tại Việt Nam.

Nỗ lực của các doanh nghiệp như thay đổi cách quản lý, tận dụng lợi thế quy mô ở các đơn hàng FOB, thể hiện qua mức tăng doanh thu bình quân trên mỗi công nhân. Trong trường hợp Garmex Sài Gòn, từ mức 7 – 8 USD/người/ngày năm 2010 lên 14 USD/người/ngày vào đầu quý 2/2011 này. Mức tăng như vậy, theo ông Hùng, lãi của công ty Garmex Sài Gòn cũng xấp xỉ 4%. Theo ông Hùng, lợi nhuận năm ngoái đạt 50 tỉ đồng, thì sáu tháng đầu năm mới đạt 15,5 tỉ đồng, trong khi doanh thu năm 2010 là 630 tỉ đồng. Không tiết lộ doanh thu sáu tháng, ông Hùng chỉ cho biết kế hoạch doanh thu cả năm dự kiến là 700 tỉ đồng. Với doanh thu bình quân gần 17 USD/người/ngày, loại cao nhất trong ngành dệt may, lợi nhuận của may Việt Tiến, theo ông Kiệt, thấp hơn năm ngoái cho dù doanh thu vẫn tăng.

Giữ lao động ổn định

Ông Lê Quang Hùng, cho biết, trong cơ cấu giá thành may gia công, lương công nhân chiếm 65%. Lương công nhân ngành may, theo ông Hồng, tăng thêm khoảng 20 – 30% so với năm trước. Ở Garmex Sài Gòn, lương tháng bình quân mỗi công nhân năm nay là 5 triệu đồng, tăng 26%. Còn 27.000 công nhân may Việt Tiến trong năm nay được điều chỉnh lương lên mức trung bình 5,5 – 6 triệu đồng mỗi tháng, tăng 22% so với cuối năm ngoái. Không ít doanh nghiệp như Garmex Sài Gòn, hàng tháng trợ cấp tiền xăng cho người lao động ở xa hoặc có thêm trợ cấp tăng giá 200.000 đồng mỗi người. Còn ông Phan Văn Kiệt, phó tổng giám đốc công ty may Việt Tiến thì cho biết: “Có tăng lương mới giữ được đời sống ổn định cho công nhân trong bối cảnh giá cả thị trường liên tiếp theo thang. Giữ được công nhân, ổn định sản xuất mới có thể tính đến tăng sản lượng, tăng năng suất...”.

Theo ông Phạm Xuân Hồng: “Cả trăm công ty sản xuất hàng dệt may đang chấp nhận giảm lãi, thậm chí sản xuất không lợi nhuận để đảm bảo đời sống cho công nhân của mình. Vì giữ nguồn lao động ổn định, công ty mới tồn tại được”. Cũng theo ông Hồng, muốn phát triển bền vững phải giảm lợi nhuận để giữ nhân lực.

Lấy ví dụ tại công ty may Sài Gòn 3, nơi ông Hồng đang làm tổng giám đốc, lương công nhân trong hai quý đầu năm 2011 là 5 triệu đồng/tháng, dự kiến trong hai quý cuối năm nay là 5,5 triệu/tháng (tăng khoảng 20% so với tháng 6 năm ngoái). Để đảm bảo cho chất lượng bữa ăn, thay vì thuê đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp bên ngoài, ông Hồng đầu tư chi phí xây dựng nhà bếp, cắt cử người trong công ty tự nấu để mỗi phần ăn không bị mất đi vài ngàn cho các khoản chi khác.

Bích Thủy

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   Vasep: Giữa quý 3 sẽ thiếu hụt nguyên liệu cá tra xuất khẩu (22/06/2011)

>   Đề xuất lập trung tâm khai thác, chế biến sâu titan (21/06/2011)

>   Xuất khẩu dệt may hướng đích 13 tỷ USD (21/06/2011)

>   Hãng tàu nước ngoài thuê tàu trong nước vận chuyển nội địa (21/06/2011)

>   Quyết liệt 'chặt chém' tay trái của tập đoàn (21/06/2011)

>   Xây dựng đường dây 220KV Vũng Áng- Hà Tĩnh (21/06/2011)

>   “Khó thuyết phục nếu tiếp tục tăng giá điện” (21/06/2011)

>   Sẽ bùng phát nạn tranh mua nguyên liệu tôm? (21/06/2011)

>   Khó như mua bán điện với nhà 'đèn' (21/06/2011)

>   Bộ Công thương đề xuất áp giá điện khác nhau cho từng vùng (21/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật