Quyết liệt 'chặt chém' tay trái của tập đoàn
Theo Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính, tuy cơ quan quản lý đã yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước rút vốn đầu tư khỏi ngành nghề không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính, nhưng không được chấp hành nghiêm túc.
Với dự thảo nghị định quản lý, sử dụng vốn và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp có vốn Nhà nước mà Bộ Tài chính đang xây dựng, Chính phủ sẽ hạn chế việc các tập đoàn, tổng công ty “xé rào” đầu tư ngoài ngành vào các lĩnh vực rủi ro cao như chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản….
Giảm 50% vốn đầu tư ngoài ngành
Một số doanh nghiệp “xé rào” cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên do yếu tố khách quan. Bà Phạm Nguyên Hạnh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam, thừa nhận, tập đoàn có đầu tư vào Ngân hàng Á Châu nhưng chưa thể thoái vốn do thị trường tài chính, chứng khoán không thuận lợi. Nếu cơ quan quản lý buộc các doanh nghiệp thoái vốn vào thời điểm hiện nay, thì dẫn đến thua lỗ, không đảm bảo được yêu cầu bảo toàn vốn.
Với lập luận trên, việc xử lý các tập đoàn, tổng công ty đầu tư trái ngành dường như đi vào… ngõ cụt! Để không lặp lại tình trạng tương tự trong thời gian tới, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến cho biết, Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về quản lý, sử dụng vốn và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Theo đó, sẽ quy định tỷ lệ vốn đầu tư ra ngoài của các doanh nghiệp này giảm còn 15% tổng nguồn vốn đầu tư so với tỷ lệ hiện nay là 30%.
Tăng giám sát tài chính
Ngoài ra, Bộ Tài chính xác định, cần ban hành quy chế giám sát tài chính cho doanh nghiệp do Nhà nước là chủ sở hữu, để việc thực hiện cơ chế giám sát tập trung, hiệu quả hơn. Đối với doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, cơ quan quản lý sẽ giám sát thông qua người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và theo quy định của Luật Doanh nghiệp, điều lệ và quy chế tài chính của doanh nghiệp. Cơ chế giám sát áp dụng cho cả doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước.
Theo nhận định của ông Tiến, công tác giám sát tài chính các tập đoàn, tổng công ty còn nhiều hạn chế. Cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp là các bộ, UBND cấp tỉnh... mới tập trung phân loại, đánh giá xếp loại doanh nghiệp theo “A, B, C” làm cơ sở trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi, mà chưa chú trọng giám sát “sức khoẻ” tài chính. Do đó, một số doanh nghiệp vi phạm trong quản lý vốn và tài sản Nhà nước nhưng chưa được phát hiện và có biện pháp chấn chỉnh. Việc giám sát doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ chưa có kết quả, nên thua lỗ kéo dài, lỗ luỹ kế gia tăng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết thêm, bộ này đang nghiên cứu đưa ra các quy định theo hướng nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong chấp hành các quy định đối với việc quản lý và sử dụng vốn, tài sản. Giúp các chủ sở hữu DN và cơ quan quản lý về tài chính DN kịp thời phát hiện yếu kém trong quá trình hoạt động kinh doanh, để có cảnh báo và đề ra biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Đặc biệt, Chính phủ sẽ tăng cường chế tài xử lý cụ thể đối với ban lãnh đạo doanh nghiệp, chủ sở hữu và cơ quan quản lý khi vi phạm, hoặc không hoàn thành nhiệm vụ giám sát tài chính doanh nghiệp.
Thanh Vân
đất việt
|