Đánh thuế không phải là giải pháp hay
Đề xuất áp dụng mức thuế xuất khẩu 3% đối với phôi thép và các sản phẩm thép của Bộ Tài chính đang được xem xét lại theo yêu cầu của Chính phủ. Có lẽ, đằng sau đề xuất trên, các cơ quan quản lý nhà nước muốn hạn chế bớt nhịp độ phát triển của ngành thép, nhằm góp phần giảm bớt gánh nặng đáp ứng nhu cầu năng lượng của Việt Nam. Nhưng hạn chế bằng cách đánh thuế xuất khẩu thì không phải giải pháp hay, thậm chí là lợi bất cập hại.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã cấp phép cho hàng loạt dự án luyện cán thép của các nhà đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đến hàng chục tỉ đô la Mỹ. Việc này không chỉ gây lo ngại cho các công ty thép trong nước, trong bối cảnh năng lực sản xuất của toàn ngành đã vượt quá xa so với nhu cầu nội địa, mà còn tạo ra áp lực lớn lên ngành năng lượng, vốn trong tình trạng thiếu hụt triền miên, nhất là điện năng.
Đến cuối năm 2010, tổng công suất của ngành thép Việt Nam đã lên đến trên 15,5 triệu tấn, kể cả phôi thép, trong khi tổng mức tiêu thụ của thị trường chỉ khoảng 9,25 triệu tấn. Trong đó, năng lực sản xuất ống thép hiện gấp gần ba lần so với sức tiêu thụ của thị trường. Ngay như phôi thép, mới vài năm trước còn phải nhập khẩu số lượng lớn, thì nay cung cũng đã vượt cầu đến 33%. Vì vậy, các dự án luyện cán thép lớn mới được cấp phép trong những năm gần đây chủ yếu là hướng đến thị trường xuất khẩu.
Nhưng trong bối cảnh Việt Nam phải nhập gần như tất cả, từ máy móc thiết bị đến nguyên liệu là quặng sắt, sắt vụn và than cốc, thậm chí đến điện cũng phải mua thêm của Trung Quốc, thì phần giá trị gia tăng mang lại từ xuất khẩu sản phẩm thép liệu có đủ bù đắp cho những gánh nặng về năng lượng và môi trường hay không? Câu trả lời đã khá rõ ràng. Vì thế, hạn chế nhịp độ tăng trưởng của ngành thép, nhất là với sản phẩm thép thông thường dùng trong xây dựng, là rất cần thiết. Nhưng hạn chế bằng cách đánh thuế xuất khẩu thì không phải giải pháp hay, thậm chí là lợi bất cập hại.
Trước hết, cách làm này sẽ tạo ra cái nhìn thiếu tích cực từ các nhà đầu tư nước ngoài, liên quan đến tính nhất quán cũng như sự minh bạch của môi trường pháp lý. Hơn nữa, việc cấp phép tràn lan cho các dự án luyện cán thép lớn là lỗi của các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương. Ngành thép đã có quy hoạch, nhưng chính các tỉnh, thành phố đã không tuân thủ quy hoạch, dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa quá lớn như hiện nay.
Tiếp đến, việc đánh thuế xuất khẩu, tuy là đánh vào các nhà sản xuất thép, nhưng chính người tiêu dùng trong nước sẽ phải trả giá gián tiếp. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện các nhà máy thép trong nước bình quân chỉ vận hành được khoảng 60% công suất thiết kế. Ngay lĩnh vực sản xuất phôi, công suất huy động cũng chỉ đạt 75%. Riêng ngành hàng ống thép, mức khai thác thấp đến tệ hại, chỉ khoảng 35%. Tình trạng các nhà máy chỉ có thể vận hành một phần nhỏ năng lực sản xuất, làm cho sản phẩm phải gánh chịu mức khấu hao gần gấp đôi, dẫn đến giá thành và giá bán sản phẩm tăng vọt. Trước mắt, giải pháp duy nhất cho tình trạng dư thừa này là xuất khẩu và chỉ có tăng mạnh xuất khẩu, thì người tiêu dùng trong nước mới có hy vọng được mua thép với giá dễ thở hơn.
Lâu nay, ngành thép chủ yếu sống nhờ vào thị trường nội địa. Việc xuất khẩu chỉ mới chập chững trong vài năm trở lại đây. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2010 Việt Nam xuất khẩu được 1,42 triệu tấn thép, trị giá 1,17 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, hầu hết là thép tấm với 920.000 tấn, chủ yếu do Công ty Posco của Hàn Quốc thực hiện. Còn xuất khẩu thép cán của doanh nghiệp trong nước chỉ có 140.000 tấn. Ở thị trường nước ngoài thép của Việt Nam rất khó cạnh tranh với các đối thủ đến từ Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc có lợi thế được miễn gần như hoàn toàn thuế giá trị gia tăng đối với thép xuất khẩu, nên sản phẩm của họ có giá rất cạnh tranh. Nếu doanh nghiệp thép Việt Nam còn phải gánh thêm 3% thuế xuất khẩu, e rằng cánh cửa ra nước ngoài sẽ bị đóng chặt.
Nếu không đánh thuế xuất khẩu thì vẫn còn nhiều giải pháp khác mà Việt Nam có thể áp dụng để mang lại kết quả như mong đợi, thậm chí còn tốt hơn. Trước hết là cần xem xét tăng giá bán điện dùng trong sản xuất thép. Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Thép Việt Nam thẳng thắn đề nghị: “Chính phủ sớm cho ngành điện tính đủ giá thành theo cơ chế thị trường, để góp phần thúc đẩy các công ty trong ngành thép cải tiến thiết bị và công nghệ, giảm tiêu hao điện năng và giảm giá thành, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm thép ở thị trường trong nước và thế giới”. Đồng thời, một giải pháp căn cơ khác là tuân thủ chặt chẽ quy hoạch phát triển của ngành thép. Đây là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Ngoài ra, cũng nên xem xét kiến nghị của những nhà sản xuất thép trong nước, nên hạn chế thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản phẩm này, để dành cơ hội cho ngành thép nội địa phát triển.
Tấn Đức
tbktsg
|