Chủ Nhật, 26/06/2011 21:05

Đàm phán Doha tiếp tục bị chia rẽ trầm trọng

Tại phiên họp Ủy ban đàm phán Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 22/6, các thành viên chủ chốt vòng đàm phán Doha tiếp tục bị chia rẽ trầm trọng về những nội dung có thể thỏa thuận tại Hội nghị Bộ trưởng WTO dự kiến được tổ chức vào cuối năm nay.

Theo Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác ở Geneva (Thụy Sỹ), các nước kém phát triển (LDC), một số nền kinh tế nhỏ, và các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi tại phiên họp này đã kêu gọi một hiệp định tối thiểu tập trung vào ưu đãi cho khối các nước LDC, trong đó có việc miễn thuế cho hàng xuất khẩu của các nước này.

Brazil ủng hộ đề xuất, nhưng tỏ ý muốn thảo luận thêm vấn đề hạn chế trợ cấp xuất khẩu trong nông nghiệp.

Một số nền kinh tế mở đang phát triển, bao gồm Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và một số nước Nam Mỹ, ủng hộ nội dung LDC đồng thời yêu cầu xem xét thêm hiệp định thuận lợi hóa thương mại, và cơ chế giám sát đối xử đặc biệt cho các nước đang phát triển.

Các nước phát triển như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Australia và Canada tuy không phản đối ưu đãi cho khối LDC nhưng lại đề nghị mở rộng thỏa thuận sang các lĩnh vực khác như cắt giảm trợ cấp đánh bắt thủy sản, tự do hóa hàng hóa môi trường.

Mỹ và EU đi xa hơn khi muốn các thành viên cam kết không tăng mức thuế áp dụng hiện tại. Bản thân các nước phát triển cũng chia rẽ khi Nhật Bản, Hàn Quốc, và phần nào là cả EU đều phản đối nội dung trợ cấp thủy sản do Mỹ đề xuất.

Theo Tổng Giám đốc WTO Pasca Lamy, do mỗi nước đều có lợi ích riêng, việc đạt thỏa thuận mở rộng ở mức độ cao dường như bất khả thi.

Ngay cả một thỏa thuận tối thiểu với nội hàm LDC cũng không dễ dàng do nhiều nước muốn gắn việc kết thúc nội dung này vào các vấn đề khác đang còn tranh cãi. Trước mắt, các nước sẽ tiếp tục thảo luận từ nay đến hết tháng 7 để tìm cách thống nhất nội dung gói cam kết.

Có nhận xét cho rằng tình hình vòng đàm phán Doha hiện nay như một con tàu sắp đắm và một số bên bắt đầu cố gắng giành giật chút nào hay chút đó. Tuy nhiên, tình trạng này càng đẩy nhanh tốc độ đắm của con tàu.

Nếu vòng đàm phán Doha đổ vỡ, đây sẽ là đòn mạnh giáng vào tiến trình toàn cầu hóa, do WTO có cơ chế tài phán và được xem là tổ chức hữu hiệu hơn cả trong việc bảo đảm thực thi các thỏa thuận đa phương.

Cũng tại phiên họp, Trung Quốc thể hiện tầm ảnh hưởng ngày càng tăng đối với các nước nghèo khi khẳng định nước này đã trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất, chiếm tới 23% lượng xuất khẩu của khối LDC.

Giai đoạn 2004-2009, xuất khẩu của các nước LDC sang Trung Quốc tăng bình quân 24%/năm. 60% số mặt hàng của khối LDC được Trung Quốc miễn thuế nhập khẩu và Trung Quốc sẵn sàng mở rộng phạm vi miễn thuế lên 95%./.

Lê Thanh

Vietnam +

Các tin tức khác

>   Tranh chấp bản quyền giữa Nokia và Apple : Ăn vụng phải biết chùi mép ! (26/06/2011)

>   Bloomberg muốn xóa sổ CNBC (24/06/2011)

>   WTO: Những rào cản thương mại toàn cầu tăng lên (24/06/2011)

>   Xuất khẩu châu Á gặp khó vì Mỹ và châu Âu (22/06/2011)

>   Lợi nhuận Toyota trượt dốc, tại sao? (21/06/2011)

>   Nhập siêu đe dọa kinh tế Nhật Bản (20/06/2011)

>   Nhật kiện Canada phân biệt đối xử với hàng hóa (20/06/2011)

>   Những thành phố đắt đỏ nhất hành tinh (19/06/2011)

>   Nhà đầu tư ngoại 'đổ bộ' vào bất động sản Mỹ (17/06/2011)

>   Thị trường địa ốc Mỹ sụt giảm hơn cả thời Đại suy thoái (17/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật