Những thành phố đắt đỏ nhất hành tinh
Hãng tư vấn nguồn nhân lực ECA International mới đây đã công bố kết quả xếp hạng các thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Dẫn đầu top 10 là thủ đô Tokyo của Nhật Bản, một trong những trung tâm tài chính trên toàn cầu.Cuộc khảo sát được ECA International thực hiện tại 400 thành phố và khu vực trên khắp thế giới, trên cơ sở các hoạt động chi tiêu mua sắm bằng USD của lao động nước ngoài tại thành phố/vùng đó, bao gồm chi mua lương thực, quần áo và hàng điện tử.
ECA cho hay, bảng xếp hạng này không tính chi phí nhà ở và trường học. Các đồng tiền đang tăng giá đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa tới kết quả khảo sát của năm nay, giúp một số thành phố được nâng hạng đắt đỏ. Dưới đây là 10 thành phố có phí sinh hoạt cao nhất hành tinh (từ dưới lên).
10. Bern, Thụy Sỹ
Mức giá cao hơn so với trung bình thế giới: 4,4%
Giá ăn trưa nhanh: 28,8 USD/bữa
Giá bia tại quán bar: 7,46 USD/cốc
Giá gạo: 4,7 USD/kg
Giá trứng: 8,4 USD/tá (12 quả)
Giá vé xem phim: 19,1 USD/chiếc
Thủ đô của Thụy Sỹ là "ngôi nhà" của nhiều công ty hàng đầu ở nước này, như Rolex, Toblerone, Swisscom và tập đoàn Swatch, cũng như là nơi đặt chi nhánh của nhiều doanh nghiệp Mỹ, như eBay, Cisco và Ingram Micro. Xung quanh thành phố là đồi núi và những bờ sông dốc đứng với nhiều cây cối. Thành phố Bern được UNESCO công nhận là một trong những địa điểm mang phong cách đặc trưng thời Trung cổ ở châu Âu, với những mái vòm, vòi phun trên đường phố và những ngọn tháp.
9. Kobe, Nhật Bản
Mức giá cao hơn so với trung bình thế giới: 8,3%
Giá ăn trưa nhanh: 15,6 USD/bữa
Giá bia tại quán bar: 8,69 USD/cốc
Giá gạo: 9,3 USD/kg
Giá trứng: 3,1 USD/tá
Giá vé xem phim: 20,8 USD/chiếc
Kobe là trung tâm hành chính của tỉnh Hyogo và cũng là một trong những cảng biển chính ở Nhật Bản. Hiện Kobe nằm trong 3 tam giác kinh tế du lịch văn hóa của vùng Kansai: Osaka - Kobe - Kyoto. Thành phố này là một trong những cảng container bận rộn nhất của Nhật Bản. Đây cũng là "quê hương" của món thịt bò Kobe nổi tiếng. Nhật Bản hiện vẫn là quốc gia đắt đỏ nhất đối với lao động nước ngoài chi tiêu bằng USD. Đây là hậu quả của việc đồng Yên tăng giá mạnh trong hơn 6 tháng qua, cũng như sự lên giá của hàng loạt hàng hóa và dịch vụ.
8. Geneva, Thụy Sỹ
Mức giá cao hơn so với mức trung bình thế giới: 9,8%
Giá ăn trưa nhanh: 33,7 USD/bữa
Giá bia tại quán bar: 9,12 USD/cốc
Giá gạo: 4,7 USD/kg
Giá trứng: 8,6 USD/tá
Giá vé xem phim: 19,2 USD/chiếc
Thành phố được coi là trung tâm ngoại giao của thế giới, Geneva là "nhà" của nhiều tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cũng như Tổ chức Thương mại Thế giới, Hội Chữ thập đỏ và Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Thành phố đẹp như tranh vẽ này có rất nhiều công viên. Thuỵ Sĩ chia làm các khu vực ngôn ngữ khác nhau như Đức, Pháp, Italy. Geneve thuộc khu vực Pháp ngữ nên mang đậm phong cách lãng mạn của nước Pháp. Công viên Geneve là một công viên điển hình mang phong cách Pháp.
7. Luanda, Angola
Mức giá cao hơn so với mức trung bình thế giới: 10,6%
Giá ăn trưa nhanh: 52,4 USD/bữa
Giá bia tại quán bar: 6,62 USD/cốc
Giá gạo: 4,6 USD/kg
Giá trứng: 5,2 USD/tá
Giá vé xem phim: 13,9 USD/chiếc
Thủ đô của Angola được coi là cửa ngõ của nhiều công ty đa quốc gia muốn kiếm lời từ nguồn dự trữ năng lượng phong phú của quốc gia này. Angola cũng giàu các loại hàng hóa khác, như cà phê xuất khẩu, kim cương, đường, sắt và muối. Nhưng cuộc nội chiến kéo dài suốt ba thập niên đã phá hủy hạ tầng của Luanda, đẩy bật chi phí hàng hóa dịch vụ. Từ cắt tóc cho tới các bữa ăn nhanh, không có dịch vụ nào được coi là có mức giá rẻ ở thành phố này.
6. Zurich, Thụy Sỹ
Mức giá cao hơn so với trung bình thế giới: 11,5%
Giá ăn trưa nhanh: 32,9 USD/bữa
Giá bia tại quán bar: 10,54 USD/cốc
Giá gạo: 3,7 USD/kg
Giá trứng: 7,9 USD/tá
Giá vé xem phim: 19,6 USD/chiếc
Bất chấp mức thuế thấp, thành phố lớn nhất Thụy Sỹ này vẫn đứng hàng thứ 5 về chi phí đắt đỏ nhất đối với người nhập cư. Lý do chính là bởi đồng franc Thụy Sỹ tăng giá quá nhanh. Năm ngoái, đồng tiền này đã tăng giá 27% so với USD. Zurich là "căn cứ" của nhiều tổ chức tài chính hàng đầu, như Credit Suisse, Julius Baer và UBS. Ngoài vai trò là một trung tâm tài chính châu Âu, thành phố này còn nổi tiếng với các hãng đồng hồ và nhà sản xuất sôcôla, như Lindt & Sprüngli.
5. Yokohama, Nhật Bản
Mức giá cao hơn so với trung bình thế giới: 14,9%
Giá ăn trưa nhanh: 16,9 USD/bữa
Giá bia tại quán bar: 6,59 USD/cốc
Giá gạo: 4,2 USD/kg
Giá trứng: 2,5 USD/tá
Giá vé xem phim: 21,7 USD/chiếc
Là thành phố lớn thứ hai của Nhật Bản, Yokohama hiện là trung tâm thương mại lớn của khu vực xung quanh thủ đô Tokyo. Thành phố cảng này có một cơ sở kinh tế mạnh mẽ, đặc biệt là về các ngành công nghiệp công nghệ sinh học, bán dẫn và đóng tàu. Hãng xe Nissan và hãng bán dẫn Fujitsu đã chuyển trụ sở của họ tới thành phố này. Yokohama cũng là một trung tâm nghệ thuật. Thành phố sẽ đăng cai một chương trình nghệ thuật từ tháng 8 - 12 năm nay, với sự tham dự của các nghệ sỹ từ khắp thế giới.
4. Stavanger, Nauy
Mức giá cao hơn so với trung bình thế giới: 15,5%
Giá ăn trưa nhanh: 32,3 USD/bữa
Giá bia tại quán bar: 12,83 USD/cốc
Giá gạo: 5,7 USD/kg
Giá trứng: 6,8 USD/tá
Giá vé xem phim: 17,3 USD/chiếc
Việc phát hiện dầu mỏ tại Biển Bắc trong thập niên 1960 đã đưa nơi đây trở thành "thủ phủ" dầu khí của Nauy. Hơn 50 công ty năng lượng có văn phòng ở Stavanger, đưa thành phố này trở thành nhà của hàng trăm người nhập cư làm việc trong ngành dầu khí. Tuy nhiên, chi phí thực phẩm và giao thông cao đã đưa Stavanger lên vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng này. Giá thực phẩm ở Nauy hiện cao hơn khoảng 50% so với mức trung bình ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Trong đó, thịt, đường và ngũ cốc là những sản phẩm có giá đắt nhất.
3. Nagoya, Nhật Bản
Mức giá cao hơn so với trung bình thế giới: 20,5%
Giá ăn trưa nhanh: 19 USD/bữa
Giá bia tại quán bar: 11,37 USD/cốc
Giá gạo: 8,5 USD/kg
Giá trứng: 3,6 USD/tá
Giá vé xem phim: 21,8 USD/chiếc
Được biết đến như là một vùng năng động nhất ở Nhật Bản, thành phố Nagoya nằm cách Tokyo khoảng 266 km về phía tây. Đây là trung tâm của hầu hết các hãng sản xuất của Nhật Bản, nơi sản xuất một phần lớn các linh kiện xe hơi và máy bay của xứ sở hoa anh đào. Một số hãng xe Nhật Bản có trụ sở đặt tại Nagoya, như Toyota và Honda. Điều may mắn là, các nhà máy này không bị ảnh hưởng bởi thảm họa động đất và sóng thần hôm 11/3.
2. Oslo, Nauy
Mức giá cao hơn so với trung bình thế giới: 27,1%
Giá ăn trưa nhanh: 45,2 USD/bữa
Giá bia tại quán bar: 13,18 USD/cốc
Giá gạo: 6,1 USD/kg
Giá trứng: 8,5 USD/tá
Giá vé xem phim: 18,8 USD/chiếc
6 năm qua, Oslo liên tục là thành phố đắt đỏ thứ hai đối với người nhập cư, là do sự tăng giá của đồng Kroner. Đồng tiền này đã tăng giá 16% so với USD trong năm ngoái. Trung tâm thương mại này của Nauy là "nhà" của các hãng đóng tàu lớn nhất thế giới, các hãng buôn bán và bảo hiểm tàu biển. Thành phố này cũng tự hào nhờ có một trong những hệ thống tàu ngầm rộng rãi và hiệu quả nhất thế giới, cùng hệ thống xe điện thân thiện với môi trường.
1. Tokyo, Nhật Bản
Mức giá cao hơn so với trung bình thế giới: 35,3%
Giá ăn trưa nhanh: 20,8 USD/bữa
Giá bia tại quán bar: 10,56 USD/cốc
Giá gạo: 9,8 USD/kg
Giá trứng: 4,5 USD/tá
Giá vé xem phim: 23,8 USD/chiếc
Tokyo là thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Vé xem phim tại đây có giá lên gần 24 USD/chiếc, còn cước taxi trung bình là 8 USD. Với tư cách là một trung tâm tài chính toàn cầu, Tokyo là nơi đặt trụ sở của nhiều ngân hàng đầu tư, hãng bảo hiểm lớn nhất thế giới. Thủ đô của xứ hoa anh đào còn là một trong những thành phố xanh nhất thế giới. Bất chấp dân số của Tokyo lên hơn 8 triệu người, nhưng lượng khí thải carbon dioxide ở đây thuộc hàng thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hồng Ngọc
TBKTVN
|