Cổ phiếu FDI lép vế toàn phần
Từ ngày 17/6, cổ phiếu CYC của Công ty cổ phần Gạch men Chang Yih đã bị tạm ngừng giao dịch trên sàn TP.HCM.
Động thái này càng khiến cho bức tranh của các cổ phiếu doanh nghiệp FDI niêm yết trên sàn chứng khoán thêm ảm đạm.
Lý do khiến cho CYC phải tạm dừng giao dịch là do công ty này bị thua lỗ trong hai năm liên tiếp.
Trước đó, cổ phiếu CYC giao dịch trên sàn với giá rất “bèo”. Từ đầu tháng 4/2011, cổ phiếu CYC chỉ dao động quanh mốc 4.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, đây không phải là cổ phiếu có diễn biến tồi tệ nhất so với các cổ phiếu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang niêm yết. Chẳng hạn, cổ phiếu FPC của Công ty cổ phần Full Power sau khi được giao dịch trở lại (dưới dạng cổ phiếu bị kiểm soát), thì giá cổ phiếu thậm chí chỉ còn bằng… 1 chén nước chè! Trong phiên giao dịch ngày 31/5 giá một cổ phiếu này chỉ là 2.200 đồng. Trước đó, cổ phiếu FPC cũng chỉ loanh quanh ở mức 3.000 đồng/cổ phiếu.
Một số cổ phiếu doanh nghiệp FDI khác dù vẫn giao dịch bình thường, nhưng giá giao dịch thì cũng không hơn gì mấy so với 2 cổ phiếu trên. Cổ phiếu TYA của Công ty cổ phần Dây và Cáp điện Taya đã từng xuống mức giá thấp kỷ lục là 3.700 đồng/cổ phiếu trong tháng 5; cổ phiếu KMR của Công ty cổ phần Mirae trong thời điểm cuối tháng 5, cũng chỉ ở mức dưới 5.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng sau khi có thông tin công ty này phát hành và niêm yết chứng chỉ lưu ký trên sàn chứng khoán KOSDAQ (Hàn Quốc), thì cổ phiếu KMR mới đạt mức giá 5.500 đồng/cổ phiếu vào phiên 17/6.
Cổ phiếu được cho là khấm khá trong nhóm các doanh nghiệp FDI niêm yết có thể là TCR của Công ty cổ phần Gốm sức Taicera. Hiện thị giá của cổ phiếu này đang đạt mức 7.800 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, thị giá của cổ phiếu TCR sẽ phải điều chỉnh kỹ thuật vào ngày 23/6, vì đó sẽ là ngày giao dịch không hưởng quyền trả cổ tức 2010 của công ty này.
Trong số các cổ phiếu FDI niêm yết, trường hợp như cổ phiếu SBT của Công ty cổ phần Boubon Tây Ninh với thị giá cao hơn mệnh giá có thể coi là những hiện tượng hiếm hoi. Hiện tại, giá giao dịch của SBT đang ở mức 10.500 đồng/cổ phiếu.
Theo một số nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, việc cổ phiếu của các doanh nghiệp FDI luôn rẻ hơn các cổ phiếu cùng ngành trên thị trường là chuyện bình thường và diễn ra trong suốt thời gian dài từ trước đến nay. Lý do của hiện tượng này là do tình hình kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp FDI niêm yết khá lẹt đẹt, khá nhiều doanh nghiệp thua lỗ kéo dài và bị tạm ngừng giao dịch. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư chứng khoán tỏ ra nghi ngờ về nguyên nhân thực sự khiến các doanh nghiệp FDI niêm yết trên thị trường bị thua lỗ triền miên. Đã có khá nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp này lỗ giả, lãi thật do hiện tượng chuyển giá.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI niêm yết cũng có những khó khăn khách quan về tính thanh khoản so với các doanh nghiệp trong nước. Theo đó, các doanh nghiệp này thường có tỷ lệ cổ phần do cổ đông sáng lập nước ngoài nắm giữ khá lớn. Do đó, khi niêm yết trên sàn chứng khoán, số lượng cổ phiếu thực sự có thể giao dịch, chuyển nhượng khá ít, khiến cho thanh khoản của phần lớn các doanh nghiệp FDI đều hạn chế, điều này cũng đã giảm đáng kể sức hấp dẫn của cổ phiếu FDI.
Chí Tín
đầu tư
|