3 nỗi ám ảnh của các nhà đầu tư
Bên cạnh nỗi lo động thái kéo - xả để thoát hàng của các NĐT tổ chức trước thời điểm kết thúc quý II, NĐT còn có 3 nỗi lo khác là nỗi lo hàng giải chấp của CTCK, kết quả kinh doanh thiếu khả quan của các DN niêm yết và lãi suất chưa sớm giảm.
Tuần qua, hai chỉ số chứng khoán Việt Nam đều giảm điểm với thanh khoản tăng khá mạnh. Có nhiều ý kiến xung quanh diễn biến này. Nhiều người cho rằng, đây là một bước lùi kỹ thuật.
Cũng có ý kiến nghi ngờ tính thanh khoản tăng mạnh dù thị trường giảm điểm chính là động thái kéo - xả để thoát hàng của các NĐT tổ chức trước thời điểm kết thúc quý II. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố đó, không thể không kể đến ba yếu tố tác động đến niềm tin của NĐT về một thị trường tăng điểm bền vững, đó là nỗi lo hàng giải chấp của CTCK, kết quả kinh doanh thiếu khả quan của các DN niêm yết và lãi suất chưa sớm giảm.
NĐT hoàn toàn có cơ sở với nỗi lo thứ nhất khi cơn bão giảm giá tháng 4 và tháng 5 đã quét đi thành quả hoạt động từ đầu năm của nhiều CTCK có hoạt động tự doanh. Theo khảo sát sơ bộ của Đầu tư Chứng khoán tại nhiều CTCK, phần lớn công ty bị lỗ trong quý II, số đơn vị có lãi chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu rơi vào trường hợp mới huy động được vốn hoặc không tự doanh. Do đó, NĐT đang đặt câu hỏi, liệu các CTCK có phải bán bớt cổ phiếu tự doanh để bù lỗ? Việc bán cổ phiếu có thể là ưu tiên lựa chọn, bởi trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán là con dao hai lưỡi. Với diễn biến thị trường thiếu sáng sủa và khó đoán như hiện nay, việc cắt lỗ và chờ đợi mua lại cổ phiếu ở mức giá rẻ hơn là lựa chọn không tồi. Nếu điều này xảy ra cùng với yêu cầu giảm tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống 22% vào thời điểm 30/6, lượng cung hàng áp đảo có thể được bung ra.
Trong khi khối CTCK khó khăn thì các DN niêm yết cũng không khả quan hơn. Kết quả kinh doanh quý II thấp là điều NĐT có thể ước đoán khi phần lớn DN niêm yết bắt đầu "ngấm đòn" lãi suất, lạm phát... Trao đổi với nhiều DN, điều dễ nhận thấy nhất là lãi suất ngân hàng là yếu tố chính bào mòn lợi nhuận DN. Sau nửa chặng đường của năm 2011, một số DN đã tính đến việc điều chỉnh giảm chỉ tiêu kinh doanh. Một yếu tố nữa là khi TTCK giảm mạnh, không ít DN niêm yết có hoạt động đầu tư tài chính cũng phải trích lập dự phòng giá trị lớn. Việc trích lập khiến lợi nhuận của khối DN này giảm mạnh, có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của chính DN và lan sang các cổ phiếu khác.
Điều cuối cùng khiến NĐT chưa thể lạc quan là lãi suất chưa thể giảm trong thời gian ngắn. Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, hiện lãi suất cho vay VND bình quân thực tế khoảng 18,74%/năm, tăng 3,4%/năm so với cuối năm 2010. Thừa nhận lãi suất cao gây khó khăn cho DN, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, khi lạm phát bắt đầu giảm, cơ quan này sẽ sử dụng các công cụ, chính sách tiền tệ cần thiết để cố gắng hạ dần lãi suất xuống. Tuy nhiên, vẫn theo ông Giàu, điều đó không đồng nghĩa với việc chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng, bởi Chính phủ đã khẳng định sẽ kiên trì với mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát trong năm nay.
Chưa bao giờ từ "thận trọng" xuất hiện nhiều trong các báo cáo phân tích của CTCK cũng như khuyến nghị đầu tư của các chuyên gia như lúc này. Những nỗi lo có thực ấy cũng khiến dòng tiền trên thị trường ngày càng... nhanh đến, nhanh đi!
Nguyên Thành
đầu tư chứng khoán
|