Thứ Sáu, 24/06/2011 08:31

Chuyện của nhà đầu tư tổ chức

TTCK khó khăn khiến không ít quỹ và tổ chức đầu tư cả trong và ngoài nước thua lỗ. Cùng với những bó buộc và thủ tục báo cáo rườm rà, phức tạp khiến không ít quỹ đầu tư nản lòng với TTCK Việt Nam.

120 triệu USD là khoản lỗ trên sổ sách của Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital kể từ đầu năm 2011 tới nay. Với việc các chỉ số chứng khoán suy giảm mạnh kể từ đầu năm, TTCK Việt Nam đã mất tổng cộng 7 tỷ USD, một con số rất lớn so với quy mô vốn hóa 31,5 tỷ USD vào thời điểm này.

Dragon Capital đã đến với Việt Nam từ hơn 10 năm trước với cam kết đầu tư dài hạn tại Việt Nam. Không chỉ đầu tư, Dragon Capital đã trở nên rất thân thuộc tại thị trường Việt Nam với vai trò một tổ chức chuyên nghiệp, có tinh thần xây dựng TTCK bằng nhiều biện pháp thiết thực. Nhưng các quỹ của Dragon Capital đã bắt đầu gặp khó khăn kể từ năm 2008, năm 2009 tình hình có khả quan hơn, nhưng khó khăn lại tiếp diễn vào năm 2010 và kéo dài sang năm 2011. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên sự khó khăn này cũng như sự thua lỗ của tất cả các thành viên TTCK. Nhưng nếu thực trạng này tiếp diễn, Dragon Capital nói riêng, các quỹ đầu tư nói chung liệu có tiếp tục gắn bó với TTCK Việt Nam không? Đó là một câu hỏi lớn mà cơ quan tổ chức thị trường không thể né bằng quan điểm "để thị trường tự điều tiết".

Năm 2007, TTCK Việt Nam có khoảng 9,4 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, nhưng đến cuối năm 2010, con số này chỉ còn khoảng 7 tỷ USD. Một phần vì thị trường suy giảm (nên giá trị danh mục giảm), một phần vì TTCK hầu như không huy động được dòng vốn mới (thậm chí rút bớt), mặc dù các công ty quản lý quỹ từng rất nỗ lực tiếp thị TTCK Việt Nam tại nước ngoài.

Trao đổi với ĐTCK, tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ nội địa chia sẻ, mô hình quỹ đầu tư tại Việt Nam đang ngày càng bộc lộ sự khắc nghiệt, vì quỹ không có tư cách pháp nhân, làm cái gì cũng phải xin phép và không có bất kỳ sự ưu đãi nào về chính sách để phát triển. Thuế (nếu lãi) vẫn phải nộp như một DN bình thường, trong khi hoạt động kinh doanh của quỹ vừa bó buộc, vừa phải chịu sự giám sát và phải làm các thủ tục báo cáo rườm rà, phức tạp. Vị tổng giám đốc này cho rằng, mô hình quỹ đầu tư đang "chết mòn", nếu cơ quan quản lý không có chính sách thiết thực, cởi trói và hỗ trợ định chế này thì chính ông cũng sẽ tính việc giải thể quỹ, để xây dựng mô hình DN riêng cho "dễ thở".

Trong nhiều báo cáo tổng kết thị trường, Bộ Tài chính, UBCK từng đưa ra mục tiêu thu hút NĐT tổ chức như một cách để gây dựng sự ổn định, bền vững cho TTCK. Tuy nhiên, thực tế, chúng ta đã làm gì để thực hiện mục tiêu này? Theo thống kê, đến đầu tháng 6, toàn thị trường có 1,1 triệu tài khoản, nhưng số tài khoản của NĐT tổ chức chưa tới 1%. Kể từ 1/8/2011, theo Thông tư 74/2011/TT-BTC, mỗi NĐT được mở 1 tài khoản tại 1 CTCK (tức 1 NĐT có thể mở đến 100 tài khoản), nên nhiều khả năng TTCK sẽ có sự bùng nổ về lượng tài khoản mới mở, mà chủ yếu sẽ đến từ việc mở thêm của NĐT cá nhân. Vậy chất lượng dòng tiền thực trong các tài khoản này như thế nào? NĐT tổ chức, nhất là quỹ đầu tư, sẽ đuối dần trong thống kê về mức độ tăng trưởng tài khoản mới mở tại Việt Nam.

Bằng mọi cách giữ và thu hút thêm NĐT tổ chức, đó là một trong 2 mục tiêu chính mà TTCK Thái Lan đã đặt ra và kiên quyết thực hiện trong thời kỳ thị trường khủng hoảng. Tại Việt Nam, chúng ta có giải pháp gì để giữ gìn và phát triển những "hạt giống" trên TTCK như Dragon Capital? Khi những đơn vị đầu đàn này thua lỗ, đó không còn là vấn đề của chính họ, mà là vấn đề chung của toàn thị trường.

Phạm Oanh

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   BĐS và chứng khoán im lặng... đáng ngờ (24/06/2011)

>   24/06: Bản tin 20 giờ qua (24/06/2011)

>   Cẩn trọng lãnh “củ xả” (23/06/2011)

>   UPCoM-Index giảm nhẹ còn 32,41 điểm (23/06/2011)

>   Ngày 23/06: Khối ngoại bán ròng nhẹ trên cả hai sàn (23/06/2011)

>   Thị trường chứng khoán: Nóng và lạnh (23/06/2011)

>   23/06: Bản tin 20 giờ qua (23/06/2011)

>   UPCoM-Index tăng nhẹ lên 32,69 điểm (22/06/2011)

>   Thị trường chứng khoán vẫn đang rất bất ổn (22/06/2011)

>   Ngày 22/06: Khối ngoại tiếp tục đẩy mạnh mua ròng hơn 24 tỷ đồng (22/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật