Thứ Năm, 23/06/2011 22:22

Cẩn trọng lãnh “củ xả”

Từ việc siết đòn bẩy, các CTCK đang có xu hướng chuyển sang nới lỏng. Sự thay đổi này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, đã tạo ra không ít nghi vấn.

Mở trong dè dặt

Đầu tháng 5, các CTCK bắt đầu nâng lãi suất đòn bẩy lên khoảng 27-31%/năm (khoảng 0,075-0,085%/ngày). Từ ngày 12 đến 25-5, VN Index lao dốc 10 phiên liên tiếp, từ 480 điểm xuống 380 điểm, một trong những nguyên nhân chính là áp lực giải chấp.

Nhưng gần đây, mặt bằng lãi suất đòn bẩy lại hạ xuống khoảng 21-25%/năm. CTCK FPT (FPTS) công bố giảm phí tư vấn đầu tư trong các hợp đồng hỗ trợ vốn, cầm cố CK từ 0,085%/ngày xuống còn 0,06%/ngày kể từ ngày 10-6. CTCK VNDirect (VND) giảm lãi suất ứng trước tiền bán và bảo lãnh thanh toán tiền mua từ 0,065%/ngày xuống 0,06%/ngày từ 6-6.

Điều này tạo suy nghĩ các CTCK đang khá xông xênh về tiền bạc nên hạ lãi suất cho vay và như vậy áp lực giải chấp đã kết thúc.

Nhưng khẳng định áp lực giải chấp đã chấm dứt lúc này là quá sớm, khi thị trường mới chỉ trải qua trên dưới 10 phiên giao dịch có thanh khoản trên 1.000 tỷ đồng/phiên. Trong khi áp lực giải chấp ước tính sơ bộ cũng phải lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Trưởng phòng môi giới một CTCK có thế mạnh trong cung cấp đòn bẩy tài chính cho biết: Các CTCK lớn hiện vẫn đủ khả năng cấp đòn bẩy cho NĐT khoảng 50-100 tỷ đồng trong ngắn hạn. Số tiền này một phần có được nhờ nguồn tiền của CTCK, phần khác thu về từ hoạt động giải chấp diễn ra giữa tháng 5.

Trước khi trả về cho ngân hàng, CTCK có thể tìm cách xoay để có lợi nhuận. Tiêu chuẩn được sử dụng đòn bẩy hiện nay rất cao, phải là những khách hàng lâu năm, vốn lớn, không chậm trả nợ với CTCK và phải chọn những CP có thanh khoản cao. Tỷ lệ cấp đòn bẩy hiện nay cũng chỉ dừng ở 1:1 (bỏ 1 vay 1) hoặc 4:6 (bỏ 4 vay 6).

CTCK ra chiêu

Một nhân viên môi giới lâu năm nhận định: Cho dù CTCK có tăng cung, sức cầu với dịch vụ đòn bẩy vẫn còn là ẩn số. Đối với NĐT dài hạn, việc sử dụng đòn bẩy tất nhiên được hạn chế, nhất là khi thị trường chưa có xu hướng rõ ràng. Đối với NĐT ngắn hạn, điều cần nhất là sóng, lãi suất vay không quá quan trọng.

Thí dụ: Đợt rồi PVX (TCTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam) đã có 8 phiên tăng từ 0.9 lên 1.4, tỷ lệ hơn 50%. NĐT sử dụng đòn bẩy với tỷ lệ 1:1 và lãi suất 0,08%/ngày (đây là mức cao) để mua ngay đáy và bán ngay đỉnh thì số lãi vay phải trả chỉ chiếm chưa đến 1% lợi nhuận. Nhìn lại sự sôi động thị trường trong 3 tuần gần nhất, nhiều người sẽ có cảm giác “xài được” đòn bẩy. Nhưng cũng có những nghi ngờ diễn biến của thị trường phần nào đã bị một số CTCK can thiệp.

Đầu tháng 6, xuất hiện tin đồn về việc một số CTCK đã cứu nhau bằng cách đảo hàng giải chấp. Theo đó, một lượng CP giải chấp thay vì xả ra thị trường đã được CTCK thảy qua cho “bạn”, sau đó “bạn” lại thảy về “mình”. Điều này một mặt giúp giảm áp lực giải chấp (giả tạo), nhưng mặt khác lại làm thanh khoản của thị trường tăng lên khiến NĐT bắt đầu mua vào từ từ và xem xét tình hình.

Thí dụ đơn giản, 2 CTCK đảo hàng với nhau 10 triệu CP, chỉ cần mỗi phiên rớt ra ngoài khoảng 500.000 CP, sau 20 phiên có thể đẩy hết hàng ra ngoài. Do vậy hiện tượng CTCK có thế mạnh về tự doanh lại tiến hành hạ lãi suất đòn bẩy thoạt nhìn không có quan hệ gì, nhưng sâu xa lại khác: Muốn tự doanh thị trường phải sôi động, gom vào CP phải có người mua để xả hàng.

Như vậy, phải tiến hành đánh lên, kích thích dòng tiền của NĐT. Đây là một trong những nguyên nhân lý giải nhiều CP kém chất lượng nhưng lại tăng nóng một cách bất thường. Nếu NĐT không tỉnh táo, e rằng lúc nhiều người sử dụng đòn bẩy và tiến hành mua trở lại cũng chính là lúc lãnh phải “củ xả” của CTCK. Cũng cần phải nhắc lại, nguồn thu chính của hầu hết CTCK đều phát xuất từ tự doanh. Giả thiết CTCK siết đòn bẩy, lấy tiền tự doanh, đến lúc cần xả hàng lại mở đòn bẩy rất cần được lưu ý.

Giám đốc tư vấn tài chính một CTCK lớn cho biết: Động tác hạ lãi suất đòn bẩy tạo hiệu ứng tâm lý rất lớn, NĐT thấy hiện tượng này sẽ có suy nghĩ dòng tiền vào thị trường đang thoáng hơn. Nhưng các ngân hàng vẫn đang trong quá trình siết tín dụng khu vực phi sản xuất. CTCK hôm nay nói, nhưng ngay ngày mai có thể siết lại mạnh hơn, như vậy sẽ tạo thêm nhiều cú sốc.

Một lần nữa TTCK lại có dấu hiệu lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng, điều này không hợp lý nếu xem lại chức năng của TTCK là một kênh huy động vốn quan trọng, chia sẻ chức năng với ngân hàng. Điều này cũng gián tiếp làm cho dòng tiền vốn ít ỏi trên thị trường lại dịch chuyển không hợp lý, dẫn đến hệ quả là thị trường thiếu ổn định.

Thái Ca

SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Các tin tức khác

>   UPCoM-Index giảm nhẹ còn 32,41 điểm (23/06/2011)

>   Ngày 23/06: Khối ngoại bán ròng nhẹ trên cả hai sàn (23/06/2011)

>   Thị trường chứng khoán: Nóng và lạnh (23/06/2011)

>   23/06: Bản tin 20 giờ qua (23/06/2011)

>   UPCoM-Index tăng nhẹ lên 32,69 điểm (22/06/2011)

>   Thị trường chứng khoán vẫn đang rất bất ổn (22/06/2011)

>   Ngày 22/06: Khối ngoại tiếp tục đẩy mạnh mua ròng hơn 24 tỷ đồng (22/06/2011)

>   Nghị quyết 11 sẽ giúp TTCK phát triển bền vững (22/06/2011)

>   TTCK: Mở rộng cửa gọi vốn nước ngoài (22/06/2011)

>   22/06: Bản tin 20 giờ qua (22/06/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật