Thị trường chứng khoán: Nóng và lạnh
Công ty cổ phần bảo hiểm BIDV (BIC) đã được Hose cấp phép niêm yết 66 triệu cổ phiếu và nhiều khả năng BIC sẽ chính thức chào sàn trong tháng 7-2011. Ngân hàng Quân đội (MBB) sau nhiều lần cân nhắc cũng đã quyết định sẽ lên sàn trong quí 3. Động lực chính khiến các doanh nghiệp bỏ lại sau lưng sự ngần ngại chứng khoán vẫn chưa qua khỏi cơn thoái trào kéo dài từ năm 2008, để niêm yết có lẽ do nhìn nhận về kinh tế vĩ mô đã có phần nào không còn quá bi quan như trước.
Tỷ giá đã ổn, thị trường vàng đã lặng sóng, lãi suất đang ở chặng đầu của con đường đi xuống. Và trên hết giá cổ phiếu các doanh nghiệp bảo hiểm – ngân hàng đã ngừng rơi từ khoảng ba tháng nay. Cổ phiếu VCB, CTG, ACB, EIB, STB đang được tích lũy một cách đều đặn, nhẫn nại đến mức ngay cả trong những phiên thị trường “đỏ lửa” các cổ phiếu ngân hàng vẫn hầu như không rớt khỏi giá tham chiếu.
Trong khi giới tài chính đã không thể dõi theo một cách chi tiết kết quả cắt giảm đầu tư công và hiệu quả của nó đến đâu, thì họ có thể nhìn thấy hàng ngày diễn biến của lãi suất thị trường mở, liên ngân hàng, lãi suất tiết kiệm của các tổ chức tín dụng. Trạng thái thừa vốn tiền đồng ngắn hạn như một “căn bệnh” đang lây lan những nốt đầu tiên trong các ngân hàng. Sài Gòn Công thương ngân hàng – một trong số ít những ngân hàng không thỏa thuận lãi suất tiền gửi với khách hàng - vốn huy động chỉ có hạn mà bây giờ cũng dư vốn đến mức sẵn sàng cho vay qua đêm liên ngân hàng. Nhiều ngân hàng cổ phần lớn hạn mức tăng trưởng tín dụng tính theo số tuyệt đối chỉ còn 4.000 – 5.000 tỉ đồng là hết. Đầu ra không có, trong khi đầu vào tăng (cho dù có chậm so với cùng kỳ) do lãi suất tiền đồng vẫn còn hấp dẫn, thừa vốn là điều không tránh khỏi. Lãi suất giảm là chuyện tất yếu.
Thị trường mở những ngày này tương đối vắng vì với lãi suất 15%/năm cho kỳ hạn 7 ngày, các ngân hàng không còn ham mang trái phiếu lên giao dịch. Thế nên Ngân hàng Nhà nước toàn hút ròng tiền về. Những ngân hàng giàu kinh nghiệm bắt đầu lo khi thấy tín dụng bị chặn lại mà tổng phương tiện thanh toán đang có những bước “phát triển vượt bậc”. Năm tháng đầu năm, theo Thống đốc NHNN, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 1,7% so với cuối năm ngoái. Vậy mà mười ngày đầu tháng 6-2011 đã tăng vọt thêm 0,6% nữa. Cứ với đà này, mức tăng của tổng phương tiện thanh toán trong tháng 6 sẽ khoảng 1,8%, một tháng bằng hơn 5 tháng cộng lại, hèn gì mà cán cân cung cầu vốn lập tức thay đổi. Hiện tại người ta không còn tính toán lãi suất có giảm không, mà là giảm với tốc độ nào. Không khéo hiện trạng lãi suất quá nóng do giảm nhiệt nhanh sẽ trở nên lạnh. Và hậu quả của những cơn nóng lạnh đột ngột dễ khiến không ít đối tượng cảm cúm.
Chứng khoán dường như chưa thật sự cảm nhận được những biến đổi ngấm ngầm trên thị trường tiền tệ trên bình diện chung. Chứng khoán còn những vấn đề riêng phải giải quyết. Trước hết là thanh tra NHNN đang làm việc quyết liệt với các ngân hàng về hoạt động ủy thác đầu tư cho các công ty chứng khoán. Tuần trước đã có kết quả về số vốn đầu tư chứng khoán lên tới hơn 42.000 tỉ đồng ở 19 ngân hàng. Tuần này còn số ngân hàng được kiểm tra đã lên tới 37 và chắc chắn số tiền đầu tư chứng khoán sẽ lớn hơn nhiều. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết có ngân hàng cho vay và ủy thác đầu tư tăng tới 150% so với cuối năm ngoái. Có ngân hàng dư nợ phi sản xuất bằng 50% tổng dư nợ, trong đó cho vay chứng khoán tăng rất mạnh. Tín dụng cho chứng khoán sẽ bị xiết chặt hơn từ đầu tháng 10 tới đây khi dự thảo thay thế Thông tư 13 đã được hoàn tất và đang lấy ý kiến các bộ, ngành, công luận.
Hải Lý
tbktsg
|