TTCK: Mở rộng cửa gọi vốn nước ngoài
Thị trường chứng khoán đang chờ đợi những tín hiệu vĩ mô tích cực để cửa gọi vốn nước ngoài có cơ hội mở rộng hơn.
Ông Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX - sàn HNX) cho hay, đầu tuần này, Hanshin Engineering & Construction Co., LTD (Hàn Quốc) đã chuyển khoản 8 triệu USD tiền đặt cọc cho PetroVietnam (PVN) để mua 25 triệu cổ phiếu PVX (PVN giảm tỷ lệ sở hữu tại PVX).
Thông tin tích cực với thị trường ở chỗ, cổ phiếu phía nước ngoài mua giá 25.000 đồng/CP, trong khi thị giá PVX trên sàn hiện chỉ 13.500 đồng/CP. Ông Thanh cho biết thêm, trong tuần này, Huyndai và Kumhoo sẽ bàn thảo để mua 30% vốn của PVX trong đợt tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng, thực hiện trong năm 2011.
Giá cổ phiếu PVX ngay phiên sáng qua (21/6) đã tăng trần, khối lượng mua tăng vọt, đạt mức cao nhất sàn Hà Nội. Như vậy, không hẳn thông tin tích cực từ doanh nghiệp bị thị trường thờ ơ.
Các tập đoàn nước ngoài sẵn sàng đổ vốn vào PVX, theo lời ông Thanh, bởi họ muốn có sự hiện diện trong lĩnh vực xây lắp dầu khí và công nghiệp Việt Nam, tham gia những dự án quy mô lớn của tổng công ty này như Tháp dầu khí 79 tầng, Khu công nghiệp Soài Rạp, các nhà máy điện...
Rõ ràng, không phải doanh nghiệp nào cũng dễ tìm được đối tác nước ngoài như vậy. Hơn nữa, PVX còn có thuận lợi khi là thành viên của PVN, được hỗ trợ trong triển khai dự án, nhất là được quyền chỉ định thầu nhiều dự án lớn. Hội nghị xúc tiến đầu tư "Partnership with Petro Vietnam" do PVN phối hợp với Phòng Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc được tổ chức mới đây tại Seoul, Hàn Quốc. Tại hội nghị này, PVN đã giới thiệu 18 dự án trong các lĩnh vực cần kêu gọi đầu tư nước ngoài như sản xuất điện, cảng biển, bất động sản, đầu tư tài chính. Không ít doanh nghiệp dầu khí đã tìm được đối tác qua sự kiện này.
Song không phải doanh nghiệp nào cũng có thuận lợi như thế, mặc dù nhu cầu tìm kiếm đối tác nước ngoài của nhiều doanh nghiệp là rất lớn. Chủ tịch HĐQT một tổng công ty lớn cho hay, giờ phải tính phát hành cổ phiếu cho đối tác nước ngoài mới mong thành công và có thặng dư, chứ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu... oải lắm. Tâm lý đó đã được nhiều ông chủ CTCK nắm bắt.
Tổng giám đốc một CTCK đầu tuần này thông báo, anh không còn làm CTCK nữa. Công ty anh vừa có tổng giám đốc mới, vốn là giám đốc đầu tư một quỹ nước ngoài. Sự thay đổi này nhằm phát triển mạnh mảng tư vấn tài chính doanh nghiệp, trong đó hướng đến những thương vụ M&A, những cuộc gọi vốn nước ngoài về cho doanh nghiệp Việt Nam, mảng dịch vụ có vẻ triển vọng nhất trong các hoạt động của CTCK hiện nay. Sự thích ứng trên không hẳn không có cơ sở, khi giới chuyên gia nhận định rằng, trong những năm tới đây, chính sách tiền tệ của Việt Nam khó có thể bung ra mạnh mẽ như những năm trước.
Doanh nghiệp và TTCK đều đang tự vận động để tìm ra một lối đi thích hợp. Tuy nhiên, một tập đoàn Hàn Quốc dự kiến mua cổ phần của CTCK Việt Nam và hai bên đã ký biên bản ghi nhớ, phía nước ngoài đã vào khảo sát thực tế tại CTCK và hoàn tất bản đánh giá, nhưng từ đó đến nay, họ không trả lời là rút hay không, mà cứ lặng lẽ, không ý kiến. Viễn cảnh thị trường tài chính Việt Nam khiến ngay những nhà đầu tư nước ngoài cũng rụt rè. Thị trường đang chờ đợi những tín hiệu vĩ mô tích cực để cửa gọi vốn nước ngoài có cơ hội mở rộng hơn.
Phong Lan
đầu tư chứng khoán
|