Chi phí cho các loại chứng nhận cá tra quá tốn kém
Đó là thông điệp được ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhắc lại tại Hội thảo Chứng nhận và phát triển bền vững cá tra diễn ra ở TP.HCM ngày 27-6.
Ông Dũng cũng cho hay hiện có năm trại nuôi cá tra của một số công ty đang đợi được cấp chứng nhận của Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản (gọi tắt là ASC).
Ông Dũng cho biết cách đây 20 năm, từ một loài cá chỉ phục vụ trong bữa ăn của người nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long, nay cá tra có kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 1,5 tỉ USD. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh đặt ra cho sản xuất cá tra nhiều thách thức: giá lên xuống thất thường, chất lượng chưa bảo đảm, chi phí sản xuất tăng mạnh…
Ông Peter Hamaker, Tổng Giám đốc Công ty Mayonna B.V - doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản lớn tại Hà Lan, cho hay thời gian qua, phần lớn các bài báo quốc tế viết về cá tra mang hơi hướng giật gân và hoàn toàn không có lợi cho loài cá này. Ông Peter kể một trường hợp có hoàn cảnh tương tự cá tra là con lươn. Tại Hà Lan, con lươn được nuôi hàng trăm năm nay và đem lại thu nhập cao cho người dân bản xứ. Tuy nhiên, chỉ vì chiến dịch tẩy chay của một tổ chức phi chính phủ với danh nghĩa bảo vệ môi trường, nhiều DN chế biến lươn phải phá sản và hàng ngàn người mất việc làm.
Vấn đề cá tra áp dụng tiêu chuẩn ASC được nhiều đại biểu quan tâm. Ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghề cá Việt Nam, cho hay hiện thủy sản xuất khẩu qua châu Âu phải có tới 23 giấy chứng nhận. Chưa kể lô hàng phải kiểm tra tới 193 chất, chi phí lên tới 19 triệu đồng. “Quy trình kiểm tra đã quá khắt khe như vậy thì có cần thiết phải có thêm chứng nhận ASC nữa hay không?” - ông Cương đặt câu hỏi.
Ông Jose R. Villalon, đại diện WWF của Mỹ, cho biết nếu áp dụng ASC, chi phí thức ăn cho cá tra sẽ tăng thêm 15%-20% so với trước. Từ đây, ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cafatex (Hậu Giang), đặt vấn đề chi phí sản xuất tăng lên nhưng không ai bảo đảm người nuôi sẽ được bù đắp chi phí bỏ ra. Ngoài ra, hiện các thị trường như Mỹ, Nhật, châu Âu đều đòi một quy chuẩn chất lượng riêng và gây khó cho DN.
Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng cho biết sẽ đề xuất “liên thông” các tiêu chuẩn nhằm gỡ khó cho người nuôi, DN trong việc phải đáp ứng quá nhiều yêu cầu chất lượng từ thị trường. “Ví dụ, chứng nhận ASC có nhiều điểm giống với Global GAP. Vậy DN đã có Global GAP, giờ muốn có ASC thì chỉ phải xây dựng thêm điểm khác biệt giữa hai chứng nhận” - ông Thắng cho hay.
Trung Hiếu
pháp luật tphcm
|