Chủ Nhật, 15/05/2011 11:22

“Vốn liếng” vẫn còn nhiều

Những biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội đã được triển khai khá quyết liệt trong hơn hai tháng qua. Một vài báo cáo cho rằng các chính sách này bước đầu đã đem lại kết quả tích cực. Tác giả bài viết thử nhìn lại kết quả trong thực tế và bàn xem, với chính sách tiền tệ, liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể làm gì trong thời gian tới.

Chống lạm phát: chưa có chuyển biến từ chính sách tài khóa

Nghị quyết 11 của Chính phủ đã nêu rõ cần phải thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách. Những chỉ tiêu cụ thể được đưa ra là tăng thu ngân sách 7-8% so với dự toán năm 2011, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên, giảm bội chi ngân sách Nhà nước xuống dưới 5% GDP…

Qua hơn hai tháng triển khai, con số đầu tư công có thể cắt giảm được theo công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là khoảng 97.000 tỉ đồng, tuy nhiên trên thực tế cắt giảm được bao nhiêu còn chưa biết được. Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, bốn tháng đầu năm 2011, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tăng 18% so với cùng kỳ năm 2010, trong đó vốn trung ương quản lý tăng 9,8%, vốn địa phương quản lý tăng 20,3%.

Bội chi ngân sách chỉ trong quí 1-2011 đã là 11.465 tỉ đồng, lên đến 2,6% GDP. Trong khi đó, mức thu ngân sách đến ngày 15-4-2011 đạt 31,9% dự toán cả năm và vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn thu từ dầu thô (chiếm 38,5%).

Với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, tốc độ tăng trưởng GDP quí 1-2011 chỉ đạt 5,43% (thấp hơn mức 5,84% của quí 1-2010) thì không biết mục tiêu tăng thu ngân sách 7-8% so với dự toán sẽ lấy từ đâu. Hơn nữa, nếu có tăng bao nhiêu mà thu rồi tiêu hết (vì ngân sách vẫn bội chi) thì hiệu quả cũng bằng không! Với tình hình này, gánh nặng sẽ lại oằn vai NHNN và trăm dâu lại đổ đầu… các tổ chức tín dụng (TCTD) mà thôi.

Chính sách tiền tệ: Thống đốc “làm không kịp thở”, chỉ bình ổn được tỷ giá

Nói một cách công bằng, việc bình ổn được tỷ giá có lẽ là thành quả duy nhất tính đến thời điểm này của những biện pháp được cho là khá toàn diện của Chính phủ nói chung và của NHNN nói riêng sau sự ra đời của Nghị quyết 11 và Chỉ thị 01 của NHNN. Những mối lo khác vẫn còn nguyên, thậm chí còn diễn biến theo chiều hướng xấu hơn trong thời gian qua. Lạm phát bốn tháng đã lên đến 9,64% so với đầu năm và 17,51% so với cùng kỳ năm trước. Mức lạm phát của tháng 4-2011 lên mức kỷ lục trong vòng ba năm qua kể từ con số 3,91% của tháng 5-2008.

Ở khía cạnh khác, thâm hụt thương mại vẫn ở mức cao, 4,89 tỉ đô la Mỹ và chiếm 18,15% kim ngạch xuất khẩu, riêng nhập siêu của tháng 4-2011 đạt mức cao nhất từ đầu năm, 1,4 tỉ đô la Mỹ. Nền kinh tế Việt Nam vẫn quá phụ thuộc vào Trung Quốc và ASEAN khi nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 24,8%, nhập khẩu từ ASEAN tăng 41,2%. Kết quả này dẫn đến thâm hụt thương mại so với hai thị trường này lần lượt lên đến 4 tỉ và 2,6 tỉ đô la Mỹ trong bốn tháng đầu năm. Kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng cần kiểm soát (rau quả, bánh kẹo, sản phẩm từ thép, đá quý, kim loại quý…) tăng 23,2%, của nhóm hàng cần hạn chế (ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ, xe máy nguyên chiếc…) tăng 17,4% so với tháng 3-2011.

Đối với tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ sau đợt điều chỉnh giảm giá tiền đồng 9,3% vào ngày 11-2-2011, tỷ giá mua bán đô la Mỹ đã đi vào ổn định, thậm chí trong hai tuần qua, tiền đồng đã tăng giá khoảng gần 2% so với đô la Mỹ. Niềm tin vào tiền đồng đang dần trở lại. Ghi nhận từ hệ thống ngân hàng, những tuần qua nguồn cung ngoại tệ đã trở nên dồi dào. Như vậy, quy định mới về cho vay ngoại tệ theo định hướng chuyển từ giao dịch cho vay sang mua bán và quy định về trần lãi suất đô la Mỹ 3% mới đây của NHNN đã có tác dụng tích cực, xem như là điểm sáng hiếm hoi của chính sách kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô ở thời điểm hiện nay.

Dư địa vẫn còn

Không thể phủ nhận rằng NHNN đã triển khai Nghị quyết 11 một cách đồng bộ và khá quyết liệt. Hàng loạt các quy định từ hạn mức tăng trưởng tín dụng, trần lãi suất huy động tiền đồng và đô la Mỹ, quy định tỷ lệ dư nợ cho vay phi sản xuất cho đến nâng dự trữ bắt buộc đô la Mỹ và ban hành quy định mới về cho vay ngoại tệ. Tuy vậy, như đã phân tích, chỉ mỗi tỷ giá được bình ổn. Trong tình hình này, NHNN liệu có thể làm gì tiếp theo?

Thứ nhất, đối với tỷ giá. Tác động của tỷ giá vào lạm phát ở Việt Nam vẫn chưa có một nghiên cứu chính thức, đây là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, hai tác động chủ yếu nhất của tỷ giá lên lạm phát đã được chỉ ra ở một số nghiên cứu của nước ngoài: (1) tỷ giá tăng làm cho giá hàng hóa nhập khẩu đắt đỏ hơn, đẩy giá hàng hóa trong nước tăng lên và (2) tỷ giá tăng sẽ hỗ trợ xuất khẩu, điều này làm tăng giá các mặt hàng trong nước phục vụ trực tiếp và gián tiếp cho xuất khẩu. Như vậy, các giải pháp hỗ trợ tiền đồng của NHNN thời gian qua đã có vai trò nhất định trong việc kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tiền đồng tăng giá như trong 10 ngày qua có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng xuất khẩu, nguy cơ tiếp tục gia tăng nhập khẩu sẽ làm nặng nề thêm thâm hụt thương mại hay không? Câu trả lời là không đáng lo bởi số liệu thực tế cho thấy thâm hụt thương mại của Việt Nam những năm qua gần như không có mối liên hệ nào với tỷ giá. Thâm hụt thương mại vẫn triền miên dù tiền đồng liên tục mất giá, không chỉ với đô la Mỹ mà với đồng tiền của hầu hết những nước/khu vực có quan hệ mậu dịch lớn với Việt Nam.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ tiền đồng, bao gồm cả việc phát hành trái phiếu chính phủ với mức lãi suất phù hợp là những biện pháp mà NHNN có thể thực hiện nhằm bình ổn tỷ giá, góp phần hạn chế lạm phát trong thời gian tới.

Thứ hai, với tăng trưởng tín dụng. Năm 2008, tăng trưởng tín dụng khoảng 22%, thấp hơn hạn mức đề ra (30%). Trong khi đó, nếu năm nay NHNN không giới hạn mức tăng trưởng tín dụng 20%, con số này chắc chắn sẽ bị bỏ xa. Sự khác nhau này xuất phát từ việc năm 2008, bên cạnh việc đặt ra hạn mức tăng trưởng thì NHNN đã sử dụng hai biện pháp rất mạnh (bao gồm phát hành tín phiếu bắt buộc có tổng trị giá 20.300 tỉ đồng và nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc lên thêm 1% kể từ kỳ dự trữ tháng 2-2008), khiến đà tín dụng chững lại, các ngân hàng muốn tăng cũng không có tiền để cho vay.

Còn năm 2011 này, dù có hạn mức cả năm nhưng từng tháng không bị giới hạn, điều này khiến tỷ lệ tăng trưởng tín dụng quí 1-2011 đạt 3,67% (bốn tháng đầu năm 2011 tăng 5,29%), còn cao hơn con số 3,34% của cùng kỳ năm trước. Hơn nữa, việc giới hạn tỷ lệ dư nợ cho vay phi sản xuất trong tổng dư nợ còn đang khiến các TCTD đẩy mạnh cho vay trong thời gian này để nhanh chóng đưa tỷ lệ nói trên về mức quy định nhằm tránh biện pháp chế tài được cho là nghiêm khắc đang đón chờ.

Vì vậy, có thể nói rằng đến thời điểm này việc hạn chế cung tiền qua kênh tín dụng ngân hàng vẫn chưa phát huy tác dụng. Và thực tế, tại các ngân hàng thời gian qua, trở ngại của đầu ra là lãi suất cho vay quá cao cùng sự mất cân đối kỳ hạn huy động nên không thể cho vay các kỳ hạn dài chứ không phải vì hạn mức 20% đến tận 31-12-2011. Nước xa đã không cứu được lửa gần.

Những ngày qua, việc chuyển dịch tiền gửi từ đô la Mỹ và vàng sang tiền đồng là khá rõ. Lãi suất huy động tiền đồng có dấu hiệu dịu bớt. Dự báo trong thời gian tới, thanh khoản tiền đồng sẽ tiếp tục được cải thiện và có thể lãi suất huy động, cho vay sẽ giảm, đó là những cơ sở để NHNN có thể mạnh tay hơn trong thời gian tới. Như vậy, đối với việc hãm đà tăng trưởng tín dụng, dư địa vẫn vẹn nguyên trong tay NHNN.

Thứ ba, hạn chế nhập siêu, nhập các mặt hàng không khuyến khích. Số liệu quí 1 và cả bốn tháng đầu năm 2011 vẫn phủ một màu tối về tình hình nhập khẩu, trong đó nổi cộm là tình hình nhập khẩu các mặt hàng cần hạn chế, hàng xa xỉ. Hết quí 1, hàng xa xỉ nhập khẩu chiếm 40% giá trị nhập siêu, còn tính luôn cả các mặt hàng cần kiểm soát nhập khẩu thì con số này lên 60%. Ô tô xịn, điện thoại đắt tiền, mỹ phẩm, rượu ngoại... vẫn ồ ạt đổ về Việt Nam.

Thực tế trên cho thấy giải pháp kêu gọi các tập đoàn, tổng công ty sử dụng hàng trong nước, tăng thuế nhập khẩu hay chỉ thị của NHNN về việc hạn chế nguồn cung ngoại tệ cho các nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu, hàng trong nước sản xuất được đã không có hiệu quả. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi nền kinh tế phải vận động theo những quy luật của thị trường chứ không phụ thuộc vào những lời kêu gọi suông theo kiểu ưu tiên cái này, hạn chế cái kia, ban hành một danh sách các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu rồi... bỏ đó.

Thiết nghĩ, đối với việc hạn chế nhập khẩu các mặt hàng này nên giao cho NHNN giữ vai trò chủ đạo, khi mà các biện pháp tăng thuế hay kêu gọi đã không hạn chế được những chiếc siêu xe lên máy bay về Việt Nam, không hạn chế được những đêm tắm bằng rượu ngoại ở các vũ trường, không hạn chế được một bộ phận dân Việt sở hữu những chiếc túi xách có giá trị bằng cả chiếc ô tô... bởi hầu hết việc nhập khẩu này đều qua hệ thống ngân hàng mà NHNN là cơ quan quản lý.

Quy định một tỷ lệ tối đa trong tổng dư nợ cho vay ngoại tệ hoặc tỷ lệ tối đa trong tổng doanh số bán ngoại tệ cho khách hàng để nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu, hàng thiết yếu đã sản xuất được và hàng xa xỉ là một giải pháp mà NHNN có thể tính tới. Cùng với đó là công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện của các TCTD và những chế tài nghiêm khắc. Điều này sẽ có tác dụng hạn chế việc nhập khẩu các mặt hàng này khi các nhà nhập khẩu thiếu sự hỗ trợ, phải chuyển sang sử dụng chủ yếu vốn tự có. Những đồng ngoại tệ quý giá phải được sử dụng một cách cẩn trọng và hữu ích nhất.

Tóm lại, sẽ hơi vội vàng nếu ở thời điểm này mà đánh giá hiệu quả của những biện pháp NHNN và các bộ ngành, địa phương đã và đang triển khai bởi có độ trễ chính sách. Dẫu vậy, nếu thời gian tới, các giải pháp này vẫn chưa mang lại hiệu quả thì với chính sách tiền tệ, “vốn liếng” vẫn còn nhiều và việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô xem ra vẫn phải trông nhiều vào những quyết sách của NHNN.

Số liệu thực tế cho thấy thâm hụt thương mại của Việt Nam những năm qua gần như không có mối liên hệ nào với tỷ giá. Thâm hụt thương mại vẫn triền miên dù tiền đồng liên tục mất giá, không chỉ với đô la Mỹ mà với đồng tiền của hầu hết những nước/khu vực có quan hệ mậu dịch lớn với Việt Nam. 

Lê Duy Khánh

tbktsg

Các tin tức khác

>   Giám đốc nghiên cứu Dragon Capital: VNĐ sẽ ổn định trong thời gian tới (11/05/2011)

>   Chủ động giảm giá nội tệ ở mức vừa phải (11/05/2011)

>   Xử lý nợ Câu lạc bộ London: Ký ức người trong cuộc (09/05/2011)

>   Siết hoạt động cho thuê tài chính (06/05/2011)

>   Mục tiêu đưa vào sử dụng đồng nội khối ASEAN+3 (04/05/2011)

>   Korea Eximbank được mở văn phòng tại Hà Nội (04/05/2011)

>   Xem xét công bố dự trữ ngoại hối của Việt Nam (03/05/2011)

>   Khôi phục thẩm định giá công: Lại “vừa đá bóng vừa thổi còi”? (03/05/2011)

>   Thủ tướng chấp thuận dừng phát hành tiền xu (29/04/2011)

>   Cho thuê tài chính cần sự chăm sóc tốt hơn (29/04/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật