Chủ động giảm giá nội tệ ở mức vừa phải
Để góp phần kiềm chế lạm phát, thúc đẩy xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế, theo người viết, chính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam cần được hoàn thiện theo hướng cơ bản sau:
Tiếp tục thực hiện chính sách tỷ giá hối đoái thả nổi có sự điều tiết của Nhà nước
Về cơ bản, có ba cơ chế tỷ giá: tỷ giá thả nổi, cố định và trung gian. Bản thân mỗi loại hình tỷ giá cũng có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Vì vậy, mỗi loại cơ chế tỷ giá phù hợp với từng điều kiện của nền kinh tế.
Cụ thể, cơ chế tỷ giá cố định thúc đẩy thương mại và đầu tư thông qua việc làm cho các mức giá cả quốc tế dễ dự đoán hơn, nhưng nhược điểm của cơ chế này là mất quyền tự chủ trong chính sách tiền tệ nhằm đối phó với những biến động trong nước và bên ngoài, đòi hỏi chi phí cơ hội do phải duy trì một lượng dự trữ ngoại hối khá lớn.
Trong khi đó, cơ chế tỷ giá thả nổi giúp tự chủ trong chính sách tiền tệ, hạn chế khả năng bị đầu cơ tấn công, hạn chế rủi ro ngoại hối... nhưng lại có nhược điểm là đánh mất neo danh nghĩa cho chính sách tiền tệ, thị trường sẽ chịu nhiều rủi ro khi tỷ giá có tính linh hoạt cao, khó dự báo mức giá cả quốc tế, không khuyến khích thương mại và đầu tư trong trường hợp khả năng can thiệp điều tiết của cơ quan quản lý tiền tệ yếu kém... Cơ chế tỷ giá trung gian dung hòa được những ưu điểm và nhược điểm của hai cơ chế tỷ giá trên và là sự lựa chọn phổ biến của các quốc gia.
Cải cách tài chính ở Việt Nam tuy đã đạt được những thành công nhất định nhưng vẫn chưa theo kịp sự phát triển kinh tế. Hệ thống ngân hàng của Việt Nam trong quá trình đổi mới vẫn còn nhiều yếu kém. Thị trường ngoại hối đang còn trong giai đoạn sơ khai luôn tiềm ẩn nhiều bất ổn do sự tấn công của các lực lượng đầu cơ. Dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) còn thấp, khả năng can thiệp vào thị trường ngoại hối còn hạn chế.
Do vậy, trong thời gian tới chúng ta vẫn cần tiếp tục thực hiện chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi có sự điều tiết của Nhà nước. Điều đó có nghĩa là tỷ giá hối đoái phản ánh đúng quan hệ cung-cầu thị trường nhưng NHNN vẫn cần can thiệp nhằm hạn chế những biến động quá nhanh hay quá mạnh của tỷ giá hối đoái gây rủi ro cho các hoạt động kinh doanh quốc tế. Đồng thời, NHNN có thể chủ động sử dụng chính sách tỷ giá hối đoái để góp phần thực hiện các mục tiêu đề ra trong mỗi thời kỳ.
Tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt, trong đó tiền đồng cần được xác định theo rổ tiền tệ chủ chốt
Trong thời gian qua, NHNN Việt Nam chỉ quy định tỷ giá bình quân liên ngân hàng, biên độ giao dịch giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ, cũng như dùng các biện pháp can thiệp cần thiết để duy trì giá đô la Mỹ ở mức mục tiêu, còn tỷ giá giữa đồng Việt Nam và các ngoại tệ khác hoàn toàn thả nổi theo quan hệ cung - cầu thị trường. Cơ chế này có ưu điểm là đơn giản và phù hợp với thực tế Việt Nam vì hầu hết các giao dịch quốc tế của Việt Nam đều tính theo đô la Mỹ.
Tuy nhiên, nếu giá đô la Mỹ biến động mạnh trên thị trường tài chính quốc tế như những năm qua thì tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ sẽ phát tín hiệu sai về năng lực cạnh tranh quốc tế của hàng Việt Nam và do đó chính sách tỷ giá hối đoái có thể đi chệch mục tiêu đã đề ra.
Hiện nay, ngoài đô la Mỹ còn có nhiều loại ngoại tệ có giá trị thanh toán quốc tế như euro, yen Nhật (JPY), bảng Anh (GBP). Ngoài việc neo vào đô la Mỹ, việc hình thành tỷ giá linh hoạt dựa theo rổ tiền tệ, trong đó chú trọng đến euro, là điều cần tính đến. Bên cạnh đó cũng nên quan tâm đến sự biến động tiền tệ ở một số nước khác có quan hệ thương mại, đầu tư và tài chính lớn với Việt Nam.
Chủ động giảm giá đồng Việt Nam ở mức độ vừa phải
Sự giảm giá của đồng Việt Nam so với đô la Mỹ sẽ khuyến khích xuất khẩu, góp phần cải thiện cán cân thương mại và cán cân thanh toán. Mặt khác, sự dịch chuyển cầu từ hàng ngoại sang hàng nội có xu hướng làm tăng tổng cầu, từ đó góp phần tăng trưởng kinh tế.
Thời gian qua, do tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, thị trường quốc tế biến động mạnh, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn cộng với những khó khăn từ chính sách thắt chặt tiền tệ, lạm phát cao, NHNN đã có những động thái điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt. Tuy nhiên, để đồng Việt Nam giảm giá mạnh so với đô la Mỹ sẽ tiềm ẩn một số rủi ro đối với nền kinh tế như sau:
Một là, trong bối cảnh các nước bạn hàng của Việt Nam đang lâm vào suy thoái thì cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu sẽ không còn lớn. Hơn nữa các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như dầu thô, gạo, cà phê, cao su... cũng khó có khả năng tăng về khối lượng ngay cả khi giá cả cao hơn (do phụ thuộc điều kiện thời tiết). Hoặc với các mặt hàng gia công như dệt may, điện tử, máy tính... do phải phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu nên cũng ít hy vọng sẽ tăng trưởng mạnh khi đồng Việt Nam giảm giá.
Hai là, phần lớn hàng nhập khẩu của chúng ta là máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và phụ tùng mà sản xuất trong nước chưa thể đáp ứng được và do vậy cũng ít nhạy cảm với những biến động của tỷ giá. Ba là, giảm giá đồng Việt Nam sẽ đẩy lạm phát trong nước lên cao hơn.
Ngoài ra, nếu giá đô la Mỹ tăng mạnh sẽ làm suy giảm lòng tin của người dân vào giá trị của đồng Việt Nam. Chính vì niềm tin bị giảm sút nên khi giá vàng tăng đẩy giá đô la Mỹ tăng thì tâm lý đổ xô đi mua những tài sản được định giá bằng đô la Mỹ khiến cho tiền đồng ngày càng bị mất giá, chức năng phương tiện thanh toán và bảo toàn giá trị của tiền đồng sẽ bị xói mòn. Hệ quả là sức mua đối nội và đối ngoại của tiền đồng sẽ bị đe dọa.
Mặt khác, giảm giá đồng nội tệ sẽ khiến nợ nước ngoài gia tăng và các doanh nghiệp đang vay nợ bằng ngoại tệ gặp khó khăn. Nếu quá sức chịu đựng thì doanh nghiệp có thể bị phá sản. Qua phân tích ở trên, Việt Nam không nên phá giá mạnh đồng Việt Nam mà nên chủ động giảm giá ở mức vừa phải nhằm giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng xuất khẩu cũng như các doanh nghiệp sản xuất hàng cạnh tranh với hàng nhập khẩu, trong khi vẫn góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mộ, đảm bảo an sinh xã hội.
Lê Trang
tbktsg
|