Thứ Sáu, 29/04/2011 14:46

Cho thuê tài chính cần sự chăm sóc tốt hơn

Vụ Công ty cho thuê tài chính II (thuộc Agribank) bị thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng cũng khiến dư luận chú ý hơn đến thị trường này. Vì sao tiềm năng thị trường không nhỏ nhưng hoạt động của nó lại èo uột trong suốt thời gian qua?

Yếu từ khi mới sinh

Theo số liệu của Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, dư nợ của chín công ty cho thuê tài chính (CTTC) đang hoạt động, chưa tính ba công ty nước ngoài không tham gia Hiệp hội, tính đến hết năm 2010 là hơn 19.719 tỉ đồng. Tổng thu của các doanh nghiệp này trong năm 2010 đạt hơn 2.100 tỉ đồng và tổng chi hơn 5.766 tỉ đồng. Như vậy, chín doanh nghiệp này năm ngoái bị lỗ trước thuế hơn 3.600 tỉ đồng.

Đó là vài con số cho thấy hiện trạng của lĩnh vực CTTC ở Việt Nam, đang hết sức èo uột. Trong khi đó, đây là lĩnh vực kinh tế khá quan trọng ở nhiều nước khác. Ví dụ ở thị trường Đức, 11.000 công ty CTTC đang hoạt động với tổng dư nợ (dưới hình thức CTTC) chiếm khoảng 15% tổng đầu tư quốc gia.

Cho thuê tài chính là loại hình tín dụng trung và dài hạn có nhiều ưu điểm, phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm giúp họ trang bị tài sản cố định khi mà khả năng huy động vốn dài hạn trên thị trường tài chính bị hạn chế, hoặc việc vay vốn trung và dài hạn ở các ngân hàng gặp khó khăn, đặc biệt là thủ tục thế chấp tài sản.

Không chỉ ở doanh nghiệp nhỏ, các tập đoàn lớn hay cơ quan chính phủ nhiều quốc gia cũng sử dụng dịch vụ này như một công cụ tiết giảm chi phí đầu tư động sản và cả bất động sản.

Các dịch vụ CTTC ở các nước phát triển rất phong phú, từ các loại máy móc thiết bị sản xuất, dây chuyền sản xuất, thiết bị văn phòng, phương tiện vận tải đến cả bất động sản. Tuy nhiên, tại Việt Nam các công ty CTTC mới chỉ được phép hoạt động cho thuê mua vào tài sản là động sản mà thôi.

Đáng chú ý, một mình dư nợ cho thuê tài chính với tàu thuyền các loại của chín công ty thuộc Hiệp hội CTTC đã chiếm tới hơn 50% tổng dư nợ (10.750 tỉ đồng). Còn lại, dư nợ cho thuê tài chính với ô tô là 2.757 tỉ đồng, máy xây dựng khai khoáng và dây chuyền sản xuất, mỗi nhóm có dư nợ CTTC hơn 2.400 tỉ đồng.

Cơ cấu nói trên thể hiện sự phát triển dịch vụ theo hướng “độc canh”. Cũng chính vì «độc canh» nên nhiều người chỉ gọi công ty CTTC là công ty thuê mua. Phương thức cho thuê không đa dạng khiến họ chịu nhiều rủi ro đầu tư. Thị trường thứ cấp CTTC chưa có, không có thị trường để tái cho thuê, không có sàn giao dịch thiết bị hay các dịch vụ tái cho vay cũng là yếu tố kéo lệch hướng hoạt động này.

Nhưng chuyện “độc canh” còn có thể giải quyết, còn nguồn vốn thì không. Nguồn vốn eo hẹp và chỉ dựa vào công ty mẹ khiến các công ty CTTC luôn bị ảnh hưởng trước tiên khi thị trường tài chính có vấn đề và ngân hàng mẹ khan vốn. Khả năng mất thanh khoản luôn hiện hữu.

“Bản thân vốn của chúng tôi rất đắt vì là vốn đi vay để cho vay. Chúng tôi đã rất cố gắng tìm kiếm khả năng huy động vốn từ các nguồn khác song rất khó vì phía cho vay luôn đòi hỏi phải có sự bảo lãnh hoặc cho vay thông qua ngân hàng mẹ (như vậy bản chất của việc đa dạng hóa nguồn huy động không thay đổi). Giá huy động vốn rất cao, không đủ bù đắp chi phí và rủi ro”, một lãnh đạo công ty CTTC nói với TBKTSG.

Chín công ty CTTC trong nước chỉ có tổng vốn điều lệ 2.500 tỉ đồng. Do không đa dạng hóa được nguồn vốn nên các công ty CTTC không có cơ hội phát triển và thường phải từ chối những khách hàng lớn. Trong khi đó, trên thị trường tiền tệ, các công ty CTTC chỉ được tham gia đấu thầu kỳ phiếu, không được tham gia thị trường mở, còn các công cụ tài chính phái sinh như chứng khoán hóa các khoản phải thu từ hoạt động cho thuê tài chính lại không phát triển.

Thực tế, chưa có công ty CTTC nào phát hành cổ phiếu hay trái phiếu bởi các doanh nghiệp này đều kém về uy tín, sức cạnh tranh và khả năng quản trị. Với các doanh nghiệp này, phần lớn các quyết định đầu tư cũng như rủi ro đều phụ thuộc vào công ty mẹ và không được quản lý và giám sát chặt chẽ.

Và thiếu sự hỗ trợ chăm sóc

Tại Việt Nam, hoạt động CTTC được quy định trong Luật các tổ chức tín dụng và được coi như một loại hình tín dụng phi ngân hàng. Giám đốc một công ty CTTC khác chia sẻ: «chuột chạy cùng sào mới đến CTTC». Ông giải thích, chi phí tài chính (của bên đi thuê) thường cao nên không ít khách hàng chỉ đến với công ty CTTC khi bị ngân hàng từ chối. Thậm chí, bản thân nhiều công ty CTTC không có công cụ hữu hiệu để quản lý rủi ro nên luôn bị nợ xấu ám ảnh (vì họ chịu cùng một cơ chế phân loại nợ xấu với các tổ chức tín dụng.

Ông nói tiếp: CTTC bao gồm rất nhiều sản phẩm đa dạng từ thuê mua cho đến các hình thức cho thuê tài chính khác căn cứ vào mức độ chấp nhận rủi ro về “giá trị còn lại” của tài sản cho thuê (nhưng phải dưới 60% theo luật Việt Nam).

Nhưng chiếu theo hành lang pháp lý hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa phân biệt sở hữu pháp lý và sở hữu kinh tế. Trong hoạt động cho thuê tài chính, sở hữu pháp lý của tài sản thuộc về bên cho thuê, nhưng sở hữu kinh tế có thể thuộc về bên đi thuê. Trường hợp bên cho thuê phá sản, các chủ nợ có quyền phát mại tài sản cho thuê tài chính để thu hồi nợ hay không? Câu hỏi này chưa có lời đáp. Bên cạnh đó, pháp luật quy định có hai hình thức ủy thác cho thuê tài chính: bằng tiền và bằng tài sản.

Trường hợp ủy thác cho thuê bằng tiền, quyền sở hữu tài sản cho thuê thuộc về công ty CTTC hay thuộc về bên ủy thác? «Đây là những khó khăn của chúng tôi trong việc tiếp cận nguồn vốn ủy thác nước ngoài», vị giám đốc này kết luận.

Một vấn đề lớn khác, nhiều năm qua, chính sách thuế không hỗ trợ sự phát triển của hoạt động cho thuê tài chính. Đối với trường hợp vay mua, bên vay được khấu trừ thuế giá trị gia tăng ngay sau khi hoàn tất thủ tục mua bán và xuất hóa đơn giá trị gia tăng. Đối với trường hợp thuê mua, bên thuê không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng ngay sau khi chuyển giao quyền sử dụng mà phải thực hiện khấu trừ theo từng thời kỳ trong thời hạn thuế. Chi phí vốn của bên đi thuê cao hơn so với vay mua đúng bằng thuế suất 10%, đó là một điểm CTTC “thiệt” so với hình thức cấp tín dụng khác.

Quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp và chuẩn mực kế toán có sự khác nhau gây khó khăn cho doanh nghiệp khi bán và cho thuê lại. Trong hai giao dịch này thực chất không có việc chuyển quyền sở hữu kinh tế song họ vẫn phải chịu thuế trước bạ.

Hồng Phúc

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Giá USD lao dốc: Nhà nghèo có phải ăn kiêng? (28/04/2011)

>   1.010 tỉ đồng nợ ALC2 vay BHXH: Agribank hứa đảm bảo (28/04/2011)

>   Hạn chế mang tiền mặt Việt Nam đồng khi xuất cảnh (27/04/2011)

>   Vì sao tài khóa còn “dửng dưng” chống lạm phát? (26/04/2011)

>   Kỷ cương cho tiền đồng (22/04/2011)

>   Lỗ hổng lớn trong cho thuê tài chính (22/04/2011)

>   Đồng tiền liền khúc ruột! (21/04/2011)

>   Vụ ALC II lỗ 3.000 tỉ đồng: Sai lầm về việc bổ nhiệm cán bộ (21/04/2011)

>   Công ty kiểm toán: Phải có tối thiểu 5 kiểm toán viên (20/04/2011)

>   Moody's có thể hạ bậc tín nhiệm Việt Nam nếu dự trữ ngoại hối tiếp tục giảm (20/04/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật