Thứ Năm, 21/04/2011 23:42

Đồng tiền liền khúc ruột!

Người dân đang suy nghĩ và đang làm gì để bảo vệ tài sản tiết kiệm của họ trước cách ứng xử của cơ quan quản lý nhà nước đối với vàng, đô la Mỹ và đồng Việt Nam thông qua các chính sách tiền tệ trong thời gian gần đây.

Chọn kênh đầu tư nào?

Hiện tại, không ít khách hàng cá nhân ở các ngân hàng đang tính toán việc chuyển đô la Mỹ sang tiền đồng khi đáo hạn sổ tiết kiệm để hưởng lãi suất cao hơn khi mà lãi suất huy động đô la Mỹ tối đa chỉ còn 3%/năm theo quy định mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Một doanh nhân chẳng phải hàng đại gia, tiết lộ ông cũng đã làm như vậy bởi ông thừa biết rằng lãi suất huy động tiền đồng hiện nay không dừng ở mức 14%/năm như quy định của NHNN, mà đã có một số ngân hàng chào mời mức lãi suất hấp dẫn hơn, tất nhiên là không chính thức.

Ông lập luận, lãi suất huy động cao như vậy, tất nhiên ẩn chứa nhiều rủi ro, nhưng có điều gần như chắc chắn là chuyện phá sản của ngân hàng ở Việt Nam, dù là cỡ nhỏ, cũng rất khó xảy ra vì đã có NHNN “che chắn”. Vì vậy, chuyện chuyển đô la Mỹ sang tiền đồng để gửi ngân hàng vào thời điểm này là “thượng sách”. Ông cho biết thêm, nhờ “ăn theo” các giải pháp tiền tệ của NHNN mà ông đã kiếm lợi kha khá chỉ bằng cách chuyển đổi giữa hai loại tiền, đô la Mỹ và tiền đồng.

Nhưng không phải ai cũng nghĩ vậy.

Nhờ chịu khó dành dụm trong hơn chục năm qua, một chị bạn có vài chục ngàn đô la gửi ngân hàng vừa để đảm bảo giá trị tài sản, vừa được hưởng lãi suất. Vì vậy, khi lãi suất huy động đô la Mỹ giảm còn 3%/năm, chênh lệch đến 11%/năm so với lãi suất huy động tiền đồng (đó là về danh nghĩa, thực tế có thể còn cao hơn mức này), chị bạn nói mức lãi suất đó không còn đủ hấp dẫn nên sẽ rút tiền về. Vậy chị cũng đổi từ đô la Mỹ sang tiền đồng ư? Không phải vậy, chị phân tích, giữ tiền đồng hiện nay không chắc đã hay vì nếu ai cũng chuyển từ đô la sang tiền đồng thì khả năng cung tiền sẽ tăng vì NHNN phải bơm tiền đồng ra để mua vào lượng ngoại tệ muốn chuyển đổi. Tuy việc này có mặt tích cực là giúp tăng mức dự trữ ngoại hối quốc gia nhưng lạm phát cũng có cơ hội tăng thêm và tiền đồng lại càng có khả năng mất giá.

Theo chị, giải pháp lúc này là không giữ đô la, cũng không giữ tiền đồng, tốt hơn là nên giữ bất động sản, nhưng cũng không phải là chung cư hay căn hộ, mà là các nền đất ở các quận ven với mức giá còn tương đối hợp lý dù thị trường bất động sản chưa tan băng.

Liệu trên đây có phải là các kênh đầu tư khôn ngoan không, câu trả lời tùy thuộc ở mỗi người.

Vàng, “nơi trú ẩn” an toàn

Lão nông Nguyễn Văn Tâm, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang bộc bạch: “Nhà tôi ruộng vườn tuy không nhiều nhưng dành dụm mấy năm qua cũng được một ít tiền. Hai vợ chồng già dự định mua vàng để làm của hồi môn cho con, nhưng cứ lưỡng lự mãi bởi giá vàng trồi sụt thất thường. Chúng tôi cũng không yên tâm giữ tiền (tiền đồng - PV) vì thấy ngày càng mất giá”.

Còn lão nông Tám Quang, ngụ huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ thì cho biết: “Đại bộ phận nông dân ở quê vẫn “sính” giữ vàng hơn bất kỳ loại tài sản nào. Trước đây, sau mỗi mùa thu hoạch lúa hay trái cây, nhà nào có dư chút đỉnh đều ra chợ mua vàng làm của. Ngày nay thì khác, bà con đang hết sức do dự bởi đồng tiền làm ra ngày càng khó mà giá vàng không giống như trước, cứ quay như chong chóng…”.

Cả ông Tâm và ông Tám Quang đều cho rằng tâm lý nông dân vẫn thích giữ vàng nhưng cứ nghe bàn tới bàn lui về chính sách quản lý thị trường vàng của Nhà nước thế này thế kia nên nhiều người không dám mua. “Tôi ráng chờ Nhà nước công bố chính sách một cách rõ ràng rồi mới quyết định có nên mua vàng hay không”, ông Tâm nói.

“Điều đáng mừng là cho đến nay, giá vàng và giá đô la Mỹ được duy trì ở mức hợp lý”. Đó là nhận xét của chị Hương, nhân viên một công ty trong lĩnh vực tài chính. Tuy vậy, ở góc độ cá nhân, chị cho biết dù những nhà hoạch định chính sách tự tin kiểm soát thị trường tiền tệ theo cách nào thì chị cũng như những thành viên khác trong gia đình vẫn chọn “kênh vàng truyền thống” làm “của để dành”.

Chị Hương lý giải: “Bất động sản không dành cho người ít tiền, chứng khoán không dành cho người thiếu kiến thức, lãi suất tiền gửi không phải là bất biến... Vàng vẫn là kênh gìn giữ giá trị tài sản an toàn, hiệu quả đối với những người có những khoản tiền dành dụm không lớn. Cá nhân tôi cũng không quy giá trị vàng ra tiền đồng, mà quy theo giá đô la Mỹ”.

Dưới mắt doanh nhân Đỗ Hòa, Giám đốc Công ty IME ở TPHCM, vàng và đô la vẫn là “nơi trú ẩn” an toàn một khi giá trị tài sản của người dân hay doanh nghiệp không được bảo đảm bằng tiền đồng. Và khi ấy, cho dù Nhà nước có ngăn cấm giao dịch bằng đô la và vàng, thì người dân cũng bằng cách này cách khác, bảo tồn ở mức cao nhất giá trị tài sản của mình, đặc biệt dưới dạng vàng.

Theo ông Hòa, sự nhìn nhận này của ông được củng cố từ bài học ở những năm 1970, khi vàng không được phép giao dịch. Đó là thời kỳ vàng son của những người thợ kim hoàn. Khi mà giao dịch “vàng lớn” không được phép, thì các loại vàng trang sức lên ngôi. Thị trường trở nên méo mó vì dưới bàn tay chế tác của người thợ, những loại vàng cỡ 6 tuổi rưỡi vẫn có thể được “phù phép” lên thành “vàng ròng”!

Thời đó người dân tìm mọi cách giữ vàng, từ chôn dưới sàn nhà hay trong vách tường, và điều đó là phi sản xuất, nền kinh tế méo mó, đời sống xã hội méo mó. Người dân, thay vì làm ăn, lại phải lo toan nghĩ đủ cách để giữ tài sản. Ông Hòa bày tỏ lo ngại: “Chính sách tiền tệ cứ thay đổi xoành xoạch sẽ kéo theo những bất ổn tâm lý, làm cho môi trường làm ăn xấu đi. Tôi nghĩ, những can thiệp hành chánh không phải là cách giải quyết vấn đề, điều mà Nhà nước cần ưu tiên làm hiện nay là phải có những giải pháp căn cơ, mang tính chiến lược, lâu dài, các chính sách tài chính phải tạo cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như người dân yên tâm làm ăn thay vì phải lo đối phó, tìm cách chuyển giá trị tài sản từ thứ này sang thứ khác.

Như Khánh - Đào Tuấn

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Vụ ALC II lỗ 3.000 tỉ đồng: Sai lầm về việc bổ nhiệm cán bộ (21/04/2011)

>   Công ty kiểm toán: Phải có tối thiểu 5 kiểm toán viên (20/04/2011)

>   Moody's có thể hạ bậc tín nhiệm Việt Nam nếu dự trữ ngoại hối tiếp tục giảm (20/04/2011)

>   Vụ ALC II lỗ 3.000 tỉ đồng: Liên quan đến nhiều lãnh đạo Agribank (19/04/2011)

>   Đường đi của đồng tiền (17/04/2011)

>   Những công cụ làm giảm hiệu quả của chính sách tiền tệ (15/04/2011)

>   Agribank phải trả thay 810 tỷ đồng nợ BHXH (15/04/2011)

>   Lãnh đạo Agribank nói gì về khoản lỗ hơn 3.000 tỷ đồng? (14/04/2011)

>   Siết quản lý USD, nguồn vốn lớn về đâu? (14/04/2011)

>   ALC II lỗ 3.000 tỉ đồng: Phải có cá nhân và tập thể cụ thể chịu trách nhiệm (14/04/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật