Vụ Cty cho thuê tài chính II (ALC II) lỗ hơn 3.000 tỷ đồng:
Agribank phải trả thay 810 tỷ đồng nợ BHXH
* Lãnh đạo Agribank nói gì về khoản lỗ hơn 3.000 tỷ đồng?
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam - Nguyễn Đình Khương đã khẳng định như vậy tại buổi làm việc với một số báo đài hôm qua (14-4).
Theo ông Khương, không có chuyện Quỹ BHXH bị thất thoát do liên quan đến việc cho ALC II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank) vay 1.010 tỷ đồng.
ALC II nợ quá hạn 200 tỷ đồng
Theo ông Khương, trong tổng số 14 hợp đồng cho ALC II vay, cho đến thời điểm này, mới chỉ có 3 hợp đồng quá hạn với số tiền 200 tỷ đồng (tiền gốc).
Cụ thể, trong số 14 hợp đồng (với tổng số tiền BHXH Việt Nam cho ALC II vay là 1.010 tỷ đồng), có một hợp đồng ngắn hạn đã được ALC II trả với số tiền 200 tỷ đồng. Trong số 13 hợp đồng còn lại, có 7 hợp đồng cho vay 5 năm; 2 hợp đồng cho vay thời hạn ba năm; 4 hợp đồng cho vay hai năm.
Hiện, có hai hợp đồng đã hết hạn trong năm 2010 và một hợp đồng đã hết hạn vào ngày 11-3-2011 với tổng số tiền 200 tỷ đồng nhưng chưa được ALC II chi trả; 10 hợp đồng còn lại vẫn chưa đến thời hạn thanh toán. “Như vậy, cho đến thời điểm này, ALC II vẫn còn nợ BHXH Việt Nam 810 tỷ đồng, trong đó có 200 tỷ đồng đã quá hạn” - ông Khương nói.
Trả lời câu hỏi “Vì sao lại cho ALC II vay nhiều hợp đồng như vậy?”. Ông Khương nói: Vì có sự bảo lãnh của lãnh đạo Agribank tại bản thỏa thuận số 01 (ngày 25-12-2003) giữa BHXH Việt Nam và Agribank về vay vốn bảo lãnh.
Theo điều 2 của bản thỏa thuận này, Agribank phải chịu trách nhiệm toàn bộ về việc vay, sử dụng và hoàn trả vốn, lãi đúng kỳ hạn của tất cả các hợp đồng do Agribank trực tiếp đi vay hoặc các chi nhánh cấp I, các Cty trực thuộc Agribank ký kết với BHXH Việt Nam do Tổng giám đốc Agribank ký bảo lãnh.
Cũng theo bản thỏa thuận số 01, trong trường hợp các chi nhánh cấp I, các Cty trực thuộc bảo lãnh không thực hiện đúng các điều khoản do Agribank bảo lãnh ký kết trong hợp đồng thì Agribank sẽ phải chịu trách nhiệm thực hiện đúng các nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng với BHXH Việt Nam.
Biết ALC II thua lỗ, Agribank vẫn cố tình bảo lãnh
Lý giải việc ALC II thua lỗ nhưng Quỹ BHXH vẫn cho vay tới 1.010 tỷ đồng, ông Khương cho biết, ban đầu ALC II vẫn trả nợ đúng hạn. Hơn nữa, việc ALC II thua lỗ, BHXH Việt Nam không hề nhận được thông báo nào từ phía ban lãnh đạo Agribank.
“Thậm chí, biết ALC II thua lỗ nhưng lãnh đạo Agribank vẫn đứng ra bảo lãnh để cho ALC II được vay tiền từ Quỹ BHXH. Đến giữa năm 2010, khi rộ lên vụ Vinashin, BHXH Việt Nam mới phát hiện ALC II đang làm ăn thua lỗ”- ông Khương nói.
Cũng theo ông Khương, thực ra, từ lâu, Agribank đã có quan hệ vay vốn với BHXH Việt Nam. Hơn nữa, Quỹ BHXH không chỉ cho mỗi Agribank vay tiền mà còn cho các ngân hàng nhà nước khác vay như: Ngân hàng phát triển, Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Chính sách xã hội...
“Rủi ro do ALC II thua lỗ là lần đầu tiên xảy ra, chưa có tiền lệ. Vì thế, bài học lớn cần phải rút ra trong vụ việc này là Quỹ BHXH không nên ký kết nhiều hợp đồng vay vốn với một đơn vị để tránh rủi ro” - ông Khương nói.
Ông Khương cho biết, về khoản 200 tỷ đồng đã quá hạn mà ALC II đang nợ Quỹ BHXH, lãnh đạo Agribank hứa sẽ hoàn trả trong tháng 4 đến tháng 5-2011 sau khi đã bán các tài sản của ALC II. Số nợ còn lại (khoảng 610 tỷ đồng) vì chưa quá hạn nên Agribank chưa phải hoàn trả.
Đại diện BHXH Việt Nam cho biết, trong năm 2010, Quỹ BHXH thu lãi được 9.600 tỷ đồng từ việc cho vay. Số dư mà Quỹ BHXH cho vay đến thời điểm này là 140.000 tỷ đồng; trong đó, các công ty nhà nước chiếm 75% dùng vào việc mua tín phiếu, trái phiếu... Việc dùng số dư của Quỹ BHXH để đầu tư cho vay sinh lời là hoàn toàn đúng pháp luật.
Hiện, chưa có quy định nào về việc cho vay với định mức tối đa là bao nhiêu. Tuy nhiên, theo BHXH Việt Nam, tới đây, mỗi đơn vị chỉ được vay tối đa không quá 1.000 tỷ đồng. |
Phong Cầm
tiền phong
|