Đường đi của đồng tiền
Kết quả kiểm toán Công ty cho thuê tài chính 2 (thuộc Agribank) thực sự là một câu chuyện rung rợn về sự tàn nhẫn của những cán bộ kinh doanh trong việc sử dụng đồng tiền của nhân dân.
Chỉ là một công ty con của ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Agribank, nhưng trong một năm, đơn vị kinh doanh này có thể thua lỗ được tới 3000 tỷ đồng, tương đương với tổng thu nhập trung bình của hơn 10 vạn người Việt Nam trong suốt một năm ròng đổ mồ hôi, sôi nước mắt.
Số tiền khổng lồ này đã biến mất theo con đường nào? Sự dốt nát của những người quản lý doanh nghiệp? Hay sự quay lưng của vận may trên thương trường? Nếu đó là đường đi của 3000 tỷ đồng, người dân đóng thuế nuôi ngân sách có thể sẽ cảm thấy nhẹ lòng hơn trước sự mất mát này. Song, kết quả kiểm toán không phải một liều thuốc giảm đau.
Theo kết quả kiểm tra của kiểm toán Nhà nước, trong số rất nhiều sai phạm của Công ty cho thuê tài chính 2 như huy động vốn sai nguyên tắc, vô trách nhiệm trong khâu thẩm định hồ sơ khách hàng… thì những hợp đồng mua bán khống mới thực sự bộc lộ sự vô trách nhiệm đến nhẫn tâm của doanh nghiệp này đối với tài sản của nhân dân.
Chỉ riêng với hợp đồng mua một chiếc xe cẩu trị giá 65 tỷ đồng, công ty này đã gây thiệt hại tới 33 tỷ đồng khi giá thị trường của chiếc xe này chỉ có 32 tỷ đồng. Không những thế, hàng ngàn tỷ đồng đã được doanh nghiệp này chi ra chỉ để mua… vịt giời. Đó là những hợp đồng mua dây chuyền sản xuất, mua những con tàu biển, đã được giải ngân mà không hề thấy mặt mũi ở đâu. Thật khó để tưởng tượng điều gì khiến cho những con số tiền tỷ lại dễ dàng bị ném qua cửa sổ theo cách đó.
Cho thuê tài chính không phải là một ngành kinh doanh mới mẻ và xa lạ. Các quy chuẩn, nguyên tắc kinh doanh trong lĩnh vực này đều đã được quy định cụ thể và rõ ràng. Vì vậy, không thể coi số tiền lỗ 3000 tỷ kể trên là kết quả của sự ngu dốt thuần túy của ban lãnh đạo doanh nghiệp này khi mà tất cả những nguyên tắc tài chính sơ đẳng nhất cũng đã bị bỏ qua một cách “hồn nhiên”. Đặc biệt, họ đều là những cán bộ ngân hàng, được đào tạo bài bản về nghiệp vụ tài chính.
Và cho dù ban giám đốc công ty tài chính 2 không biết gì về nghiệp vụ tài chính đi chăng nữa thì “nó lú chú nó cũng phải khôn” như dân gian vẫn nói. Tuy nhiên, cơ quan chủ quản của doanh nghiệp này là Agribank lại không hề “nhìn” ra những nguy cơ thua lỗ do cách làm ăn đó. Ngay cả khi dư nợ cho vay của Công ty cho thuê tài chính 2 đã vượt 1.600 tỉ đồng, công ty vẫn được Agribank bảo lãnh cho vay vốn tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam 400 tỷ đồng với mục đích trả nợ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Và cho dù việc trả nợ chẳng hề được thực hiện, Agribank vẫn bình chân như vại, chẳng hề tỏ ra lo lắng, hay băn khoăn. Điều này cho thấy, quá trình kinh doanh theo kiểu động đâu lỗ đấy của Công ty cho thuê tài chính hoàn toàn nằm trong sự dự liệu của công ty mẹ là Agribank.
Điều kỳ lạ hơn, dù hạn mức bảo lãnh của Agribank để Công ty cho thuê tài chính 2 vay tiền của Bảo hiểm xã hội là 400 tỷ đồng, song Bảo hiểm xã hội vẫn sẵn sàng cho vay tới hơn 1000 tỷ đồng!.
Rõ ràng, đây không phải là vấn đề quản lý yếu kém của các doanh nghiệp nhà nước, mà câu chuyện cho thấy những đồng tiền xương máu của người dân đã được đưa đường chỉ lối để biến mất một cách dễ dàng.
Vật chất không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi. Đồng tiền cũng thế! 3000 tỷ đồng của nhân dân cũng không hề tự nhiên mất đi. Nó được chuyển hóa thành những phi vụ kinh doanh lỗ vốn, và dĩ nhiên phải ai đó có lãi.
Việc thua lỗ tới 3000 tỷ đồng của công ty cho thuê tài chính 2 không chỉ là câu chuyện quản lý. Đó là câu chuyện rùng rợn về sự nhẫn tâm của con người đối với đồng loại. Khi đồng tiền của người dân đóng góp vào ngân sách để hy vọng đất nước giàu mạnh hơn bỗng dưng hóa thành công cụ để các doanh nghiệp nhà nước thực hiện các cuộc chơi kinh doanh thua lỗ, đó là lúc chúng ta hiểu rằng vì sao người dân đóng thuế ngày càng nhiều hơn nhưng phúc lợi xã hội thì ngày một kém đi.
Sự chuyển hóa của những khoản tiền khổng lồ thông qua những phi vụ kinh doanh lỗ vốn khiến cho rất nhiều điều nghịch lý bỗng trở nên dễ hiểu. Người ta sẽ không còn ngạc nhiên khi ở một đất nước vào hàng nghèo nhất thế giới mà lại trở thành thị trường tiêu thụ hàng xa xỉ tiềm năng, và đó cũng là đất nước mà những ngôi nhà triệu đô thường được bán trao tay./.
Lão Phạm
VOV
|