Thứ Tư, 11/05/2011 17:05

Giám đốc nghiên cứu Dragon Capital: VNĐ sẽ ổn định trong thời gian tới

Trong cuộc trao đổi mới đây, TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc nghiên cứu của Dragon Capital cho rằng, dù Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với vấn nạn lạm phát cao, một số vấn đề trên thị trường ngoại hối, nhưng nhiều chỉ dấu cho thấy hầu hết NĐT nước ngoài đều tin tưởng vào sự ổn định sắp tới của đồng tiền Việt Nam.

Gần đây có nhiều ý kiến lo ngại về việc VND đang được định giá quá cao so với giá trị thực, nên bất lợi cho thương mại quốc tế. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đây là một lo ngại hợp lý. Tuy nhiên, nếu sử dụng vấn đề này để khuyến nghị việc phá giá hay điều chỉnh tỷ giá của VND thì tôi nghĩ chưa hợp lý. Ở đây có 2 vấn đề.

Thứ nhất, việc xác định đồng VND đang được định giá quá cao hay dưới giá trị thực là không dễ. Các nhà kinh tế thường sử dụng tỷ giá thực hiệu lực (Real Effective Exchange Rate - REER) để định giá một đồng tiền. REER của VND nghĩa là tỷ giá hối đoái giữa VND với một rổ ngoại tệ của các nước mà Việt Nam có quan hệ ngoại thương, nhưng đã được hiệu chỉnh theo lạm phát của các nước này. Nếu tỷ giá REER của VND lên giá, thì năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam sẽ kém đi và ngược lại. Tuy nhiên, cách tính REER không đơn giản, nó phụ thuộc vào năm gốc để so sánh, sự thay đổi đối tác thương mại cũng như mức độ lạm phát của các đối tác này.

Thứ hai, bài toán tỷ giá liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chứ không riêng gì ngoại thương. Việc phá giá VND cần phải rất thận trọng. Bởi việc này có thể làm gia tăng gánh nặng nợ bằng ngoại tệ của Chính phủ và DN, ảnh hưởng tới lòng tin của các NĐT.

Vậy theo ông, sức ép mất giá của VND trong năm 2011 sẽ đến mức độ nào?

Kể từ năm 2007 cho đến nay, VND đã trải qua 3 giai đoạn biến động giá lớn. Mỗi một giai đoạn đều do các nhân tố khác nhau "trực tiếp" dẫn dắt, do đó việc xử lý trong từng giai đoạn đương nhiên phải khác nhau. Năm 2008, biến động lớn trên thị trường ngoại hối là do các NĐT nước ngoài bán khoảng 3 tỷ USD trái phiếu để rút vốn khi lạm phát lên rất cao. Vào những tháng cuối năm 2009, biến động tỷ giá là do lượng cung VND quá lớn trên thị trường, đồng thời các hoạt động buôn lậu trên thị trường vàng khiến USD khan hiếm. Đây cũng là năm mà sai số trong cán cân thanh toán lên đến 12 tỷ USD. Những tháng cuối năm 2010 và đầu năm 2011, biến động ngoại hối một phần do tín dụng ngoại hối tăng mạnh vào đầu năm 2010, kỳ vọng VND giảm giá do đã liên tục bị giảm giá trong thời gian vừa qua, thêm vào đó là dự trữ ngoại hối thấp và lạm phát tăng cao.

Một điều đáng chú ý trong thời gian gần đây là bất chấp lạm phát tăng cao, VND vẫn liên tục tăng giá. Điều này cho chúng ta thấy, ở mỗi thời điểm khác nhau, các yếu tố khác nhau sẽ tác động lên tỷ giá.

Nhìn vào cán cân thanh toán, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy lượng USD chảy vào Việt Nam vẫn lớn hơn so với lượng USD chảy ra. Tuy nhiên, dự trữ ngoại hối lại liên tục sụt giảm từ năm 2008, điều này là do sai số trong cán cân thanh toán, chủ yếu là do lượng ngoại tệ găm giữ trong dân. Điều đó thể hiện ở vấn đề niềm tin vào VND, do đó, để xử lý vấn đề ngoại hối, cần phải tạo được niềm tin vào đồng nội tệ.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là theo chỉ số "Offshore Index Pressure" - chỉ số niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào VND (chỉ số cho biết các nhà đầu tư nước ngoài đang cho rằng VND sẽ lên giá hay mất giá bao nhiêu phần trăm trong thời gian sắp tới) cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, VND sẽ ổn định trong thời gian tới.

Theo chỉ số Offshore Pressure Index, vào những tháng giữa năm 2008, nhà đầu tư nước ngoài tin rằng, VND sẽ mất giá khoảng 30% trong vòng 6 tháng. Chỉ số này cũng cho chúng ta thấy rằng, vào những tháng cuối năm 2010 và đầu năm 2011, nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng VND sẽ mất giá khoảng 9% trong khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, hiện nay chỉ số Offshore Pressure Index cho thấy kỳ vọng mất giá VND trong vòng 6 tháng tới của nhà đầu tư nước ngoài là rất thấp.

Chính phủ đưa ra mục tiêu ổn định tỷ giá, theo ông, trong ngắn hạn nên có những biện pháp gì và cần những động thái nào trong dài hạn ?

Theo tôi, về ngắn hạn, Nghị quyết 11 và các bước đi vừa qua của Chính phủ là hợp lý: phá giá biên độ rộng (9,3%) để chặn kỳ vọng phá giá tiếp theo, qua đó giảm nhu cầu tích trữ USD. Việc liên tục gửi tín hiệu về việc kiên quyết giữ tỷ giá, quyết liệt chống lạm phát cũng rất quan trọng.

Các chính sách loại trừ những tác động tiêu cực của dòng vốn thì Việt Nam còn nhiều dư địa, ví dụ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Việt Nam hiện chỉ là 3% so với 19,7% của Trung Quốc, 10% của Mỹ. Những diễn biến trên thị trường ngoại hối vừa qua cho thấy phản ứng của thị trường là khá tích cực đối với chính sách của Chính phủ.

Việc hạn chế thị trường ngoại hối tự do, xóa kinh doanh vàng miếng cũng rất cần để củng cố sức mạnh của chính sách tiền tệ, nhưng cách thức thực hiện làm sao để có hiệu quả lâu dài là vấn đề cần tính đến. Nếu chỉ xóa bỏ bằng các biện pháp hành chính, trong khi hệ thống ngân hàng không đáp ứng được nhu cầu chính đáng về ngoại tệ của người dân, thì biện pháp này sẽ không bền vững.

Tuy nhiên, điều đáng ngại là dư địa của chính sách tiền tệ đã không còn nhiều để giải quyết vấn đề lạm phát. Chìa khóa của giải pháp dài hạn nằm ở chính sách tài khóa, trong đó vấn đề hiệu quả đầu tư cần phải được đặt lên hàng đầu.

Hồng Dung

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Chủ động giảm giá nội tệ ở mức vừa phải (11/05/2011)

>   Xử lý nợ Câu lạc bộ London: Ký ức người trong cuộc (09/05/2011)

>   Siết hoạt động cho thuê tài chính (06/05/2011)

>   Mục tiêu đưa vào sử dụng đồng nội khối ASEAN+3 (04/05/2011)

>   Korea Eximbank được mở văn phòng tại Hà Nội (04/05/2011)

>   Xem xét công bố dự trữ ngoại hối của Việt Nam (03/05/2011)

>   Khôi phục thẩm định giá công: Lại “vừa đá bóng vừa thổi còi”? (03/05/2011)

>   Thủ tướng chấp thuận dừng phát hành tiền xu (29/04/2011)

>   Cho thuê tài chính cần sự chăm sóc tốt hơn (29/04/2011)

>   Giá USD lao dốc: Nhà nghèo có phải ăn kiêng? (28/04/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật