Thứ Sáu, 27/05/2011 21:46

Vnsteel: 4 DN thép lớn nước ngoài muốn làm cổ đông chiến lược

* Vnsteel sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán

* Nippon Steel, Evraz Group SA, Marubeni Itochu steel, và Novolipetsk Steel đang muốn trở thành cổ đông chiến lược của Vnsteel

Ngày 27/05, Tổng Công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) đã chính thức công bố thông tin chuẩn bị cho sự kiện chào bán cổ phiếu Vnsteel lần đầu ra công chúng (IPO), cũng như lộ trình cổ phần hóa của mình trong thời gian tới.

Vnsteel cũng là đơn vị đầu tiên trong số 19 Tổng Công ty 91 tiến hành IPO. Tổng vốn điều lệ của Vnsteel sau cổ phần hóa là 6.800 tỷ đồng tương đương 680 triệu cổ phần.

Nhân dịp này, Phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã phỏng vấn Tổng giám đốc Vnsteel Lê Phú Hưng về kế hoạch phát triển tương lai của doanh nghiệp thép lớn nhất sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động.

Xin ông cho biết, tiến hành cổ phần hóa, phát hành cổ phiếu ra thị trường chứng khoán lần đầu, chuyển đổi mô hình hoạt động từ một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang mô hình Tổng Công ty Cổ phần, Vnsteel sẽ có những thuận lợi gì cho phát triển sản xuất?

Việc cổ phần hóa (CPH) Vnsteel  trước hết nhằm đa dạng hóa sở hữu nguồn vốn, huy động thêm vốn cho đầu tư phát triển từ nhà đầu tư và các cổ đông, đặc biệt là cổ đông chiến lược.

Hiện nay, vốn đầu tư cho một dự án thép công suất trung bình khoảng 500 ngàn tấn/năm phải lên tới hàng tỷ USD. Một dự án thép từ lúc khởi công đến hoàn thành cũng phải mất 3-5 năm. Với lãi suất ngân hàng, tỷ giá VND/USD như hiện nay, cộng với việc ngân hàng chỉ cho vay ưu đãi dự án trung hạn, có thể nói huy động vốn cho đầu tư dự án mới là rất khó khăn và không hiệu quả.

Do đó, huy động vốn từ nhiều nguồn, nhà đầu tư trong nước, phát hành cổ phiếu, đặc biệt vốn từ các cổ đông chiến lược là các nhà đầu tư nước ngoài là cách tối ưu nhất hiện nay.

Sự tham gia của các cổ đông chiến lược là những đối tác nước ngoài sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể cho hoạt động quản trị của Tổng Công ty. Làm việc với nhà sản xuất thép lớn, chúng tôi sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm quản trị, hỗ trợ về tài chính, thiết bị, công nghệ, kinh nghiệm, kỹ thuật, thị trường, hệ thống phân phối…đặc biệt là minh bạch hơn, công khai hơn do vậy hiệu quả sản xuất sẽ có những thay đổi vượt bậc.

Những đối tác chiến lược nước ngoài mà chúng tôi hướng tới đều là những Tập đoàn thép lớn có danh tiếng trên thế giới. Hiện đã có bốn doanh nghiệp thép lớn nước ngoài gồm Nippon Steel, Evraz Group SA, Marubeni Itochu steel, và Novolipetsk Steel  đang muốn trở thành cổ đông chiến lược của Vnsteel.

Ông có thể cho biết định hướng phát triển của Vnsteel sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động?

Mô hình liên hợp là hướng đi tất cả các nhà sản xuất thép đều nhắm tới, trừ các nhà sản xuất thép dịch vụ, phục vụ cho thị trường bán lẻ. Việc tự chủ được sản xuất từ thượng nguồn đến hạ nguồn (từ nguyên liệu, sản xuất đến phân phối) sẽ tối đa hóa hiệu quả sản xuất và tăng giá trị gia tăng trong từng sản phẩm.

Tổng Công ty đang tiến hành triển khai giai đoạn 2 của Dự án cải tạo mở rộng công suất khu Gang thép Thái Nguyên. Đây là một liên hợp, tuy rằng nhỏ, nhưng giai đoạn 2 và những giai đoạn tiếp theo sẽ tiếp tục nâng công suất sản xuất thép lên đến 1,5-2 triệu tấn.

Tiếp đó, chúng tôi cũng đang triển khai liên hợp thép Lào Cai (nguồn quặng là mỏ sắt Quý Sa) . Giai đoạn 1 công suất đạt 500 ngàn tấn, giai đoạn 2 lên 1 triệu tấn. Dự kiến đi vào hoạt động vào 2012. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hợp tác với Tập đoàn Tata (Ấn Độ) đầu tư dự án tại Hà Tĩnh (mỏ sắt Thạch Khê) với tổng công suất lên tới 4,5 triệu tấn.

Ở phía Nam, do không có nguồn quặng nên chúng tôi sẽ đầu tư phát triển theo công nghệ đi từ sản xuất thép vụn, sau đó là thép thành phẩm để đáp ứng cho nhu cầu xây dựng.

Khi xây dựng chiến lược phát triển của Vnsteel, chúng tôi cũng có nhiều bàn cãi với các nhà tư về tỷ lệ phần trăm thép xây dựng với các sản phẩm thép tấm lá, cuộn, hợp kim khác trong cơ cấu sản phẩm.

Sau khi xem xét thị trường Việt Nam và nghiên cứu mô hình phát triển của các doanh nghiệp thế giới có mô hình phát  triển giống Việt Nam thì chiến lược đến 2015 tầm nhìn 2025, tỷ lệ thép xây dựng vẫn chiếm 50%, thép tấm dẹt vẫn chiếm 50%.

Trong giai đoạn vừa qua, Vnsteel bắt đầu đầu tư vào thép dẹt. Tất nhiên đầu tư vào thép dẹt thì nhu cầu về vốn lớn, kỹ thuật, công nghệ, quản lý sẽ khắt khe hơn, lớn hơn, trình độ quản lý, tiêu chí chất lượng sản phẩm cao hơn.

Nhưng  bên cạnh đó, nhu cầu thép xây dựng vẫn lớn. Tôi khẳng định trong tương lai nhu cầu thép xây dựng sẽ vẫn tiếp tục tăng. Chỉ khoảng 2-3 năm nữa, cung sẽ tiệm cận cầu, lúc đó bức tranh ngành thép sẽ khác.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đầu tư vào khu liên hợp sản xuất thép dẹt. Ví dụ trong dự án với Tata chúng tôi dự định sẽ sản xuất 3,5 triệu tấn thép dẹt/năm. Hiện Vnsteel đã có nhà máy cán nguội Phú Mỹ chuyên sản xuất thép tấm lá, cán nguội phục vụ cho những ngành công nghiệp đòi hỏi thép chất lượng cao.

Ngành thép có 2 phần là sản xuất thép dài (đặc biệt thép xây dựng) và thép dẹt (tấm lá). Nhu cầu phát triển 2 sản phẩm này gần giống nhau. Nói thị phần Tổng Công  ty hiện giữ trên dưới 30% là nói về thị phần thép xây dựng. Chúng tôi cũng nghĩa  rằng cần đầu tư sản xuất thép tấm lá phụ vụ cho nhu cầu của nền kinh tế. Sau khi CPH, chúng tôi sẽ xem xét những dự án nào có hiệu quả để tiếp tục đầu tư (kể cả thép xây dựng) và phấn đấu iếp tục giữ 25-30% thị phần thép xây dựng cả nước.

Sau khi CPH, Vnsteel có kế hoạch gì để tiếp tục giữ vai trò đầu tầu trong ngành thép?

Chúng tôi có trách nhiệm sản xuất kinh doanh hiệu quả, trở thành doanh nghiệp dẫn đầu ngành,  góp phần đảm bảo ổn định thị trường, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng thiếu thép, đầu cơ, tăng giá ảo đột biến…

Chúng tôi cũng có trách nhiệm quan trọng khác là bảo đảm phần vốn nhà nước, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển của ngành thép Việt Nam

Trở thành Tổng Công ty Cổ phần, cách đây 3 năm sau khi tiếp xúc với nhà tư vấn Mackenzy, trong thảo luận, chúng tôi thấy rằng, để đạt được tầm nhìn của mình chúng tôi phải có nguồn vốn. Để có nguồn vốn không còn, cách nào khác phải huy động được vốn từ xã hội, từ các nhà đầu tư chiến lược.

Thị trường chứng khoán hiện khó khăn, việc phát hành cổ phiếu ở thời điểm này không phải là thời điểm lý tưởng để huy động vốn. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây cũng là cơ hội của các nhà đầu tư được mua với mệnh giá đúng với thị trường.

Còn sau đó, khi đã có những thành công với các nhà đầu tư chiến lược tầm cỡ thế giới, tôi tin rằng giá trị cổ phiếu của chúng tôi sẽ không ở mức như bây giờ nữa. Sẽ tăng, nhưng tăng bao nhiêu thì còn phụ thuộc vào các nhà đầu tư chiến lược của chúng tôi.

Tuy nhiên, mục tiêu hiện tại, chúng tôi chỉ mong thành công trong đợt phát hành cổ  phiếu ra thị trường lần đầu.

Vậy Vnsteel đã làm những gì để chuẩn bị cho đợt phát hành cổ phiếu lên sàn vào ngày 10/6 tới đây cũng như những lộ trình sắp tới của việc CPH?

Việc CPH của Vnsteel đã được thực hiện theo lộ trình từ nhiều năm nay. Trong hệ thống Tổng công ty có 50 đơn vị bao gồm cả liên doanh, liên kết. Trừ doanh nghiệp liên doanh, liên kết, chúng tôi đã chuyển đổi hết các công ty con sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần. Chẳng hạn như Công ty con thuộc dạng lớn nhất hiện nay như Gang thép Thái Nguyên đã chuyển sang hoạt động theo mô hình CPH rất thành công.

Kinh nghiệm rút ra từ quá trình CPH 50 đơn vị thành viên là những kinh nghiêm quý báu đã được vận dụng vào việc CPH và lên sàn chứng khoán của Công ty mẹ Tổng công ty Thép hôm nay.

Xin cảm ơn ông!

Hôm nay (27/05), Vnsteel tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu tiềm năng phát triển của Vnsteel tại Hà Nội, chuẩn bị cho sự kiện tiến hành IPO.

Trong lần chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO)  vào ngày 10/6 tới đây, sẽ có 65.986.000 cổ phần được IPO tương ứng với 9,704% vốn điều lệ. Giá khởi  điểm để IPO là 10.100 đồng/cổ phần.

Theo lộ trình dự  kiến, sau đợt chào bán lần đầu, phần vốn nhà  nước tại Vnsteel còn khoảng 90%. Đợt 2 cuối năm 2011dự kiến tục bán cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư. Chỉ giữ lại 65% phần vốn nhà nước nắm giữ. Sau đợt 2, Vnsteel cũng dự kiến sẽ phát hành 1.200 tỷ cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó nâng vốn điều lệ lên 8.000 tỷ đồng. Sau 3 năm kể từ IPO, phần vốn nhà nước tại VNSteel sẽ ở mức 51%.

Nhà đầu tư nước ngoài  được nắm giữ tối đa 25% cổ phẩn, và tối thiểu 15% cổ phần.

Nguyệt Hà (thực hiện)

Chính phủ

Các tin tức khác

>   Inexim Daklak đã đấu giá hơn 1 triệu cổ phần (25/05/2011)

>   Thủy điện Đa Nhim lại đấu giá hơn 105 triệu cp (19/05/2011)

>   Ngày 10/6, IPO Tổng công ty Thép (16/05/2011)

>   Cổ phần hóa viễn thông: Cần được chuẩn bị kỹ lưỡng (15/05/2011)

>   Chuẩn bị cổ phần hóa PVOil (13/05/2011)

>   Cổ phần hóa viễn thông: Đường xa vạn dặm (11/05/2011)

>   Cổ phần hoá “chìm” theo Index (09/05/2011)

>   Sẽ cổ phần hóa 4 doanh nghiệp thuộc HUD (09/05/2011)

>   Cổ phần hóa MobiFone và VinaPhone: Như bối tơ vò (06/05/2011)

>   MobiFone sợ phát hành cổ phiếu giá cao như Vietcombank (05/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật