Vận hành thị trường điện cạnh tranh từ 1-7:
Vẫn là EVN mua áo cho người khác mặc
Hôm qua, 18-5, Cục điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị triển khai thị trường phát điện cạnh tranh từ 1-7. Nhiều ý kiến cho rằng, với cách triển khai thị trường mà cơ quan quản lý đưa ra, chỉ mình Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) được lợi.
* Thị trường điện cạnh tranh: “Tư nhân nhảy vào đâu dễ”
|
Dù chào giá cạnh tranh thì vẫn nằm trong cái khung mà EVN thiết kế. |
Bình mới rượu cũ
Đại diện Cục Điều tiết Điện lực, cho biết từ 1-7 tới, ngoài 8 nhà máy phát điện thuộc EVN như hiện nay, tất cả các nhà máy điện có công suất từ 30 MW trở lên (trừ các nhà máy điện gió và điện địa nhiệt), đều được tham gia cạnh tranh bán điện. Tuy nhiên, quy trình mua bán điện không có gì mới, vì các nhà máy điện công suất từ 30 MW vẫn phải chào giá bán qua đơn vị mua buôn duy nhất là Công ty Mua bán điện (EPTC) thuộc EVN và giao dịch trên thị trường điện giao ngay. Các nhà máy điện công suất dưới 30 MW, do không thuộc diện chào giá, vẫn bán điện cho các Tổng công ty Điện lực thuộc EVN như trước đây. Còn các nhà máy điện đầu tư theo hình thức BOT (đầu tư-chuyển giao) sẽ không tham gia chào giá trực tiếp mà do Công ty mua bán điện chào giá thay trên thị trường để thực hiện nghĩa vụ bao tiêu trong hợp đồng và tối ưu chi phí mua điện của hệ thống.
Theo ông Phạm Quang Huy, Trưởng phòng Thị trường điện lực, Cục Điều tiết Điện lực, nguyên tắc cạnh tranh ở khâu phát điện theo mô hình này nhằm giảm giá đầu vào, khuyến khích tiết kiệm chi phí cho khâu sản xuất, truyền tải, phân phối để có được giá điện hợp lý, và người tiêu dùng sẽ được lợi. Tuy nhiên, việc cạnh tranh cũng phải bảo đảm cho nhà tái đầu tư có đủ kinh phí để đầu tư vào ngành điện. Nếu không được lợi thì việc thiếu điện vẫn sẽ xảy ra và khi đó người tiêu dùng không được hưởng thụ.
Bà Võ Tú Anh, Phó ban Thương mại Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PV Power), băn khoăn: “Khi giá điện đầu ra của EVN được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, thì các đơn vị bán điện khác có được điều chỉnh hay không?”. Ông Trần Tuệ Quang, Trưởng phòng Giá và Phí, Cục Điều tiết Điện lực trả lời: “Giá có được điều chỉnh hay không còn phụ thuộc khả năng chịu đựng của EVN. Do khi đàm phán giá điện đã tính đến việc đảm bảo nhà đầu tư thu hồi đủ các chi phí, đảm bảo có lợi nhuận hợp lý trong cả vòng đời dự án, nên sẽ không có chuyện điều chỉnh lại giá đã đàm phán”.
Vẫn giữ độc quyền mua
Theo ông Hoàng Xuân Quốc, Tổng Giám đốc Cty CP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2, năm nay EVN được tăng giá điện bán lẻ cho người sử dụng nhưng nhà đầu tư có được hưởng gì từ mức tăng này không thì chưa rõ. Cần đặt bài toán giá điện có thể tăng lên 10 cent, trong khi giá điện của doanh nghiệp bán cho EVN chưa đến 5 cent, vậy 20 năm sau nếu giá điện lên 15 cent thì các nhà máy điện vẫn bán cho EVN 5 cent hay sao. “Nếu vấn đề này không được làm rõ thì những gì chúng ta đang bàn hiện nay chỉ làm lợi duy nhất cho EVN chứ chưa thể nói là huy động, kêu gọi đầu tư được nhà máy mới”- ông Quốc nói.
Cũng theo ông Quốc, trong sơ đồ của Cục Điều tiết, công ty Mua bán Điện (EPTC) có vai trò rất quan trọng nhưng đơn vị này hiện vẫn là thành viên của EVN. Trong nhiệm vụ, EPTC có chức năng ký kết hợp đồng và thanh toán nhưng dưới sự ủy quyền của EVN. Nhưng khi EVN chậm thanh toán hợp đồng doanh nghiệp không biết kêu ai. Nếu Bộ xác định EPTC là một yếu tố quan trọng trên thị trường điện thì nó phải có vai trò cụ thể và nó phải quản lý dòng tiền thu được từ các nhà máy điện độc lập.
Đại diện một doanh nghiệp ngành điện cho rằng, dù chào giá cạnh tranh thì vẫn phải nằm trong cái khung do Cục điều tiết thiết kế. Nó cũng giống như cái áo mà các ông giám đốc nhà máy điện đều phải mặc được dù rộng hay chật. Và người mua áo cho họ mặc, duy nhất vẫn là đơn vị trực thuộc EVN!
Theo quy định, thị trường điện Việt Nam sẽ phát triển theo 3 cấp độ: Thị trường phát điện cạnh tranh (từ 2005-2014); Thị trường bán buôn điện cạnh tranh (2015-2022) và Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (từ 2022). |
Phạm Tuyên
tiền phong
|