Thứ Tư, 18/05/2011 11:00

Xuất khẩu co hẹp vì lãi suất cao

Sau 3 tháng triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu vẫn kêu trời về lãi suất.Doanh nghiệp lâm cảnh nợ nần.

Cùng với chủ trương thắt chặt tín dụng, Chính phủ đã chỉ đạo các ngân hàng ưu tiên vốn cho lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu. Hưởng ứng chủ trương này, từ đầu tháng 3/2011 đến nay, nhiều ngân hàng đã đưa ra các chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Cụ thể, Eximbank, Techcombank đưa ra chương trình cho vay tài trợ xuất khẩu; Sacombank ưu đãi lãi suất tài trợ xuất khẩu cho các DN thủy sản, cà phê; VIB có chính sách hỗ trợ vốn và lãi suất đối với DN xuất khẩu gạo và thủy sản; OceanBank có chương trình khuyến khích, hỗ trợ khách hàng vay vốn để sản xuất - kinh doanh hàng hoá xuất khẩu với cam kết bán lại nguồn ngoại tệ thu được từ hoạt động xuất khẩu cho OceanBank…

Thế nhưng, sau 3 tháng triển khai, dù chưa có số liệu chính thức, song các DN cho biết, hầu như không thể tiếp cận được các chính sách ưu đãi này.

Ông Chu Văn An, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Phú cho biết, rất ít DN xuất khẩu thủy sản vay được vốn với lãi suất ưu đãi. Mặt bằng lãi suất chung mà các DN chế biến xuất khẩu thủy sản đang phải gánh hiện nay là 22- 23%/năm. Với mức lãi suất này, ông An tính toán, các DN thủy sản đang lỗ nặng vì giá sản phẩm xuất khẩu chỉ tăng 10%, trong khi chi phí đầu vào tăng tới 40% so với đầu năm.

Còn ông Nguyễn Văn Thành, Phó trưởng phòng Kế toán một DN dệt may tại Hà Nội cho biết: “Đầu tháng 4 vừa qua, Công ty vay được vốn ưu đãi từ Techcombank với lãi suất trên 18%/năm. Nhưng số vốn vay ưu đãi không được nhiều. Tuần qua, một đối tác đề nghị chúng tôi ký hợp đồng trị giá hơn 2 tỷ đồng, nhưng lãnh đạo Công ty không dám ký vì hỏi mấy ngân hàng đều cho biết, lãi suất ‘hữu nghị’ nhất hiện nay cũng phải 23%. Vay bằng USD tính ra cũng tương đương với tiền đồng”.

Khảo sát cho thấy, hầu hết DN nhỏ và vừa vay vốn phục vụ sản xuất, xuất khẩu hiện nay phải chịu lãi suất ở mức 22 - 24%/năm, cao gấp khoảng 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình trạng thiếu vốn sản xuất đã đẩy nhiều DN rơi vào cảnh nợ nần. Ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Donafoods Việt Nam cho biết, do thiếu vốn, lãi suất cao, các DN vừa và nhỏ trong ngành điều đang phải bán tháo sản phẩm, đẩy ngành điều đứng trước nguy cơ thua lỗ khoảng 500 USD/tấn. Một cảnh báo về nguy cơ phá sản hàng loạt của các DN trong ngành điều cũng đã được đưa ra.

“Không chỉ DN nhỏ, mà DN lớn cũng là nạn nhân của lãi suất cao”, ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn nói và cho biết, Công ty của ông có nguy cơ lỗ đến 70 tỷ đồng.

Trước thắc mắc về lãi suất cho vay ưu đãi của một số DN xuất khẩu, giám đốc một chi nhánh của Ngân hàng Techcombank cho biết: “Nguồn vốn vay ưu đãi cho DN xuất khẩu có hạn, nên chúng tôi phải lựa chọn những DN có thành tích tốt, có mối quan hệ thân thiết với ngân hàng, có tài sản thế chấp. Hiện hầu hết khách hàng khi gửi số tiền lớn đều mặc cả với ngân hàng lãi suất 20 - 21%/năm, trong khi DN lại đòi vay ưu đãi 17- 18%/năm. Ngân hàng cũng là DN, nên chúng tôi phải đặt mục tiêu hàng đầu là lợi nhuận và thanh khoản, không thể hỗ trợ lãi suất cho tất cả DN”.

Trong bối cảnh căng thẳng về lãi suất hiện nay, nhiều DN sản xuất, xuất khẩu buộc phải co hẹp sản xuất, tạm dừng các dự án đầu tư mới, thậm chí ngừng sản xuất, xuất khẩu để chờ qua thời điểm khó khăn.

Ông Thái Đình Toàn, Giám đốc Công ty Xuất khẩu thủ công mỹ nghệ Toàn Thắng (Hà Nội) cho biết: “Đơn hàng nhiều, nhưng không dám nhận. Làm hàng thủ công mỹ nghệ lãi rất ít, chủ yếu là tạo việc làm cho người dân trong vùng. Tiền thu về chỉ đủ trả lãi, trả lương, nhưng với lãi suất hiện nay, chúng tôi không thể chịu đựng được. Còn vốn ưu đãi thì cả làng nghề chỉ có vài DN được vay. Tôi đã cho nghỉ việc gần một nửa công nhân, chỉ giữ lại một nửa để thực hiện nốt các hợp đồng đã ký, rồi sau đó tính tiếp”.

Về vấn đề này, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa thừa nhận: “Hiện chỉ có khoảng 20% DN nhỏ và vừa tiếp cận được vốn vay ưu đãi của các ngân hàng. Do lãi suất cho vay hiện quá cao, DN chủ yếu vay ngắn hạn, không phải vay vốn cho phát triển dài hạn, nên không tạo ra cơ sở vật chất lâu bền, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh lâu dài của DN Việt Nam. Đó là chưa kể, lãi suất cho vay quá cao cũng khiến ngân hàng gặp không ít rủi ro”

Hà Tâm

đầu tư

Các tin tức khác

>   Chuyên gia quốc tế nhận định Việt Nam sẽ là nhà sản xuất cao su lớn thứ 4 thế giới (18/05/2011)

>   Nhập khẩu tháng 4 lập kỷ lục (18/05/2011)

>   SPT hoàn tất hồ sơ liên doanh mạng S-fone (18/05/2011)

>   Giải pháp vốn cho doanh nghiệp: Tính toán từ nội lực (18/05/2011)

>   Du lịch “mạnh ai nấy làm” (18/05/2011)

>   Cùng tìm lối ra cho doanh nghiệp (18/05/2011)

>   Thị trường đất hiếm: Thực trạng và triển vọng (17/05/2011)

>   DN Xuất nhập khẩu kỳ vọng tăng nhu cầu tài trợ thương mại (17/05/2011)

>   Việt Nam xuất siêu sang Indonesia 110 triệu USD (17/05/2011)

>   Salon ôtô nhập khẩu lo hết đường làm ăn sau 26/6 (17/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật