Thứ Tư, 18/05/2011 22:01

Dầu khí: Manh nha những cuộc tháo chạy  

Dường như các tập đoàn dầu khí đa quốc gia không còn mặn mà với các dự án thăm dò, khai thác dầu khí ngoài khơi Việt Nam.

Tuần qua, một sự kiện gây nhiều chú ý là việc tập đoàn dầu khí lớn thứ 3 của Mỹ, ConocoPhillips, rao bán cổ phần trong tổng khối tài sản trị giá 1,5 tỉ USD của mình tại Việt Nam.

Quyết định hợp lý?

Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), ConocoPhillips đang chiếm 23,3% cổ phần trong một nhóm gồm 5 mỏ khai thác tại khu 15-1 thuộc bể trầm tích Cửu Long. Ngoài ra, Tập đoàn còn sở hữu 36% cổ phần mỏ Rạng Đông tại khu 15-2. Các mỏ dầu khí này sản xuất 32.000 thùng dầu mỗi ngày trong năm 2009.

ConocoPhillips rao bán 16,3% cổ phần trong dự án đường ống dẫn khí đốt Nam Côn Sơn, nơi vận chuyển 19,8 triệu mét khối khí/ngày giữa lưu vực Nam Côn Sơn với miền Nam của Việt Nam.

Nguyên nhân dẫn đến quyết định của ConocoPhillips là hoạt động kinh doanh của Tập đoàn tại Việt Nam khá hạn chế và họ muốn dồn vốn cho những dự án khác lớn hơn.

Bản chất của ngành dầu khí là hoạt động dựa trên nguyên tắc gọi nôm na là tỉ lệ bù trừ. Khi khai thác 100 thùng dầu thô chẳng hạn, công ty dầu khí phải tìm một lượng dầu thô tương đương để bù đắp cho phần đã khai thác với chất lượng tương tự, nhằm đảm bảo dự trữ cho hoạt động của công ty trong tương lai.

Một nhà phân tích dầu khí nói với NCĐT rằng, mặc dù đã đầu tư khá lớn vào các dự án tìm kiếm và khai thác dầu thô ngoài khơi Việt Nam. Tuy nhiên, lượng dầu tìm được ở các mỏ Việt Nam không tương xứng với yêu cầu về tỉ lệ dự trữ của ConocoPhillips. Do vậy, nếu tiếp tục rót vốn, tỉ lệ rủi ro lợi nhuận là khá cao, chưa kể một số rủi ro khác.

Quyết định của ConocoPhillips được cho là hợp lý trong bối cảnh các nghiên cứu cho thấy trữ lượng dầu thô của Việt Nam không phải là quá dồi dào. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cũng được nhìn nhận là tuy lớn nhưng chưa mạnh, ngay cả khi chỉ so với các tập đoàn trong Đông Nam Á, như Petronas của Malaysia.

Cả năm nay, PVN đặt mục tiêu khai thác 15 triệu tấn dầu thô và trong 4 tháng đầu năm, tổng sản lượng khai thác quy dầu đã đạt 7,97 triệu tấn. Trong khi đó, các mỏ dầu mới phát hiện trong nước rất ít, trữ lượng một số mỏ trong nước đang giảm dần. Còn các dự án mới khai thác của PVN ở nước ngoài chưa được như mong muốn.

Một nguồn tin khác (giấu tên) cho biết, một số nhà đầu tư Trung Quốc hoặc Ấn Độ có thể mua lại cổ phần của ConocoPhillips, nhưng vẫn phải đợi Chính phủ Việt Nam chấp thuận. ConocoPhillips cũng đã thảo luận kế hoạch bán cổ phần với PVN bởi PVN có góp vốn trong các dự án của tập đoàn Mỹ này.

Vẫn nguồn tin trên xác nhận, trữ lượng một trong các khu mỏ có sự tham gia khai thác của ConocoPhillips đã đạt đỉnh và sẽ đi xuống trong tương lai không xa. Bên cạnh đó, nếu muốn phát triển thêm mỏ mới, ConocoPhillips phải khoan thăm dò ngoài khơi biển Đông nhưng sẽ gặp rủi ro do tình hình ở đây đang phức tạp.

Thu dần hoạt động

Không chỉ có tập đoàn dầu khí của Mỹ, British Petroleum (BP) của Anh cũng đã rút khỏi Việt Nam vì một số lý do.

BP có 3 mảng hoạt động tại Việt Nam. Đầu tiên là Downstream (hạ nguồn), gồm lọc dầu, cung ứng, mua bán, vận chuyển, sản xuất và tiếp thị dầu thô với 30% cổ phần trong Nhà máy Điện Phú Mỹ 3. Midstream (trung nguồn) gồm các đường ống dẫn khí với hơn 30% cổ phần trong đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn. Và Upstream (thượng nguồn) gồm tìm kiếm, thu hồi dầu và khí thiên nhiên, khai thác, chiết xuất dầu thô, khí tự nhiên với 50% cổ phần trong các dự án Lan Tây và Lan Đỏ.

Tháng 10.2010, BP bán 32,7% cổ phần trong đường ống Nam Côn Sơn cho Liên doanh TNK-BP (liên doanh có lãi lớn nhất của BP ngoài nước Anh) cũng như cổ phần trong 2 dự án còn lại. Hiện BP đang quan tâm đến các mỏ dầu trữ lượng lớn ở phía Bắc nước Nga.

PVN từng có ý mua lại tài sản của BP ở Việt Nam nhưng không thành công. Công ty Liên doanh Dầu khí TNK-BP (có 50% cổ phần của BP, 50% còn lại của các công ty Nga) đã đồng thời tiến hành việc mua lại tài sản của BP tại Việt Nam và Venezuela có tổng giá trị 1,8 tỉ USD. Trong đó, giá trị cổ phần của 3 dự án mà BP góp vốn ở Việt Nam, theo một nguồn tin là 500 triệu USD và phần này đã được bán cho TNK-BP. Tổng vốn đầu tư của cả 3 dự án trên là 1,379 tỉ USD. Tổng sản lượng sản xuất của BP tại Việt Nam đạt 15.000 thùng dầu/ngày.

Tập đoàn dầu khí nước ngoài đầu tiên đầu tư vốn thăm dò, khai thác dầu khí tại Việt Nam song không tìm thấy là Shell (Hà Lan). Năm 1988, Shell trở lại Việt Nam sau khi Việt Nam ban hành Luật Đầu tư nước ngoài. Lúc đó, Shell đã ký hợp đồng phân chia sản phẩm đầu tiên để thăm dò dầu khí ngoài khơi Đà Nẵng, sau đó là Vũng Tàu. Dù đã rót hơn 150 triệu USD nhưng Shell vẫn không tìm thấy mỏ dầu với trữ lượng như kỳ vọng và hoạt động này đã chấm dứt vào năm 1996.

Hiện nay, Shell vẫn có mặt tại Việt Nam thông qua Công ty Shell Việt Nam, Công ty Shell Gas (LPG) Việt Nam và Công ty Shell Gas (LPG) Hải Phòng.

Như vậy, ngoài BP đã bán hết tài sản tại Việt Nam và ConocoPhillips trên đường rút lui, hiện còn có Exxon Mobil (Mỹ) đang làm ăn tại Việt Nam. Chevron (Mỹ) thì đang mở rộng kinh doanh và một số tập đoàn khác như Talisman (Canada) có đầu tư nhưng không lớn.

Thành Trung

Nhịp cầu đầu tư

Các tin tức khác

>   Chấn chỉnh công tác quản lý các gói thầu EPC (18/05/2011)

>   Thị trường điện cạnh tranh: “Tư nhân nhảy vào đâu dễ” (18/05/2011)

>   Tiềm ẩn xung đột ở sàn hàng hóa (18/05/2011)

>   “Khép cửa” xe nhập: “Chúng tôi hết đường làm ăn!” (18/05/2011)

>   Xuất khẩu co hẹp vì lãi suất cao (18/05/2011)

>   Chuyên gia quốc tế nhận định Việt Nam sẽ là nhà sản xuất cao su lớn thứ 4 thế giới (18/05/2011)

>   Nhập khẩu tháng 4 lập kỷ lục (18/05/2011)

>   SPT hoàn tất hồ sơ liên doanh mạng S-fone (18/05/2011)

>   Giải pháp vốn cho doanh nghiệp: Tính toán từ nội lực (18/05/2011)

>   Du lịch “mạnh ai nấy làm” (18/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật