Thứ Năm, 26/05/2011 16:13

Trái phiếu công ty: Gỡ bí DN thời đói vốn?

Nhiều ý kiến nhận xét, dường như các DN Việt Nam khi nào “bí” tiền thì mới nghĩ đến phát hành trái phiếu. Điều này làm trái phiếu của DN không có tên trên bản đồ tài chính và không có chỉ số tham chiếu. Sự thiếu hụt này còn cản trở lớn đối với việc phát triển thị trường trái phiếu công ty.

Nhìn vào cơ cấu vốn, dễ dàng nhận thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang dựa vào hai nguồn chính là tín dụng ngân hàng và phát hành cổ phiếu. Dường như các doanh nghiệp mới chỉ quan tâm đến thị trường trái phiếu trong vài năm gần đây. Như vậy, rõ ràng trái phiếu đang là kênh huy động vốn tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam.

Đi vay và phát hành cổ phiếu: Khó càng khó!

Với cơ chế lãi suất thả nổi từ đầu năm 2011, đến nay, lãi suất cho vay của NHTM đã leo lên trên 20%. Với mức này, khó doanh nghiệp nào có lãi bù đắp được chi phí vay.

Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2010 cho thấy, chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp được khảo sát chịu đựng được mức lãi suất vay từ 16-20%/năm (vào thời điểm đầu năm 2010). Nhiều doanh nghiệp cho rằng họ sẽ thu nhỏ quy mô sản suất nếu lãi vay ngân hàng tiếp tục gia tăng cùng với điều kiện môi trường kinh doanh trở nên khó khăn hơn.

Thêm vào đó, khảo sát không chính thức về cơ cấu kỳ hạn nguồn vốn ngân hàng Việt Nam cho thấy, hệ thống này hiện cũng khó có khả năng cung ứng nguồn vốn có kỳ hạn dài. Ước đoán thời điểm hiện nay, cơ cấu nguồn vốn trung và dài ở khu vực ngân hàng chỉ chưa tới 15% tổng nguồn. Các công cụ chuyển vốn ngắn thành dài hạn ở các NHTM Việt Nam cũng hết sức hạn chế (nếu như không muốn nói là không) và thực tế từ năm 2008 đến nay, hệ thống NHTM cũng luôn luôn trong tình trạng khó khăn về thanh khoản và thường "lấy ngắn nuôi dài".

Trong khi đó, diễn biến theo chiều hướng không thuận lợi trên TTCK thời gian qua cũng chứng tỏ, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn từ kênh phát hành cổ phiếu. Từ 2010 đến nay, nhiều doanh nghiệp đã hoãn lại kế hoạch tăng vốn cho thấy rõ điều này.Việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn hiện nay, áp lực trả cổ tức cũng là vấn đề rất lớn đối với các doanh nghiệp. Hơn nữa, việc phát hành cổ phiếu cũng cần đảm bảo trình tự và thủ tục rất phức tạp theo quy định của cơ quan chức năng và của bản thân công ty.

Như vậy, trong bối cảnh khó khăn trên, trước khi nghĩ đến các kênh huy động khác, bản thân các doanh nghiệp nên chăng cần xem xét lại cấu trúc vốn hiện có của mình, có chiến lược để sử dụng hiệu quả nguồn vốn này. Và các giám đốc tài chính (CFO) của doanh nghiệp phải đưa ra được kế hoạch mang tính chiến lược và dài hạn trong công tác hoạch định lại nguồn vốn.

Trái phiếu DN - kênh huy động của tương lai

Những năm gần đây, thị trường trái phiếu Việt Nam đã có bước phát triển mạnh hơn. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu nội địa vẫn chủ yếu là trái phiếu chính phủ, với quy mô chung đạt khoảng 16% GDP.

Trong đó, trái phiếu chính phủ chiếm khoảng 13% GDP. Trái phiếu công ty có quy mô khiêm tốn, chỉ hơn 3% GDP và chiếm tỷ trọng khoảng 20% tổng quy mô thị trường. So với các nước trong khu vực, quy mô thị trường trái phiếu công ty Việt Nam còn có quá nhỏ hay còn nhiều tiềm năng. Chẳng hạn, Thái Lan quy mô thị trường trái phiếu công ty lên tới gần 50 tỷ USD vào năm 2010, chiếm khoảng 20% GDP.

Xét về tình hình phát triển, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ( corporate bond ) Việt Nam đã có sự tăng  trưởng đáng kể về quy mô và thị phần từ năm 2006 và hiện tại (ước tính giữa năm 2011) lên tới khoảng 3,5 tỷ USD.

Gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp tăng mạnh cả về giá trị và quy mô, năm 2010 tăng 49% so với năm 2009 và đạt quy mô trên 50.000 tỷ đồng. Về công ty phát hành, nếu như những năm trước, các nhà phát hành chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước lớn như Vinashin, Vinaconex, EVN, Petro Việt Nam, Lilama, Tổng công ty thép Việt Nam..., thì những năm gần đây nhà phát hành đã là các công ty cổ phần  như STB, SHB, Liên Việt Bank, HBB, SSI, VinCom, T&T Hà Nội....

 

"Bí" tiền doanh nghiệp mới nghĩ tới

Nhìn vào quy mô và thực tế giao dịch trái phiếu công ty Việt Nam thời gian qua cho thấy có một số đặc điểm đáng quan tâm về thị trường trái phiếu Việt Nam hiện nay:

- Thị trường còn khá sơ khai với quy mô quá nhỏ so với GDP. Các doanh nghiệp phát hành thường là lần đầu, chưa tạo ra một thị trường nhất định và chủ yếu vẫn là các DNNN..., nhờ dựa vào uy tín và thực chất là trái phiếu chính phủ.

- Thị trường trái phiếu Việt Nam với chủ yếu là trái phiếu có cấu trúc lãi suất cố định năm đầu và thả nổi những năm còn lại do biến động của lãi suất. Một số chuyên gia cho rằng, lãi suất trái phiếu công ty Việt Nam cao là do cả yếu tố vĩ mô và vi mô. Về mặt vĩ mô phải kể đến là mức tín nhiệm quốc gia thấp, lạm phát cao (như năm 2010 chỉ số giá tiêu dùng - CPI là 11,75%) và bất ổn vĩ mô khác như dự trữ ngoại hối quốc gia, thâm hụt ngân sách, thâm hụt thương mại; lãi suất trái phiếu chính phủ cao cũng là tham chiếu đẩy lãi suất trái phiếu công ty lên cao. Về mặt vi mô (doanh nghiệp), hệ quản trị doanh nghiệp Việt Nam (corporate governance ) cần được cải thiện hơn nữa.

- Các công ty phát hành chưa được xếp hạng tín nhiệm bởi hãng định mức tín nhiệm chuyên nghiệp. Nhiều ý kiến nhận xét, dường như các doanh nghiệp Việt Nam khi nào "bí" tiền thì mới nghĩ đến phát hành trái phiếu (đó là nguyên nhân khiến trái phiếu chính phủ Việt Nam không được biết đến như trái phiếu chính phủ Philippines và Indonesia, mặc dù mức tín nhiệm của các quốc gia này giống Việt Nam vào thời điểm đầu năm 2010).

Điều này trước tiên làm trái phiếu của doanh nghiệp không có tên trên bản đồ tài chính và không có chỉ số tham chiếu. Thêm vào đó, sự thiếu hụt này cản trở lớn đối với việc phát triển thị trường trái phiếu công ty trên phương diện tổng thể. Các doanh nghiệp trong nước cũng bị coi là hoạt động kém minh bạch (chế độ kiểm toán, công bố báo cáo chưa theo hoặc chưa đạt chuẩn mực quốc tế); đặc biệt các mức xếp hạng, định mức tín nhiệm và công bố mức tín nhiệm về công ty thường không liên tục, không đầy đủ.

- Tính thanh khoản thấp: Trên thị trường thứ cấp, giao dịch trái phiếu công ty rất kém sôi nổi và kém thanh khoản. Thị trường trái phiếu mới phát triển ở Việt Nam, các chỉ số thị trường mới hình thành nên tính thanh khoản thấp, mức độ sôi động kém là điều dễ hiểu. Hơn nữa, lại chưa có nhà tạo lập thị trường. Điều đó làm cho thị trường thứ cấp hầu như không hoạt động và việc xác định, xây dựng các chỉ số thị trường (như lợi tức trái phiếu) là cần có thời gian.

Ngoài ra, các trái phiếu chủ yếu là trái phiếu chuyển đổi (thành cổ phiếu khi đáo hạn). Điều đó có nghĩa là nếu TTCK kém sôi động thì các giao dịch trên thị trường thứ cấp cũng rất hạn chế và đến khi đáo hạn, trái chủ thường không thực hiện quyền chuyển đổi mà lại lựa chọn cách rút tiền mặt (và đó cũng là thực tế ở Việt Nam vào năm 2011). Các trái phiếu cũng dường như không có chủ ý niêm yết ngoại trừ một số để niêm yết trên TTCK quốc tế.

Các tính toán cũng cho thấy, với thủ tục hiện nay, việc huy động qua trái phiếu, chi phí cũng cao so với phát hành cổ phiều và vay ngân hàng do đó các doanh nghiệp nếu tính cho ngắn hạn (trước mắt) thì sẽ không phát hành trái phiếu mang tên công ty mình. Một số NHTM trong thời gian qua cũng đã biến tướng các khoản cho vay công ty bằng cách đầu tư vào trái phiếu công ty để lách giới hạn cho vay - hiện NHNN đã đưa cả mức này vào giới hạn an toàn của mình.

Tiềm năng trong trung hạn

Nếu có cái nhìn rất ngắn hạn thì rõ ràng, trái phiếu công ty chưa phải là giải pháp thay thế cho các nguồn vốn khác của doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nhìn trung hạn, rõ ràng ta nhìn thấy một tiềm năng lớn về thị trường này còn đang bỏ ngỏ. Các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược về vốn ở tầm trung hạn, và khi đó, cơ cấu vốn trái phiếu sẽ từng bước được đưa vào chiến lược tài chính của công ty, và công ty cũng có chiến lược về xây dựng trái phiếu riêng trong cơ cấu cổ phiếu, trái phiếu của  mình.

Việc xây dựng chiến lược tài chính, chiến lược huy động ngày hôm nay sẽ đảm bảo việc huy động trái phiếu nói riêng và huy động vốn nói chung của doanh nghiệp sẽ thành công. Hơn nữa, khi đó uy tín của doanh nghiệp sẽ gia tăng cùng với việc phát hành thành công cả cổ phiếu và trái phiếu.

Ở Việt Nam hiện tại, người ta không đánh giá một công ty nào phát hành trái phiếu không thành công (lãi suất hợp lý), nhưng trong một vài năm nữa, nếu doanh nghiệp nào phát hành trái phiếu không thành công thì chắc chắn nhà đầu tư cũng sẽ gạch tên công ty đó trong danh mục đầu tư của mình. Một công ty có lượng trái phiếu lớn và có mức độ giao dịch lớn sẽ tạo danh tiếng và chỉ số trái phiếu trên thị trường và đó là điều nhà quản trị chiến lược của các công ty Việt Nam cần nghĩ đến và đặt viên gạch đầu tiên cho nó ngay từ ngày hôm nay.

Ths Lê Văn Hinh

diễn đàn kinh tế việt nam

Các tin tức khác

>   Thờ ơ với phát hành trái phiếu doanh nghiệp (26/05/2011)

>   Trái phiếu chuyển đổi: Coi chừng “bẫy” ngày đáo hạn (26/05/2011)

>   Đề nghị sửa đổi chính sách thuế với trái phiếu (25/05/2011)

>   HUT thu về 140 tỷ đồng từ đợt chào bán trái phiếu (24/05/2011)

>   Vốn từ kênh trái phiếu (21/05/2011)

>   SBS phát hành thành công 185 tỷ đồng trái phiếu (19/05/2011)

>   Nhận diện người mua trái phiếu tại Việt Nam (19/05/2011)

>   Chỉ đấu thầu được 52% trái phiếu Chính phủ gọi thầu (17/05/2011)

>   HAG sẽ niêm yết 90 triệu USD trái phiếu ở Singapore (17/05/2011)

>   SHB đã chuyển đổi 13.18 triệu trái phiếu chuyển đổi (17/05/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật