Trái phiếu chuyển đổi: Coi chừng “bẫy” ngày đáo hạn
Sau những đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi với khối lượng hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng năm 2009, 2010 của các ngân hàng như An Bình, Liên Việt, Sài Gòn, Phương Đông… là hàng ngàn trái chủ đang bấp bênh cơ hội chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu hay nhận lại tiền vào ngày đáo hạn.
Trong bối cảnh tiền mặt khan hiếm như hiện nay, bài toán làm thế nào để không phải trả lại tiền trái chủ, tức là buộc trái chủ chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, đang được một số ngân hàng đặt ra. Trước thực tế này, phía nhà đầu tư, những người từng bỏ tiền mua trái phiếu chuyển đổi, cần có một sự cẩn trọng, tinh ý để tránh rơi vào "bẫy" ngày đáo hạn.
Sau khi ĐTCK phản ánh việc NĐT tên Đ. cảm thấy như bị "bẫy" phải chuyển đổi trái phiếu Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (mã SHB) thành cổ phiếu khi trái phiếu hết hạn, nhiều ý kiến phản hồi về ĐTCK cũng như các diễn đàn mạng cho biết, đây cũng là suy nghĩ chung của họ. Mặc dù SHB không làm sai luật, thông tin công bố công khai, nhưng việc Ngân hàng đột ngột thay đổi thời gian đăng ký nhận lại tiền với trái chủ, khiến những người không theo dõi sát thông tin này bị "hớ". Nhiều NĐT cho biết họ đã không nhận được thư Ngân hàng gửi đúng kỳ hạn và không biết việc Ngân hàng yêu cầu NĐT phải đến một số địa điểm nhất định để đăng ký không chuyển đổi trái phiếu khi đáo hạn. NĐT tên Ngọc Thủy nhận xét rằng, suy đến cùng, khi mua trái phiếu, NĐT đã không đủ tỉnh táo để đọc toàn bộ thông tin trong bản cáo bạch, để đủ nhận ra rằng: nếu không nói gì tức là đồng ý chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu!
Một trường hợp khác là chuyển đổi trái phiếu phát hành năm 2010 của CTCP Tasco (mã HUT). Với mức giá chuyển đổi là 13.830 đồng/CP (sau khi đã tính giá pha loãng), trong khi giá thị trường tại thời điểm cuối cùng chốt danh sách chuyển đổi chỉ là 12.100 đồng/CP thì chẳng NĐT nào chấp nhận chuyển đổi. Nghị quyết ĐHCĐ của HUT thông qua trước đó đã cho phép HĐQT chủ động lựa chọn phương án chuyển đổi. Sau đó, theo nội dung Nghị quyết HĐQT Công ty ngày 27/4 và ngày 5/5 thì cổ đông nếu muốn rút gốc phải đăng ký không chuyển đổi trong khoảng thời gian 5 ngày kể từ ngày trái phiếu đáo hạn. Có lẽ do nội dung đã được phổ biến từ cuộc họp ĐCHĐ năm 2011 nên 100% NĐT đã kịp đăng ký không chuyển đổi trái phiếu để nhận lại tiền. Thời điểm hiện tại, giá HUT đã rơi về 9.000 đồng/CP.
Trên đây là 2 trường hợp mà nếu như trái chủ sơ ý sẽ đánh mất quyền nhận lại tiền từ tổ chức phát hành trái phiếu, hay nói cách khác là sẽ phải chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu khi TTCK đang diễn biến bất lợi.
Ông Lê Minh Sơn, NĐT nắm giữ nhiều trái phiếu ngân hàng chia sẻ, nếu khi mua, trái phiếu chuyển đổi được coi là công cụ đầu tư vừa an toàn, vừa hiệu quả thì hiện nay, ông cảm thấy lo lắng với lượng trái phiếu hiện có, nhất là loại chuyển đổi đương nhiên (là loại mà trong bản cáo bạch không nhắc gì đến quyền của trái chủ trong việc rút gốc khi trái phiếu đáo hạn). Bản thân ông đã vướng vào 2 trường hợp trái phiếu chuyển đổi của doanh nghiệp chưa niêm yết, khi đến ngày đáo hạn, do giá OTC giảm mạnh nên ông muốn rút gốc thì được doanh nghiệp trả lời, đây là trái phiếu chuyển đổi bắt buộc, dù trái chủ muốn hay không!
"Đến thời điểm này, chúng tôi cũng chưa chắc chắn về việc nếu hội đồng quản trị DN không đưa thêm mục 'thời gian đăng ký không chuyển đổi' vào phương án chuyển đổi thì có bị coi là không hợp lệ hay không đối với những trường hợp chuyển đổi trái phiếu đương nhiên!", ông Sơn lo lắng nói.
Mua trái phiếu chuyển đổi, nhiều người nghĩ rằng, đó là cơ hội để nắm giữ một tài sản lưỡng tính, trái chủ có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu hoặc nhận lại tiền vào thời điểm đáo hạn. Nhưng với sự khát tiền mặt của các ngân hàng, các DN đã phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái chủ cần theo dõi kỹ các thông tin về ngày đáo hạn, nếu không sẽ dễ mắc bẫy buộc phải chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, không được nhận lại tiền như suy nghĩ đơn giản khi mua.
Bùi Sưởng
đầu tư chứng khoán
|