Thoái vốn 2011: Chọn lọc kỹ, cân bằng lợi ích
Năm 2010 Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã tích cực thoái vốn tại hàng loạt công ty con, cháu không thuộc ngành nghề kinh doanh chính. Nhưng với việc thị trường chứng khoán (TTCK) diễn biến tiêu cực từ đầu năm 2011 đến nay, việc thoái vốn của PVN cũng như hàng loạt tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác ít nhiều sẽ gặp khó khăn. Đâu sẽ là lối thoát?
Thoái có chọn lọc
Ông Phan Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán An Bình, nhận định: “Năm 2010, PVN gặp nhiều thuận lợi trong việc thoái vốn, trong đó có một số doanh nghiệp chất lượng tài sản chưa tốt nhưng vẫn bán được, thậm chí còn được giá. Năm nay kịch bản này chắc chắn không xảy ra mà phải có sự chọn lọc gắt gao”.
Thí dụ trường hợp Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) - thành viên duy nhất thực hiện chức năng đầu tư kinh doanh bất động sản của PVN hiện nay - thoái vốn tại CTCP Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVA) trong năm 2010. Năm này PVA đã có một đợt tăng “khủng”, từ 3.0 (tháng 2) lên đến gần 12.0 (đầu tháng 5).
Trong thời gian tới, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ tiếp tục thoái vốn không chỉ ở doanh nghiệp bất động sản hay tài chính, chứng khoán mà còn ở doanh nghiệp không phục vụ cho hoạt động kinh doanh chính của họ và đây là cơ hội cho nhà đầu tư. Có 3 loại doanh nghiệp tiến hành thoái vốn không sợ “ế”: Doanh nghiệp có tiềm năng tăng trưởng tốt và hiệu quả sinh lời cao; doanh nghiệp có tài sản tốt, dòng tiền tương đối ổn; doanh nghiệp nhỏ nhưng có lợi thế kinh doanh như giấy phép, hệ thống khách hàng.
Th.S Đào Trung Kiên, Trường Đại học Kinh tế TPHCM |
PVX đã đăng ký bán ra PVA tại các thời điểm tháng 3 (gần 1,5 triệu cổ phiếu), tháng 4 (1,8 triệu cổ phiếu), tháng 5 (1 triệu cổ phiếu) chính là lúc PVA tiến đến gần đỉnh và cũng là thời điểm TTCK diễn biến tương đối tốt. Năm 2011, PVA đặt ra kế hoạch 150 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế nhưng kết thúc quý I chỉ đạt chưa đến 6 tỷ đồng, tức chỉ bằng 4% kế hoạch.
Điểm đáng chú ý là kết quả kinh doanh của PVA đang rất kém nhưng lại có kế hoạch tăng vốn từ 100 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng trong năm nay, tức lên gấp 6 lần?
Theo ước tính của một chuyên gia, thanh khoản ở mức “coi được” của TTCK sẽ vào tầm 1.500-2.000 tỷ đồng/phiên, nhưng để phù hợp cho các hoạt động thoái vốn, con số này phải tăng lên mức trên 3.000 tỷ đồng, tức gấp khoảng 4 lần con số thực tế hiện nay. Tháng 4-2010 có thể xem là giai đoạn tốt nhất của TTCK năm ngoái, thanh khoản của thị trường thường xuyên đạt mức 4.000-5.000 tỷ đồng mỗi phiên.
Năm nay, không có thiên thời (thị trường chung xấu), địa lợi (các đội lái lỗ) và nhân hòa (nhà đầu tư chán ngán) có lẽ những trường hợp kiểu như PVA gần như không thể lặp lại. Điều này cho thấy quy trình đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn rồi tiến hành thoái vốn sẽ phải “chỉnh lý” nhiều. Năm 2011, SCIC dự kiến bán vốn trên 300 công ty và năm 2012 gần 100 công ty. TS. Phạm Linh, Tổng giám đốc CTCK Quốc Tế, cho biết các công ty được SCIC thoái vốn có quy mô nhỏ, kiểm soát không được, ngành nghề kinh doanh không tiềm năng. Theo xu hướng chung, năm nay hoạt động bán vốn của SCIC sẽ khó khăn hơn.
Cân bằng lợi ích
PVN đang yêu cầu một loạt doanh nghiệp đầu tư bất động sản có chữ “dầu khí” trong tên gọi như CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR), CTCP Bất động sản điện lực Dầu khí (PVL), CTCP Bất động sản tài chính Dầu khí (PFL)… phải đổi tên và thay đổi thương hiệu. Lý do vì PVN không còn giữ vốn tại các doanh nghiệp này và để tránh mang tiếng đem vốn nhà nước đổ vào bất động sản. Điều này một mặt cho thấy sự quyết liệt trong việc tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của PVN, nhưng mặt khác cũng đặt ra câu hỏi: phải chăng PVN hành động theo kiểu “qua cầu rút ván”?
Mối quan hệ phụ thuộc giữa công ty con và mẹ sẽ là một trong những thách thức cần phải giải quyết khi muốn thoái vốn. Rộng hơn, nếu những tập đoàn, tổng công ty nào tuyên bố thoái vốn nhưng ảnh hưởng của mình vẫn còn rất lớn, thực chất của việc thoái vốn này chỉ là lấy tiền của nhà đầu tư đem về làm chuyện khác chứ không phải đem lại sự thay đổi cho doanh nghiệp.
Ông Hồ Ngọc Bạch, Phó phòng Nguồn vốn Ngân hàng TMCP Đại Á |
Khi tiến hành IPO hoặc khi đưa cổ phiếu lên sàn, ít nhiều chữ “dầu khí” đã giúp những doanh nghiệp này có giá trong mắt nhà đầu tư, từ đó họ có thể bỏ tiền ra mua với giá cao, giá tốt. Điều này không chỉ doanh nghiệp mà cả PVN cũng được hưởng lợi.
Khi hoạt động đa ngành chưa bị “lên án” như bây giờ, sự gia tăng số lượng các công ty mang họ “dầu khí” cũng giúp PVN được tiếng là hùng mạnh, phát triển cả chiều sâu lẫn bề rộng. Việc PVN sau khi thoái vốn đã bắt doanh nghiệp phải đổi tên lẫn thương hiệu để tránh “mang tiếng” khiến nhiều người đặt câu hỏi về viễn cảnh của các doanh nghiệp sau thoái vốn như thế nào?
TS. Phạm Linh nhận xét: “Việc tập đoàn, tổng công ty sau khi thoái vốn rồi quay trở lại ép các công ty con của mình không phải bây giờ mới có. Có thể kể ra đây trường hợp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có phần o ép các doanh nghiệp của mình khi thương lượng giá bán điện.
Khi doanh nghiệp thuộc EVN tiến hành cổ phần hóa, trong phương án sẽ được phê duyệt cả giá bán điện những năm đầu và thường EVN cho giá mua rất thấp, ngoài ra còn có thể định giá lại tài sản tăng thêm dù khấu hao đã nhiều. Đến khi gia hạn hợp đồng mua bán điện lại bị ép tiếp với lý do hỗ trợ đất nước. Các doanh nghiệp ngành điện sau khi cổ phần hóa vẫn có thể bị EVN xoay như chong chóng”.
Hậu thoái vốn
Một số các chuyên gia cho rằng câu chuyện “hậu thoái vốn” chính là rủi ro đối với các nhà đầu tư khi mua vào. Điều này đã phần nào lý giải tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp điện luôn ở mức “thường thường bậc trung” khi giá cổ phiếu không có những chuyển biến tích cực. Như trường hợp của PPC (Nhiệt điện Phả Lại), hiện tại là mùa khô cũng là mùa cao điểm của hoạt động kinh doanh, nhưng cổ phiếu này đã rớt xuống dưới 1.0.
Hoặc như VSH (Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh), cổ phiếu cũng rớt xuống dưới mệnh giá, P/E chỉ xấp xỉ 7 lần, một tỷ lệ khá thấp cho cổ phiếu có tính phòng hộ nhưng không thấy chuyển biến gì tích cực. Và với những mức giá hiện nay, liệu EVN có sẵn sàng thoái vốn ra hay không?
|
GMD (Gemadept) được xem là trường hợp thành công trong việc thoái vốn của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinaline). |
Nhưng nếu lật ngược lại vấn đề, nếu sau này TTCK hồi phục, PPC hay VSH tăng giá theo kiểu thuyền lên sóng lên, EVN thấy được giá và tiến hành thoái vốn, cũng chưa chắc có ai dám mua vì những rủi ro theo kiểu bị ép giá điện vẫn quá lớn.
Một trường hợp khác là công ty con hoạt động thế nào sau khi tổng công ty, tập đoàn mẹ thoái vốn. Như trường hợp PVR mới đây công bố thâu tóm một khu đất vàng tại Hà Nội và đầu tư xây dựng trên đó với tổng mức đầu tư ước tính ban đầu hơn 2.000 tỷ đồng. Liệu dự án này có thành công hay không vẫn đang là dấu hỏi lớn khi thị trường bất động sản đang khó khăn, đồng thời PVR cũng sắp phải thay đổi tên và thương hiệu.
Tuy nhiên GMD (Gemadept) lại được xem là trường hợp khá thành công trong việc thoái vốn của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Hiện Vinalines không còn nắm quyền chi phối tại GMD nhưng nhìn chung hoạt động kinh doanh của GMD vẫn khá tốt, mặc dù vẫn có một số vấn đề như việc đầu tư tài chính hay như mới đây tại ĐHCĐ của công ty đã nóng lên vì chuyện trồng cao su.
Theo đánh giá của nhiều người, ngoài chuyện sở hữu ban lãnh đạo khá tốt, GMD còn được hưởng những lợi thế kinh doanh, những dự án tiềm năng. Hoặc như SJS (Sudico) cũng đã được Tập đoàn Sông Đà thoái vốn trong những thời điểm cổ phiếu này đang có giá tốt. Nhưng giờ đây, việc các tập đoàn, tổng công ty có đủ khả năng để “hà hơi” tiếp sức cho các doanh nghiệp rồi sau đó bán ra ngoài lại là chuyện khác. Vì nếu tập trung lợi ích cho một vài công ty cũng sẽ dẫn đến những công ty con còn lại có thể không được chia sẻ nhiều và từ đây sẽ khó khăn trong việc thoái vốn.
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico, cho rằng: “Các tập đoàn, tổng công ty phải có lộ trình cổ phần hóa rồi tiến đến thoái vốn rõ ràng để nhà đầu tư xác định rõ và không bị nhầm tưởng. Những cam kết tại những doanh nghiệp được hưởng lợi thế kinh doanh từ tập đoàn, hay tổng công ty phải được thực hiện công khai để hoạt động của doanh nghiệp trong trung hạn (từ 4-5 năm) không gặp nhiều sự xáo trộn.
Đây cũng là giai đoạn để những người chủ mới khi tiếp quản công ty tính toán và tìm ra hướng đi. Nhưng khi những điều này chưa được thực hiện, nhà đầu tư cũng phải chấp nhận do điều này chưa được luật hóa rõ ràng, thay vì đòi hỏi bên bán phải giữ cho mình”.
Thái Ca - Phi Long
SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
|