ETF có biến VCB thành công cụ?
Sự kiện 1,6 tỷ CP VCB của NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sắp niêm yết đang được giới đầu tư hết sức quan tâm. Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu các quỹ ETF có biến VCB thành công cụ để điều khiển VN Index?
Chiến lược đầu tư của các quỹ ETF tại Việt Nam là bám theo chỉ số thị trường VN Index. Để thực hiện chiến lược này, các nhà quản lý quỹ sẽ phải mua các CP có tỷ trọng lớn trong rổ chỉ số thị trường như BVH, MSN, HAG, VIC…
Tiêu chuẩn để ETF chọn lựa là CP có tính thanh khoản cao và còn room đủ lớn để mua bán và duy trì thanh khoản. Trong chiến lược đầu tư của các quỹ ETF, yếu tố cơ bản của CP không hẳn là yếu tố quyết định. Chẳng hạn, quỹ do Van Eck Global quản lý công khai với cổ đông chỉ có 20% quyết định mua bán dựa trên yếu tố cơ bản của CP.
Trong hơn 250 công ty niêm yết trên HOSE, có 20 công ty chiếm 66% tổng trọng lượng của chỉ số. Các công ty này có một số lượng hạn chế cổ phần có sẵn cho công chúng đầu tư (trung bình chỉ ở mức dưới 50%). Do đó, VN Index chịu tác động nhiều bởi 20 công ty này và không hẳn đã phản ánh tâm lý NĐT trên toàn bộ các công ty niêm yết.
Thí dụ, BVH chiếm tỷ trọng 11% của VN Index nhưng lượng CP trôi nổi tự do lại thấp (khoảng 7%). MSN có tỷ trọng khoảng 8% của VN Index nhưng số CP trôi nổi tự do là 15%. Những CP loại này sẽ là quan tâm số một vì ETF có mục đích bám sát sự vận động của VN Index.
Khi một số doanh nghiệp lớn (đặc biệt là trong hệ thống ngân hàng) được tăng phần trăm CP niêm yết trên sàn sẽ thu nhận sự quan tâm lớn hơn từ ETF, vì tiềm năng gây ảnh hưởng của chúng tăng lên và VCB là trường hợp điển hình.
Thực tế, khi quan sát biến động về tỷ trọng sở hữu của quỹ do Van Eck Global quản lý trong thời gian gần đây cho thấy có một số thay đổi: các CP blue chip ngành tài chính - ngân hàng được ưu tiên tăng tỷ trọng nắm giữ, trong khi các CP ngành bất động sản bị giảm tỷ trọng nắm giữ. Quỹ Deutsche Bank quản lý cũng có xu hướng giữ ổn định các CP ngành dầu khí và tăng sở hữu CP ngành tài chính - ngân hàng.
Với việc niêm yết thêm 1,6 tỷ CP, ước tính vốn hóa thị trường của VCB sẽ tăng lên chiếm khoảng 8% giá trị vốn hóa thị trường. Nếu tính cả VCB và PGGas (sắp được niêm yết), trong thời gian tới 7 mã CP có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường sẽ là PVGas, BVH, VIC, MSN, CTG, VCB, VNM. Các mã này ước chiếm khoảng 50% giá trị vốn hóa thị trường. |
Như vậy, có thể khẳng định việc VCB tăng giá trị vốn hóa được dự báo sẽ thu hút vốn đầu tư của các quỹ ETF vào VCB. Điều này đã từng xảy ra trước đây, khi các ETF mua mạnh các CP vốn hóa lớn như BVH, MSN nhằm đẩy VN Index đi ngược lại xu hướng giảm của thị trường. Tuy nhiên, theo phân tích của CTCK Dầu khí, khả năng tăng mạnh của VCB khó xảy ra.
Nguyên nhân là do khối lượng CP lưu hành bên ngoài của VCB rất lớn. Cụ thể, tổng khối lượng CP của các cổ đông nhỏ trong và ngoài nước đang lưu hành bên ngoài của VCB là 165 triệu CP (chiếm 9,28% vốn điều lệ của VCB). Do vậy, để điều khiển được giá của VCB, các quỹ ETF cần phải mua khoảng 50% lượng CP trên. Để mua 50% hay 82 triệu CP này, cần số tiền khoảng 2.400 tỷ đồng (tương đương 120 triệu USD). Số tiền này khá lớn với các ETF khi tổng số vốn của 2 quỹ ETF hiện nay chỉ mới có khoảng 300 triệu USD.
Hơn nữa, trong thời gian tới, PVGas và CTG cũng sẽ niêm yết thêm CP. Trường hợp các ETF muốn tiếp tục “làm xiếc” VN Index, sẽ phải mua mạnh CTG, PVGas và điều này sẽ khó xảy ra do không có đủ tiền.
Quay trở lại với VCB, giá của VCB hiện không phải quá rẻ để khuyến khích các quỹ ETF đầu tư. Nếu ước tính lợi nhuận trước thuế của VCB năm 2011 là 7.000 tỷ đồng, EPS vào khoảng 2.150 đồng/CP và P/E 12,5x.
Dựa trên phân tích kỹ thuật, VCB sẽ có ngưỡng cản ở mức 33.000 đồng/CP vì lực cung sẽ tăng mạnh tại khu vực này. Trong đợt tăng nóng ở những phiên giao dịch gần đây, VCB đã không thể vượt qua ngưỡng này.
Hải Hồ
SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
|