Nhà thầu nước ngoài vướng vì thuế
Chính sách thuế nhà thầu tại Việt Nam hiện có nhiều quy định chưa rõ, phụ thuộc vào quan điểm riêng của cục thuế địa phương, gây không ít khó khăn cho các nhà thầu nước ngoài.
Cùng với việc xây dựng những chính sách ưu đãi nhất định cho đối tượng nhà thầu nước ngoài (NTNN), việc soạn thảo, ban hành và hoàn thiện chính sách quản lý về thuế đối với NTNN cũng được coi là một nhiệm vụ thiết yếu.
Hiểu một cách đơn giản, bản thân thuế nhà thầu không phải là một sắc thuế, mà là một cơ chế thu thuế trên thu nhập từ hoạt động kinh doanh của NTNN tại Việt Nam.
Theo quy định hiện hành, các NTNN khi phát sinh doanh thu tại Việt Nam từ hoạt động cung cấp dịch vu, như cho thuê máy móc, thiết bị, bảo hiểm, dịch vụ chuyển phát quốc tế, dịch vụ giao nhận, dịch vụ vận chuyển của hãng vận tải biển, chuyển nhượng chứng khoán … và các hoạt động khác như xây dựng, thương mại, cung cấp máy móc thiết bị đi kèm dịch vụ... sẽ phải nộp thuế nhà thầu tại Việt Nam.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc thi hành thuế nhà thầu còn khá nhiều vướng mắc, do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Về cơ bản, chính sách thuế hiện còn rườm rà về thủ tục, ví dụ như việc thực hiện đăng ký mã số thuế, áp dụng Hiệp định tránh đánh thuế hai lần để xin miễn nộp thuế tại Việt Nam…
Có nhiều trường hợp, trong cùng một khoảng thời gian, NTNN có nhiều hợp đồng khác nhau được triển khai tại các địa phương khác nhau. Nếu áp dụng đúng theo quy định của Luật, thì nhà thầu phải làm đăng ký, kê khai và nộp thuế thu nhập cho từng hợp đồng riêng lẻ, trừ trường hợp đặc biệt là các hợp đồng nhận thầu với cùng một chủ đầu tư tại Việt Nam.
Đây là một trong những khó khăn lớn đối với các nhà thầu vì phải duy trì hệ thống sổ sách chứng từ riêng biệt cho các công trình trong khi nguồn nhân lực về kế toán, thuế thường hạn chế.
Chính sách thuế nhà thầu tại Việt Nam hiện cũng có nhiều quy định chưa thực sự rõ ràng, phụ thuộc nhiều vào thực tiễn triển khai và quan điểm riêng của các cục thuế địa phương. Quy định về thuế nhà thầu cũng như các sắc thuế liên quan, nhìn chung, chưa thể bao trùm được tất cả các giao dịch của NTNN trong thực tế, bởi tính đa dạng của hoạt động cung cấp hàng hóa - dịch vụ của các nhà thầu này tới thị trường Việt Nam. Đối một trường hợp cụ thể, mỗi cục thuế địa phương lại có thể có cách hiểu khác nhau, hoặc một số trường hợp các bên không xác định được việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam có chịu thuế nhà thầu hay không (ví dụ dịch vụ cho thuê domain ở nước ngoài; hợp đồng nhập khẩu thuần túy nhưng kèm điều khoản bảo hành...).
Chính vì vậy, cả NTNN và doanh nghiệp nhiều khi lâm vào tình trạng không biết phải áp dụng luật thế nào cho đúng, và do đó dễ gặp phải rủi ro, bị phạt khi cơ quan thuế có quan điểm khác với cách hiểu của doanh nghiệp và NTNN.
Đặc biệt, các quy định về thuế nhà thầu được xây dựng trên tư duy truyền thống, có nghĩa là mới xem xét trên khía cạnh hoạt động của các công ty nước ngoài là đơn lẻ, không thường xuyên, không có sự liên kết, nên các hướng dẫn về thực hiện nghĩa vụ thuế đối với đối tượng này thường theo xu hướng sự đơn giản. Tuy nhiên, thực tế thi hành lại gặp nhiều vướng mắc bởi tính chất hoạt động đa dạng của các nhà thầu.
Trong tương lai, hoạt động kinh doanh của NTNN sẽ đa dạng hơn, phức tạp hơn như kinh doanh thương mại điện tử, thực hiện giao dịch ngoài Việt Nam... Do đó, việc quản lý và thu thuế đối với NTNN đòi hỏi phải đảm bảo tính chuyên môn, và tính kịp thời nhằm đảm bảo thu thuế trước khi NTNN kết thúc hợp đồng tại Việt Nam để về nước.
đầu tư
|