Lạm phát gần 10%, khởi điểm thuế thu nhập vẫn 5 triệu?
Mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân mà Bộ Tài chính vừa đề xuất là 5 triệu đồng/tháng và cách miễn giảm được nhiều chuyên gia đánh giá là không phù hợp với thực tế.
Bên cạnh đó, "mốc" đánh thuế chỉ tính lương danh nghĩa. Còn thu nhập thực tế thì không kiểm soát được.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ phương án sẽ miễn thuế cho người có mức thu nhập đến 5 triệu đồng/tháng. Theo phương án này, đối tượng được miễn thuế khá hẹp, chỉ những người thu nhập đến 5 triệu đồng/tháng được miễn, còn những người có thu nhập đến 10 triệu đồng hoặc thu nhập ở các bậc thuế cao hơn sẽ không được miễn, giảm.
Trong khi đó, một số đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế lại cho rằng nên mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân nên gấp 10 lần lương tối thiểu, tức là khoảng 8 triệu đồng, quan trọng hơn là cách thức miễn giảm căn cứ theo mức lương.
Trao đổi về đề xuất mức khởi điểm thuế thu nhập cá nhân 5 triệu đồng/tháng, ông Lê Quốc Dung, Phó Chủ nhiệm ủy Ban kinh tế của Quốc hội cho biết:
- Theo quan điểm của tôi, căn cứ từ xây dựng Luật thuế này đã hơn 2 năm, trong khi mấy năm nay, giá cả liên tục tăng. Giá cả tăng cao như thế, trong khi theo Luật thì mức khởi điểm chỉ là 4 triệu. Nếu căn cứ theo đề xuất của Bộ Tài chính nâng mức khởi điểm chịu thế từ 4 triệu đồng lên 5 triệu đồng, tức là tăng mức khởi điểm lên 25% nhưng nếu so với mức lạm phát thì vẫn chưa ổn.
Năm 2008, lạm phát là 19%. Năm 2009 là khoảng 7%. Năm ngoái là khoảng 12,5%. Nếu lấy năm 2007 là mốc thực hiện thuế với mức khởi điểm là 4 triệu đồng thì mới tăng lên 25% mà riêng 3 năm qua, lạm phát đã cao đến thế, trong khi đó 4 tháng đầu năm lạm phát đã gần 10%.
Như vậy, mức khởi điểm chịu thuế là 5 triệu đồng không phù hợp với thực tế, vì thực tế giá cả đã vượt lên rất nhiều. Cho nên, nếu đề xuất như vậy thì đời sống của người dân khó khăn thêm.
Quản lý được lương, mất kiểm soát thu nhập?
- Như vậy nếu như sửa đổi luật thuế, điều gì nên được quan tâm? Có thể tính đến câu chuyện đánh thuế dựa trên mức thu nhập được kiểm soát dưới danh nghĩa lương mà chúng ta đang làm, chứ không phải là xác định cứng một mức cố định 4 triệu hay 5 triệu đồng như Bộ tài chính đề xuất không, thưa ông?
Ông Lê Quốc Dung: Hiện nay, lương hình thức, tất nhiên chúng ta rất khó để đánh giá. Vì lương của chúng ta là lương danh nghĩa không phải lương thực tế, trong khi thực tế cuộc sống của người dân không phải như thế.
Cho nên những người có mức lương từ 5 triệu đồng trở lên thì lại rơi vào những bộ phận tưởng như thế là cao. Nhưng cũng có những người tưởng rằng lương thấp thì thu nhập thực tế lại cao hơn rất nhiều.
Bây giờ cách mà chúng ta đánh giá và xác định "mốc" đánh thuế thu nhập cá nhân chỉ đánh vào lương danh nghĩa này. Còn lương không danh nghĩa, tức là thu nhập thực tế thì chúng ta không kiểm soát được cho nên đánh thuế theo cách đang làm là bất hợp lý.
Bây giờ bảo những người có lương 5 triệu hay 6 triệu đồng/tháng là đời sống cao cũng chưa phải. Nhưng bảo những người có mức lương 2 triệu đồng - 3 triệu đồng/ tháng là đời sống thấp cũng chưa phải. Bởi vì chẳng qua chỉ lương là danh nghĩa.
- Vậy, quan điểm của ông khi sửa Luật thuế này là như thế nào?
Ông Lê Quốc Dung: Quan điểm của chúng tôi là phải nghiên cứu kỹ để mà sửa, chứ còn bây giờ không thể dịch theo tỷ lệ mà tỷ lệ lại dựa trên những căn cứ không thực tế, không phản ánh thực tế cuộc sống. Làm như thế là hình thức, là giả tạo và rất là không chuẩn mực. Phân tích như thế để nói rằng, chính sách lương cơ bản hiện nay không cơ bản và rất bất hợp lý. Đồng thời việc đánh thuế thu nhập theo con số danh nghĩa cũng không thực tế, không đầy đủ và khó đem lại tác động đúng.
Cho nên, nó cũng chỉ đúng được một phần. Còn bảo nó chưa đúng thì cũng chưa chuẩn. Tôi ví dụ nói cùng trong một ngành thôi, hay cùng trong một cơ quan, hay cùng trong một bộ chẳng hạn, lương danh nghĩa có khi rất thấp nhưng mà người ta lại có nhiều nguồn thu khác. Thế làm sao mà kiểm soát được? Cứ dựa vào hệ thống lương bảo thủ rất là cũ kỹ, rất không phù hợp. Bây giờ cứ như thế mà đánh thuế thu nhập cá nhân thì phù hợp. Chúng tôi không đồng tình, mà tôi cũng đã phát biểu ở quốc hội là chính sách lương của chúng ta rất bất cập.
- Nhưng về cơ bản, để kiểm soát được thu nhập của người dân, không chỉ dựa vào việc sửa luật, vấn đề là "cơ sở hạ tầng tính thuế" và các điều kiện để kiểm soát thu nhập của chúng ta chưa đồng bộ?
Ông Lê Quốc Dung: Bây giờ cải cách lại chế độ lương và phải kiểm soát được tất cả các nguồn thu nhập. Điều này chúng ta cố gắng làm bằng nhiều cách. Kể cả vấn đề thông qua tài khoản ngân hàng, thông qua thẻ, rồi thông qua các hệ thống trên công nghệ thông tin... Tất cả các hoạt động thu nhập của người lao động, của công chức phải được kiểm soát một cách đồng bộ, chứ không để tình trạng, cả xã hội tiêu tiền mặt như hiện nay.
Cái gốc của vấn đề là hiện nay chúng ta chưa xây dựng một hệ thống chính sách cơ bản đúng. Chúng ta không kiểm soát được thu nhập thì sao khẳng định được thu nhập đó là đúng. Nhưng bây giờ có những bộ phận chúng ta đã nói thu nhập chỉ 5 triệu đồng/tháng, liệu có đúng 5 triệu đồng không?
Tôi cho rằng phải sửa vài bộ luật liên quan luôn, từ luật lương cho đến kiểm soát thu nhập của tất cả mọi tầng lớp dân cư, tất cả mọi lĩnh vực. Trên cơ sở ấy mà đánh giá thuế thu nhập cá nhân. Còn không thì cơ quan chức năng chỉ đánh giá thu nhập của những người có thu nhập cao để mà kiểm soát và thu thuế.
- Xin cảm ơn ông!
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|