Hóa đơn theo quy định mới: Vi phạm vẫn như cũ!
Ngày 1-4, tất cả các doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp siêu nhỏ) phải thực hiện hóa đơn tự tạo theo Nghị định 51/NĐ-CP. Nghị định này “thoáng” hơn, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp thực hiện xuất hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) cho khách hàng. Đồng thời, nghị định cũng quy định nâng mức phạt vi phạm về hóa đơn chứng từ. Sau một tuần thực hiện quy định mới, tình hình vi phạm bán hàng không xuất hóa đơn tràn lan như lâu nay có được cải thiện? Chúng tôi đã khảo sát một số cửa hàng lớn trên địa bàn TPHCM…
Không có khái niệm “hóa đơn mẫu”
Bên cạnh việc cho phép các doanh nghiệp tự in, đặt in hóa đơn, Nghị định 51 và các thông tư hướng dẫn có quy định trước khi đưa hóa đơn vào sử dụng, doanh nghiệp phải gởi thông báo phát hành hóa đơn cho cơ quan thuế quản lý, kèm theo hóa đơn mẫu. Đồng thời, doanh nghiệp phải niêm yết công khai hóa đơn mẫu tại nơi bán hàng trong suốt quá trình kinh doanh. Bởi trước đây hóa đơn chỉ có một mẫu do Bộ Tài chính phát hành thì giờ hóa đơn do doanh nghiệp tự in, đặt in muôn hình vạn trạng nên Chính phủ buộc doanh nghiệp phải niêm yết hóa đơn mẫu của mình để người dân biết và đối chiếu.
Thế nhưng, sau một tuần thực hiện, qua khảo sát chúng tôi thấy gần như nơi nào cũng vi phạm, không nơi nào niêm yết hóa đơn mẫu để khách hàng đối chứng. Còn việc xuất hóa đơn thì vẫn chiêu cũ có người yêu cầu thì mới xuất nhằm đẩy trách nhiệm nhận hóa đơn cho khách. Theo quy định, doanh nghiệp bán hàng, thu tiền là phải xuất hóa đơn ngay cho khách, nhưng nhiều nơi cố tình làm phức tạp, khó khăn hơn để khách hàng nản, không nhận hóa đơn và cuối cùng là đổ lỗi cho khách không nhận hóa đơn.
Đã không niêm yết hóa đơn mẫu, Trung tâm điện máy Thiên Hòa lại niêm yết ở quầy thu ngân dòng chữ: “Quầy thu ngân. Quý khách vui lòng nhận hóa đơn tài chính tại Phòng kế toán”!? Siêu thị điện máy Chợ Lớn cũng không niêm yết hóa đơn mẫu nhưng có tấm biển: Xin quý khách vui lòng kiểm tra tiền và hóa đơn GTGT trước khi rời khỏi quầy thu ngân. Các trung tâm, siêu thị điện máy khác như Nguyễn Kim, Hoàn Long, Đệ Nhất Phan Khang… cũng không niêm yết hóa đơn mẫu tại nơi bán hàng. Khi thanh toán tiền, nhân viên bán hàng hỏi khách hàng có cần hóa đơn GTGT không, nếu khách cần, nhân viên sẽ xuất, còn không thì hầu như không xuất. Nhân viên Công ty Máy tính Hoàn Long còn nói rõ: “Khách hàng yêu cầu chúng tôi sẽ xuất hóa đơn, nếu không thì thôi!”.
Mức phạt cao + không phạt = không sợ!
Các doanh nghiệp quen “đẩy” trách nhiệm cho khách hàng mà không nắm được rằng Nghị định 51 có chế tài hẳn hoi đối với trường hợp bán hàng không giao hóa đơn cho khách. Cụ thể, tại điểm a, khoản 2 Điều 33 Nghị định 51 về xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ có quy định xử phạt đối với hành vi “Lập hóa đơn nhưng không giao cho người mua”. Tức là dù doanh nghiệp có xuất hóa đơn nhưng không giao cho khách hàng vẫn bị phạt. Điều này sẽ chấm dứt việc đẩy trách nhiệm nhận hóa đơn cho khách hàng với lý do không xuất hóa đơn vì khách hàng không có nhu cầu nhận. Quy định này còn chấm dứt việc nhiều doanh nghiệp không xuất hóa đơn giao cho khách mà xuất sau, ghi giá bán thấp hơn để giảm lời, trốn thuế thu nhập doanh nghiệp.
Dù luật chưa quy định chế tài đối với khách hàng khi không lấy hóa đơn mua hàng, thế nhưng khách hàng nên tạo thói quen nhận hóa đơn mua hàng và phải đảm bảo hóa đơn xuất đúng giá. Vì nó sẽ có lợi cho khách hàng về sau. Mới đây có trường hợp một khách hàng mua chiếc xe SH đến 8.500 USD nhưng chỉ nhận hóa đơn bán hàng với giá 115 triệu đồng – vì ham lợi, giá rẻ sẽ nộp thuế trước bạ ít hơn nên khách đồng ý. Nhưng sau đó chẳng may xe mất, khi yêu cầu bồi thường khách hàng chỉ được bồi thường theo hóa đơn là 115 triệu đồng. Đó là bài học kinh nghiệm về nhận hóa đơn. Do vậy, khách hàng cần tạo thói quen nhận hóa đơn và lưu giữ hóa đơn cẩn thận, nó sẽ có ích về sau…
Ông Nguyễn Trọng Hạnh, Phó cục trưởng cục Thuế TPHCM |
Hành vi không niêm yết hóa đơn mẫu cũng vi phạm điểm b, khoản 1, Điều 32 Nghị định 51 là “không niêm yết hóa đơn mẫu theo đúng quy định” bị xử phạt 1 - 5 triệu đồng. Hành vi không xuất và giao hóa đơn cho khách hàng khi bán hàng có giá trị trên 200.000 đồng trở lên cũng bị xử phạt theo quy định tại Điều 33 với mức phạt đến 20.000.000 đồng. Cùng với việc bị xử phạt, Nghị định 51 cũng buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh phải lập hóa đơn giao cho người mua. Như vậy, với quy định này, hóa đơn phải được giao đến tay khách hàng để khách hàng kiểm tra, đối chiếu xem giá ghi trong hóa đơn có đúng với giá bán không…
Các quy định của Chính phủ rất rõ ràng, cụ thể, mức phạt cũng tương đối cao, thế nhưng do cơ quan chức năng không tiến hành kiểm tra xử lý nên chế tài của pháp luật chưa tác động đến người vi phạm. Các doanh nghiệp vẫn coi thường pháp luật, ngang nhiên vi phạm vì thiếu sự kiểm tra xử lý. Chỉ cần ngành thuế thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra xử lý thì dù số tiền phạt không nhiều nhưng cũng đủ loại bỏ những doanh nghiệp bất chấp pháp luật ra khỏi thị trường. Bởi Nghị định 51 có quy định doanh nghiệp vi phạm về thuế với tổng số tiền phạt trên 50 triệu đồng trong vòng 365 ngày thì không được tự in hóa đơn. Do vậy, chỉ cần cơ quan thuế thường xuyên kiểm tra, xử lý, doanh nghiệp tái phạm sẽ có nguy cơ chịu chế tài cao hơn. Nếu không kiểm tra, xử lý thì doanh nghiệp vi phạm vẫn không sợ và còn làm quy định, pháp luật trở nên vô hiệu.
Thi Hồng - Việt Nga
Sài Gòn giải phóng
|