Thứ Bảy, 02/04/2011 08:59

Ưu đãi thuế: Giảm rủi ro, tránh thiệt thòi

Những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi thuế. Song trên thực tế, nhiều DN đã không biết đến những ưu đãi thuế mà lẽ ra họ được hưởng theo đúng quy định của pháp luật. Điều này đã khiến DN chịu nhiều thiệt thòi, thậm chí gặp rủi ro trong hoạt động SXKD. PV Báo đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam về vấn đề này.

- Thực tế cho thấy, nhiều DN không biết rõ về những chính sách ưu đãi thuế mà mình được hưởng. thưa bà, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Do cập nhật thông tin chưa tốt nên một số DN, nhất là DN nhỏ và vừa chưa nắm bắt được những chính sách ưu đãi thuế của Nhà nước. Một số DN lẽ ra được khấu trừ các khoản chi phí thực tế, nhưng lại không khấu trừ. Một số DN có thể đăng ký vào danh sách được ưu đãi thuế, song họ lại không biết… Đặc biệt, có quy định khấu trừ thuế đầu vào phải thanh toán qua ngân hàng, DN không hiểu rõ, cứ tưởng là đem tiền mặt nộp vào tài khoản của người bán coi như là thanh toán qua ngân hàng. Mặc dù Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã có nhiều văn bản hướng dẫn, nhưng DN vẫn chưa hiểu rõ. Trong khi đó, theo quy định, khi DN không thanh toán qua ngân hàng, tiền thuế đầu vào không được khấu trừ. Cũng có trường hợp DN để tờ kê khai thuế đầu vào quá hạn 6 tháng nên không được kê khai thuế đầu vào… Như vậy, do thiếu hiểu biết về chính sách thuế, DN đã gặp nhiều rủi ro, chi phí tăng lên và lợi nhuận giảm đi.

Hiện nay, DN có thể tiếp cận thông tin về thuế theo nhiều nguồn. Thứ nhất, qua các phòng tuyên truyền hỗ trợ của các cục thuế địa phương, trên website của Tổng cục Thuế và Hội Tư vấn thuế Việt Nam. Ngoài ra còn có những trang chuyên phục vụ DN về chính sách thuế, như mạng tư vấn thuế TANET hoặc một số trang luật Việt Nam... Nhưng vấn đề là DN phải biết thông tin nằm ở đâu, phải tra cứu ra sao, tìm hiểu văn bản nào trong hệ thống pháp luật thuế để nắm bắt được thông tin đó nhằm phục vụ cho DN một cách có lợi nhất.

- Hiện nay, quyết toán thuế đang là vấn đề nóng bỏng. Bên cạnh những DN chưa nắm vững chính sách, có DN lợi dụng chính sách để lách luật. Bà có nhận xét gì về thực tế này?

Hiện nay, DN phải thực hiện cơ chế tự kê khai, tự xác định số thuế phải nộp và quyết toán thuế. Khi tự quyết toán thuế, họ phải tính toán doanh thu, chi phí. Một số DN có tâm lý tránh thuế được đồng nào hay đồng nấy, một số DN dùng biện pháp lách luật, trốn thuế. Đơn cử, có DN doanh thu phát sinh nhiều nhưng khi khai thuế lại báo cáo ít. Có trường hợp DN bán hàng nhưng không cấp hóa đơn cho người mua, có trường hợp cấp hóa đơn nhưng cố tình để hai liên hóa đơn lệch nhau, liên giao cho khách hàng giá cao, liên gốc giá thấp… Như vậy, doanh thu của DN thấp đi, chi phí tăng lên, khiến số thuế nộp cho nhà nước rất thấp. Để hợp thức hành vi gian lận, khi quyết toán thật, các DN này phải có chứng từ và họ lại tiếp tục tạo nên chứng từ khống để kê khai, trốn thuế. Những hành vi này diễn ra khá phổ biến, nhất là với các hộ kinh doanh nhỏ, doanh thu rất nhiều. Lợi dụng thói quen của người dân Việt Nam thường không lấy hóa đơn, doanh thu thực của các cửa hàng ăn uống, dịch vụ trên thực tế chênh lệch rất cao so với kê khai thuế của DN, gây ra tình trạng thất thu thuế.

Có DN cho rằng, cơ quan thuế không thể kiểm tra hết các DN được. Thực trạng này có xảy ra, song theo quy định, nếu cơ quan thuế chưa kiểm tra năm nay thì các năm sau vẫn có thể kiểm tra truy thu, truy phạt trong thời gian 5 năm với trường hợp DN vẫn kê khai thuế. Nếu DN không kê khai, cơ quan thuế sẽ truy thu, truy phạt trong quãng thời gian không bị khống chế. Nếu cơ quan thuế phát hiện sai phạm, DN sẽ bị phạt nặng. Vì vậy, DN phải kê khai trung thực. Như vậy, sẽ tránh được nhiều rủi ro và giúp minh bạch tình hình tài chính của DN, một điều kiện quan trọng để nâng mức tín nhiệm của DN.

- Bên cạnh tình trạng trên, chính sách thuế cũng còn nhiều bất cập, như việc DN phải hoàn thành nhiều thủ tục về thuế tập trung vào ngày cuối tháng, gây tình trạng ùn tắc?

Đúng là thực tế này vẫn diễn ra. Đơn cử, đợt quyết toán thuế TNCN năm 2009, đến hạn cuối ngày 31-3 mọi người tập trung rất đông để nộp báo cáo. Nhưng khi Bộ Tài chính gia hạn đến tháng 5 để tạo thuận lợi lại chẳng có DN nào đi nộp, mà chờ đến hạn cuối mới thi nhau nộp quyết toán. Việc kê khai thuế GTGT, DN cũng thường dồn vào ngày 20 hằng tháng. Theo tôi, quy định kê khai thuế theo tháng, quý, năm tương ứng với thời hạn: 30, 60, 90 ngày, như vậy thời gian không phải ngắn. Để tránh bất cập, DN không nên dồn vào ngày cuối mới nộp báo cáo thuế.

- Xin cảm ơn bà!

Hà Nội Mới

Các tin tức khác

>   Nên giãn thuế thu nhập cá nhân cho một số đối tượng (02/04/2011)

>   Dùng hoá đơn tự in có an toàn? (01/04/2011)

>   Giãn thuế một năm cho doanh nghiệp nhỏ (31/03/2011)

>   Dành 7.000 tỷ đồng để giãn thuế thu nhập doanh nghiệp (30/03/2011)

>   Mở rộng đối tượng được tạo hóa đơn tự in (30/03/2011)

>   Cơ quan thuế thêm quá tải trước giờ G hóa đơn tự in (29/03/2011)

>   Cân nhắc giãn thuế cho doanh nghiệp gặp khó khăn (29/03/2011)

>   Kiến nghị sửa Luật Thuế TNCN: Bỏ con tép, bắt con tôm (29/03/2011)

>   6 ngàn doanh nghiệp xoay xở thế nào với việc in hóa đơn? (28/03/2011)

>   Chưa tính chuyện giãn thuế thu nhập doanh nghiệp (28/03/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật