Mơ chứng khoán Lào
Ghé thăm các diễn đàn mạng hay thực tế ngoài sàn giao dịch, có thể thấy một trong những chủ đề mà nhiều nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán quan tâm nhất hiện nay là: Thoát khỏi thị trường bằng mọi giá, hay nỗ lực bám trụ và kỳ vọng TTCK VN sẽ sớm như… chứng khoán Lào.
Về mặt tuổi đời, lẽ dĩ nhiên TTCK VN là bậc đàn anh, so với Lào. Một cậu bé ở tuổi lên 10, hẳn phải khác với một em bé sơ sinh chưa tròn tuổi.
Cái cần không có, cái có không cần
Ra đời hơn 10 năm, đã có không dưới 5 năm“chính thức phát triển” kể từ ngày VN gia nhập WTO, nhưng đến nay TTCKVN vẫn thiếu những cơ sở nền tảng theo chuẩn quốc tế. Trong khi, cái nền đó, lẽ ra phải được xây dựng theo quy chuẩn và đúng quy luật “từ nền đến mái” ít nhất từ khi Luật Chứng khoán năm 2006 được Quốc hội thông qua.
Ở những thời điểm thị trường ngặt nghèo như hiện nay, mới thấy việc thiếu một nền tảng chuẩn hóa, đồng bộ, là mối họa tiềm tàng, nếu không nói là TTCK VN đã được xây dựng phần nào trên một cái nền rỗng. Do đó, khi có dấu hiệu lung lay, NĐT lập tức mất lòng tin và quay lưng với thị trường.
Một ví dụ về việc các thành viên đã mỏi mòn ngóng đợi những bước thay đổi cơ sở cho thị trường, là quy chế ngày T. “Đã ba năm kể từ 2008 khi chứng khoán VN bắt đầu đà sụt giảm, chúng tôi rất nhiều lần mong mỏi cơ quan quản lý cho phép giao dịch T+2, vừa tạo thanh khoản, vừa đem lại công bằng cho NĐT. Và cũng đã nhiều lần nghe cơ quan quản lý... hứa. Nhưng sau đó chẳng thấy đâu. Không hiểu tại sao?” – nhà đầu tư Nguyên trên sàn DDS cho biết.
Năm nay, giao dịch T +2 vẫn chưa có khả năng áp dụng, dù SSC đã có hơn 1 năm chuẩn bị, sau dự thảo hướng dẫn Quy định về bán chứng khoán sau ngày giao dịch hoàn tất. Trong dự thảo về Thông tư hướng dẫn giao dịch trên TTCK mà SSC trình Bộ Tài chính năm nay, không có T+2.
Giao dịch T+2, kỳ thực, mới là “một chuyện, trong vô số chuyện thị trường cần, mà chưa có”. Về việc vì sao thị trường Lào có T+2, mà VN lại chưa, một chuyên gia giải thích: “Rất có thể do thị trường Lào mới chỉ có một, hai mã cổ phiếu, giao dịch còn thưa thớt, nên việc thực hiện T+2 dễ dàng hơn. Trong khi, thị trường của ta đã phát triển hơn, cả về lượng hàng hóa lẫn quy mô giao dịch. Do đó giao dịch T+2 nếu không được thiết lập ngay từ đầu ở cả cơ chế lẫn công nghệ, mà nửa chừng mới xúc tiến, thì lại phải chờ đồng bộ hóa mọi vấn đề có liên quan !”.
Vậy tại sao nước bạn Lào vừa đi vào vận hành TTCK, đã có thể thực hiện nhiều quy định theo chuẩn quốc tế như: Nghiệp vụ ký quỹ, mua bán cổ phiếu trong cùng phiên, NĐT được mở nhiều tài khoản, IPO gắn với niêm yết, không có “rào cản” hạn chế NĐT nước ngoài rút vốn... để tăng tính hấp dẫn của thị trường, mà ta thì không ?
Thận trọng và ao ước
Ra đời hơn 10 năm nhưng đến nay TTCK VN vẫn thiếu những cơ sở nền tảng theo chuẩn quốc tế. |
Có cảm giác như để cho ra một quy chế mới tại TTCK VN, cơ quan quản lý luôn rất thận trọng. Thận trọng để đảm bảo an toàn cho thị trường, cũng đồng nghĩa là đảm bảo an toàn cho các NĐT là đúng. Nhưng thận trọng đến mức một nghiệp vụ có khả năng gỡ nút thắt như giao dịch ký quỹ, vốn đã được các CTCK sử dụng từ lâu để làm công cụ lôi kéo khách hàng..., thì sau ba năm chuẩn bị, đến giờ vẫn chưa được phép chính thức triển khai. Còn nhớ năm 2008, hội thảo về giao dịch ký quỹ do SSC phối hợp với CTCK Kim Eng tổ chức, có mời chuyên gia Kim Eng Singapore đến tham vấn, đã khiến cả thị trường khấp khởi. Đến lúc này, tương lai của ký quỹ, giao dịch ngày T+, mở nhiều tài khoản, mua bán trong cùng phiên..., xem ra, chỉ là chuyện: Xới lên sự việc, tạo niềm vui nhất thời cho NĐT, và sau cùng là... mừng hụt!” - một NĐT bức xúc.
“Không hiểu vấn đề vướng mắc ở chỗ nào. Nhưng rõ ràng, ai cũng thấy là có một khâu vướng mắc nào đó chưa thể xử lý được” - ông Phan Dũng Khánh - Trưởng phòng Phân tích CTCK KEVS, băn khoăn về việc cơ quan quản lý quá chậm trễ trong việc ban hành những quy chế, đưa ra thị trường những sản phẩm mới. Cũng theo ông Khánh, “điều thị trường cần nhất lúc này, không hẳn là lệnh MP (lệnh thị trường) hay hoãn thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng chứng khoán. Mặc dù, những nỗ lực ấy cũng phần nào cho thấy sự quan tâm của cơ quan quản lý. Nhưng chính các sản phẩm mới đã được đề cập rất nhiều lần, mà chưa thực hiện được, là có thể mang đến làn gió mới cho thị trường. Một nền tảng thị trường tốt, chưa hẳn sẽ là toàn bộ động lực mang lại sự tăng trưởng cho thị trường lúc này. Tuy vậy, để có một thị trường tăng trưởng, không thể thiếu cái nền vững chãi. Trong một thị trường đã hơn 10 năm tuổi, mà vẫn có không ít thành viên bức xúc vì “còn kém phát triển hơn thị trường 1 năm tuổi”; thậm chí, ước ao “giá như thị trường mình được như thị trường chứng khoán Lào”, thì rõ ràng, đây là điều cần suy nghĩ !
Trông người mà ngẫm về ta
Là CTCK đầu tiên có mặt trên TTCK Lào, ông NGUYỄN THANH HÙNG - Tổng giám đốc CTCK SacomBank đã có cuộc trò chuyện với Diễn đàn Doanh nghiệp về thị trường này.
- Ở cương vị DN có phần vốn góp chiếm hơn 50% tại Lane Xang. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của TTCK Lào ?
Câu chuyện về TTCK Lào là một câu chuyện khá thú vị. Thứ nhất, TTCK Lào được đánh giá rất tiềm năng bởi những DN được chọn niêm yết trong giai đoạn đầu đều là các DN đầu ngành. Điều này giúp cho thị trường Lào có một xuất phát điểm tốt cho dù ra đời muộn. Mặt khác, nền kinh tế Lào được đánh giá có nhiều tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên (mỏ đồng, vàng, sắt với trữ lượng lớn), điện lực, viễn thông, ngân hàng, chế biến nông sản,... Đây là những lĩnh vực sẽ thu hút và hấp thụ vốn của TTCK Lào trong tương lai không xa. Thứ hai, TTCK Lào được thành lập là để thu hút nguồn vốn từ nhà đầu tư nước ngoài là chính chứ không phải là “sân chơi nội địa”.
Với quan điểm đó TTCK Lào được xây dựng dựa trên sự tham khảo và rút kinh nghiệm từ các nước tiến bộ khác trên thế giới nhằm rút ngắn thời gian để hoàn thiện thị trường và hướng đến các chuẩn mực quốc tế.
- Hiện nay, TTCK Lào có bao nhiêu CTCK ? Các kế hoạch kinh doanh của Lane Xang sẽ gắn với định hướng phát triển của thị trường này như thế nào trong thời gian tới, thưa ông ?
Một trong những điểm khác biệt của TTCK Lào so với nước ta là không cho phép quá 5 Cty chứng khoán hoạt động, trong đó Lane Xang là Cty chứng khoán hoạt động chính danh đầu tiên đại diện từ VN. Chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, Lane Xang đã dẫn đầu về thị phần môi giới, hiệu quả kinh doanh, nguồn vốn và uy tín thương hiệu tại thị trường Lào. Ở một thị trường mới như Lào và với vị thế của người đi đầu, Lane Xang có đầy đủ các lợi thế để phát triển và cung ứng đầy đủ dịch vụ chứng khoán cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, Lane Xang tập trung cung ứng dịch vụ môi giới và tư vấn tài chính DN. Về dịch vụ môi giới, Lane Xang hiện đã và đang khẳng định vai trò môi giới chuyên nghiệp và hiệu quả. Về dịch vụ tư vấn tài chính DN, Lane Xang đã rất thành công sau khi tư vấn niêm yết thành công cổ phiếu của Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL) vào ngày 11/1/2011 vừa qua và tiếp tục thực hiện tư vấn cổ phần hóa cho một số DN lớn nữa trong năm 2011. Trong hai năm tới, Lào có kế hoạch đưa khoảng 30 DN tốt cổ phần hóa và niêm yết trên sàn chứng khoán. Đây sẽ là nguồn khách hàng tiềm năng mà Lane Xang có cơ hội cao để tiếp cận.
- So với TTCK VN, TTCK Lào có những điểm gì khác biệt ?
TTCK Lào có một ưu thế của thị trường đi sau, do đó, cơ hội để họ học tập kinh nghiệm của các nước bạn, trong đó, có VN, là rất lớn. Nhờ đi sau, mà ngay từ đầu, họ đã xác định được là “nên làm thế nào” và định hướng phát triển của họ đã được hoạch định rất bài bản. Đây là một trong những nền tảng có thể giúp thị trường phát triển bền vững, tránh sự mất cân bằng ngay trong lòng thị trường.
Ngoài ra, ngay từ đầu, TTCK Lào cũng đã có một hệ thống công nghệ - với sự cung cấp của đối tác Hàn Quốc – vận hành tối ưu. Việc đầu tư của họ vào hệ thống công nghệ cũng là phương pháp vận hành của thị trường hiện đại, sẵn sàng chuyển sang khớp lệnh liên tục nếu thị trường hoạt động tốt và an toàn giai đoạn đầu. Song song với khớp lệnh định kỳ “thử nghiệm”, thị trường Lào cũng đã tiến xa khi cho phép NĐT mở nhiều tài khoản, mua bán cổ phiếu cùng phiên theo chuẩn mực quốc tế. Đặc biệt, với quan điểm TTCK không chỉ là “sân chơi” cho người Lào, các cơ quản lý các cấp đều có những quy định hỗ trợ tiêu chí thu hút đầu tư quốc tế thông qua thị trường này rất hữu hiệu, thông suốt.
- Là thị trường vốn mới vừa khai sinh nhưng lập tức thu hút được sự quan tâm của các khối nhà đầu tư trong khu vực. Vậy, TTCK VN đã hơn 10 năm tuổi, cần có những thay đổi ra sao để nhanh chóng lấy lại được sức hút tương tự ?
Có lẽ quan trọng nhất vẫn là phải tỏ rõ quyết tâm và đặt kỳ vọng vào sự phát triển của thị trường. Chúng ta đã có kế hoạch “tái cấu trúc thị trường”, quá trình tái cấu trúc đó, ở phương án nào cũng nên đặt trên phương châm hành động “thu hút vốn hiệu quả cho nền kinh tế”. Việc không đặt ra các rào cản để hạn chế nguồn vốn đầu tư vào thị trường sẽ là cơ sở chính cho hành trình thu hút vốn. Và dĩ nhiên, để trở thành một thị trường vốn đúng chức năng, TTCK VN sẽ còn phải nhiều lần thay đổi để dần dần đi đến một thị trường thực sự đúng chuẩn mực quốc tế.
Một số vướng mắc khác, có lẽ cần, nhưng không gấp và đáng được ưu tiên bằng những vấn đề trên. Khi thị trường đã được hoàn thiện và tối ưu hóa cơ chế vận hành thì việc thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư sẽ chỉ còn là bài toán nâng cao chất lượng hàng hóa đã và sẽ có mặt trên thị trường trong tương lai.
- Xin cảm ơn ông ! |
Lê Mỹ thực hiện
diễn đàn doanh nghiệp
|